Căn phòng tắm nhà trọ thấp lè tè, hâm hấp cái nóng của một ngày. Tấm gương bán thân cũ lờ mờ hơi nước.
Quỳnh nhìn mình trong gương. Mái tóc dài, dày, đen nhánh vắt ngược lên đỉnh đầu. Đài cổ cao, bờ vai thon. Đường lượn mềm mại giữa đồi ngực thanh xuân vun lên tròn trĩnh. Vùng bụng phẳng lì.
Với chiều cao một mét sáu mươi lăm chưa đạt tiêu chuẩn người mẫu nhưng đối với người Việt Nam như thế là được.
Không thể gọi Quỳnh là đẹp, cô biết thế. Làn da nâu mịn, đôi mày rậm hơi xếch, gò má cao, miệng rộng và đôi môi dày ham hố. Dưới mắt các bà mẹ chồng kén dâu, cô chắc chẳng đạt điểm tốt.
Thế nhưng sức sống hừng hực từ bên trong khiến cô có nét hấp dẫn riêng đối với cánh đàn ông. Cứ xem cái cách họ xòe lông xòe cánh trước mặt cô, cô hiểu được ma lực của mình và thích thú về điều ấy.
Dòng nước mát xoa dịu cái nóng, bộ quần áo sạch mang lại cảm giác dễ chịu. Cô ra khỏi phòng tắm và bước lên nhà trên. Cô bạn trọ cùng phòng đang chăm chú luyện Anh văn.
Đối với Thư, mọi cái đều bằng phẳng, đơn giản. Quỳnh chẳng hiểu sao một người có quá nhiều vấn đề như cô lại có thể kết thân với một người như thế.
Bố mẹ Thư cần có một người bạn ở cùng với con, cái chính là Thư hợp với cô, thế thôi. Quỳnh thèm kiểu gia đình trí thức của Thư, không giàu nhưng con cái được bao bọc, chăm chút kỹ lưỡng.
Chẳng như cô, lang thang từ năm học lớp mười, sống thân phận nửa bà con, nửa ôsin để có chỗ trọ và cơm ăn. Đôi lúc cũng buồn và tủi lắm nhưng vẫn thấy nhẹ nhàng hơn là phải đối mặt thường xuyên với nỗi cay cực và tăm tối của gia đình. Nhà sát ngay một bãi tập kết phế liệu.
Mười mấy năm nay cả gia đình Quỳnh sống lay lắt nhờ nghề phân loại phế liệu của mẹ. Chứ trông chờ vào quán sửa xe đạp xiêu vẹo của bố có lẽ đã chết đói từ khuya.
Bố cô là kẻ nát rượu. Con sâu rượu đã ngấm vào người. Không uống thì cứ run bần bật. Mà chỉ cần một ly rượu nhỏ thôi cũng đủ say.
Da mặt xám ngoét, ăn nói lèm bèm, tròng mắt vằn đỏ và nhất là cái cách cười gằn trông man dại lắm. Nghèo kiết cùng với thói nát rượu của bố đã rút hết sinh lực của mẹ.
Người bà quắt lại như một quả trám khô, cặp mắt đờ đẫn, làn da nâu sạm với những đường cày chi chít. Phụ nữ ngày nay, ngoài 40 vẫn còn là thời kỳ mãn khai, sung sức.
Vậy mà khi nhìn bà người ta không có cảm giác về giới tính, chỉ còn lại niềm xót xa về gánh nặng của thân phận con người.
Thằng em trai độc nhất, theo bạn bè đàn đúm, rồi vướng vào một vụ ăn trộm dây cáp điện. Thế là bị đưa vào trại giáo dưỡng. Thôi thì, cũng có chỗ vừa được nuôi cơm, vừa được dạy dỗ.
Quê cô không phải là một vùng nông thôn êm đềm, thi vị như văn chương thường miêu tả mà là một nơi khắc nghiệt thử thách sức chịu đựng của con người.
Mùa hè, gió Lào rát bỏng, cát nóng như được nung lên, không khí hầm hập, nồng nặc mùi phế liệu tồn đọng lâu ngày.
Bấy nhiêu năm sống chung với cái mùi ấy. Nó bám vào tóc, vào da. Nó ngấm vào xương, vào thịt. Nó đi vào giấc ngủ và trở thành nỗi ám ảnh nặng nề…
Những chiều mùa đông xám xịt, mưa trắng trời, trắng đất. Mấy căn hộ trơ vơ giữa đồng trống nép vào nhau trông tơi tả như một xóm ngụ cư. Quán chợ bên kia đường lèo tèo, xiêu vẹo. Gió bấc từ đồng trống thổi vào thông thốc.
Lạnh cắt da, cắt thịt. Trời tối dần cùng với tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng… Tâm hồn thơ bé của cô mênh mang như đi lạc vào đâu đó. Cô thực sự xa lạ trong ngôi nhà, trên quê hương và giữa những người được coi là thân yêu nhất.
- Xem thêm: Khoảng lặng
Hai người ngồi yên lặng bên nhau. Xa xa, núi lượn thành vòng cung, gấp nếp, sáng tối, đậm nhạt không đều. Mặt trời rơi hẳn xuống sườn bên kia, phương Tây rừng rực như lửa cháy.
Trời trong và một tiếng động dù nhỏ dường như cũng vang xa hơn… Ngồi với Nghĩa như thế này, Quỳnh thấy lòng yên ả. Một chút bình an hiếm hoi như những khoảnh khắc im tiếng súng giữa hai trận chiến.
Mà đời Quỳnh là một cuộc chiến, có bao giờ thôi vật lộn với những tính toán, lo toan. Nhưng hôm nay thì không thế. Cô biết. Nghĩa trông có vẻ tư lự. Lông mày hơi nhíu, bàn tay bồn chồn vò nát mấy lá cỏ. Đấy là sự im lặng chực chờ bùng nổ.
Cô hiểu Nghĩa như đọc một cuốn sách để mở. Bố mẹ mất sớm, nương tựa vào ông bà ngoại. Bỏ học một thời gian mới đi học lại. Tốt nghiệp đại học và muốn về quê theo nghề trồng cây kiểng của gia đình. Mơ ước của Nghĩa đơn giản chỉ có thế.
Nghĩa là người đàn ông duy nhất biết được hoàn cảnh thực của Quỳnh. Nhưng hiểu hết về cô thì chưa chắc.
Cùng lắm anh chỉ biết phần nổi của tảng băng, nhưng chính cái phần ngầm, phần chi phối hướng đi của tảng băng thì có lẽ Nghĩa chẳng thể nào hiểu được.
Ấy là một người đàn ông cao lớn không gây ấn tượng gì đặc biệt nhưng tạo được cảm giác ấm áp, tin cậy khi tiếp xúc.
Bàn tay vuông vức, to bè, sần chai của một người quen lao động nặng, có thể nấu giúp Quỳnh nồi cháo khi cô bệnh, sửa một cái gì đó hỏng hóc chứ không tặng được một nhành hoa và nói những lời có cánh.
Với Nghĩa, cô có thể có một ngôi nhà nhỏ, một gia đình ấm cúng với một người chồng có trách nhiệm và những đứa con ngoan để cô sáng lo việc sáng, tối lo việc tối. Nhưng liệu đó có phải là điều Quỳnh mong muốn…
Đã đành cô ghê tởm cái nghèo như một loại dịch bệnh. Nhưng một cuộc sống bình thường, một hạnh phúc bình thường mà nhiều phụ nữ mơ ước cô cũng chẳng mặn mà gì cho lắm. Nó đơn điệu và tẻ nhạt thế nào.
Cuộc sống đích thực đối với cô là một màn trình diễn, một trận chiến. Ở đó, cô hóa thân thành một con người khác và tìm thấy sự hứng khởi trong vai diễn của mình.
Ở đó, có những con người mà cô cần chinh phục và cô tìm thấy niềm vui sau mỗi lần chiến thắng. Cô thích những bữa tiệc sang trọng với những con người lịch thiệp.
Giao tiếp với họ cô như bị kích thích bởi chất men say. Khêu gợi và chinh phục là bản năng đầy nữ tính của Quỳnh. Chẳng cần ai dạy. Xa xa, gần gần, cô lượn lờ quanh họ như những cánh bướm.
Phải khai thác phần thuận lợi ít ỏi mà số phận cho cô vào mục đích tối hậu: đổi đời. Vậy thì tại sao cô yêu Nghĩa? Đó có phải là tình yêu? Mà cô thì biết gì về tình yêu kia chứ. Hay anh chỉ là bóng mát nhỏ nhoi trên con đường thiên lý vời vợi mà mơ ước thực sự của cô lấp ló đâu đó ở cuối con đường…
Cái giọng nẫu trầm trầm của Nghĩa cắt ngang dòng suy nghĩ của cô, anh trở lại chủ đề mà hai người tranh cãi. “Em suy nghĩ về lời đề nghị của anh chưa? Anh chắc chắn sẽ tìm được việc cho em trong khu công nghiệp gần đó. Anh chán sống ở thành phố lớn vừa ồn ào vừa ô nhiễm. Về quê, anh được làm công việc đúng chuyên môn mà anh ưa thích. Nếu em đồng ý, anh sẽ về trước. Em ở lại thu xếp và nhận bằng tốt nghiệp. Khi mọi việc xong xuôi, anh sẽ trở lại đón em”.
Thôi thì đằng nào cũng phải nói cho Nghĩa biết suy nghĩ thực của mình. Cô lựa lời để anh giảm sốc.
“Nếu cần anh vào trước… Cho em thời gian suy nghĩ thêm… Vả lại… Em cũng muốn thử sức ở các thành phố lớn… Có nhiều cơ hội hơn… Bỗng dưng… chưa gì… theo về quê anh em cũng ngại…”.
Nghĩa nhìn Quỳnh, ánh mắt vừa ngạc nhiên, vừa bất bình. “Sao lại chưa gì?… Chẳng lẽ tình cảm của chúng ta mấy năm nay không có ý nghĩa gì hết hay sao?…”.
Quỳnh không trả lời được. Mà biết trả lời làm sao. Chẳng lẽ nói toạc với anh rằng mơ mộng, lãng mạn là đặc ân của người thừa tiền.
Còn hạng người như cô bao giờ cũng phải tính toán, tính toán và tính toán… Nhiều phút yên lặng trôi qua, rồi tiếng Nghĩa vang lên, lịch sự mà lạ lẫm.
“Thôi, anh tôn trọng quyết định của em. Không thể ép những điều em không muốn. Việc về quê của anh là không thay đổi. Vài ngày nữa anh sẽ đi. Sau này có gì em cứ liên lạc với anh…”.
Quỳnh rơi vào tâm trạng phức tạp, vừa nhẹ nhõm lại vừa tiếc nuối. Liệu sau này cô có phải ân hận về quyết định của mình không? “Chúng ta về thôi, muộn rồi”.
Quỳnh lên xe. Cô dè dặt đặt tay mình lên hông Nghĩa. Cô muốn áp má mình vào lưng anh như mọi khi nhưng không dám. Họ đang ở thật gần nhưng sự thực đã rời xa nhau.
Khanh đang đợi ở đầu đường. Anh không đi xe máy như mọi lần mà chờ Quỳnh bên chiếc xe hơi đen tuyền, mới cáu. Cô ngạc nhiên. Khanh cười thật tươi, mắt nheo nheo như đo phản ứng của cô sau cặp kính gọng vàng. Anh vòng qua bên kia mở cửa.
Cô đặt một chân lên tấm thảm xám đậm êm như nhung. Chiếc váy kéo lên khoe chiếc đùi nâu mịn, thuôn dài… Rồi chân thứ hai… Cứ từ từ để tận hưởng cảm giác ngây ngất chưa bao giờ có.
Quỳnh kín đáo liếc nhìn chung quanh… Một vài cặp mắt tò mò… Họ nghĩ gì… Khanh ngồi trước tay lái trông thành thạo lắm. Chiếc xe từ từ lăn bánh. Mãi một lát sau cô mới hỏi được một câu ngớ ngẩn. “Xe của ai thế? Biết lái lâu chưa?”.
“Anh mới mua. Phải học lái trước khi mua xe. Được không?”. “Màu đen đẹp thật”. “Có mắt đấy. Em là người đầu tiên mở hàng đó nghe”.
Tự ái được vuốt ve, Quỳnh sướng mê và quên hẳn rằng Khanh đã có vợ. Khanh là trưởng phòng kinh doanh cho một công ty, vợ anh công tác tại một viện nghiên cứu, đang tu nghiệp ở nước ngoài. Họ chưa có con.
Cô gặp Khanh trong bữa tiệc sinh nhật cô bạn gái cùng lớp. Thế là họ quen nhau và cô thấy mình thật may mắn. Khanh coi cô như em gái, loại em “khác họ” thường thấy.
Anh thường ca cẩm sự tẻ nhạt của một gia đình trí thức, chưa có con, thường xuyên phải xa nhau vì người vợ quá say mê với việc học hành, nghiên cứu.
Quỳnh cũng chẳng lạ gì luận điệu của mấy ông chồng muốn bào chữa cho thói lăng nhăng. Lý trí nói rằng phải cảnh giác, nhưng đôi lúc cũng không sao tránh được những hy vọng mơ hồ.
Khanh cho Quỳnh cái ấn tượng cô là người tri kỷ, là người mà anh có thể thổ lộ những điều riêng tư nhất và cô rất tự hào về điều ấy. Anh ga-lăng, hào phóng nhưng không bao giờ đi quá giới hạn của mình.
Ừ thì cũng có đôi lúc anh vượt quá giới hạn đó. Những lúc như thế, bản năng người phụ nữ trong cô dù cố kìm nén vẫn ào ạt tuôn chảy.
Quỳnh chẳng còn muốn tính toán thiệt hơn, buông xuôi tất cả… Thử sống thực một lần, có ra sao thì ra… Thì chính Khanh là người trấn tĩnh.
Không biết Khanh có đọc được cảm giác tiếc rẻ của Quỳnh không nhưng sau đó anh bày tỏ sự ân hận vì hành động quá trớn bằng những bông hoa và những lời xin lỗi khiến đá cũng phải mềm. Anh lại ghi được một điểm tốt với Quỳnh khiến cô càng lúc càng tin tưởng.
Bữa tiệc rửa xe diễn ra trong một gian phòng VIP biệt lập, cửa kính thoáng rộng nhìn ra sông. Có tất cả bảy người, bốn nam, ba nữ. Hai người đàn ông trong số đó Quỳnh đã gặp. Còn lại, lạ hoắc.
Chẳng ai đi kèm với vợ, thường là đối tác làm ăn. Quỳnh luôn chuẩn bị thật kỹ cho những bữa tiệc như thế. Cô khai thác triệt để ưu thế tuổi trẻ của mình. Quỳnh chẳng thể có những bộ cánh đắt tiền.
Nhưng chính cái giản dị, đậm chất sinh viên ấy mang lại cho cô vẻ tươi mát, hồn nhiên. Phải thừa nhận Quỳnh sống phóng túng nhưng cô biết giữ mình.
Sinh viên con nhà gia giáo không ai dám lao vào môi trường sinh hoạt như cô. Quỳnh muốn mạo hiểm.
Thiếu bệ phóng của gia đình, cô muốn tự mình tìm kiếm cơ hội. Và giữa đám người thừa tiền, ăn chơi lọc lõi ấy, cô còn giữ lại nét trong sáng, có khi thực, có khi giả vờ rất hấp dẫn.
Câu chuyện trên bàn tiệc mỗi lúc một rôm rả. Quỳnh không tham gia được câu gì nhưng mọi người thừa lịch thiệp để cô không thấy lạc lõng.
Một vài lời tán tụng, một vài câu thăm hỏi, những cử chỉ săn sóc ân cần… Khanh nói với người đàn ông lạ mặt mà cô chưa gặp lần nào.
“Quỳnh sắp nhận bằng tốt nghiệp Cao đẳng Tài chính Kế toán, loại khá, Anh văn, vi tính đủ cả. Cậu xem trong công ty thế nào sắp xếp cho cô ấy một chỗ. Quỳnh muốn ở lại thành phố…”.
Người đàn ông lạ mặt, ngoài bốn mươi, ăn mặc trẻ trung, nói năng chừng mực trông rất VIP. “Phải xem yêu cầu của công ty và phải qua bộ phận nhân sự… Nhưng là người quen của cậu, mình sẽ cố…”.
“Cậu khiêm tốn quá. Có không là do mình. Nháy nháy một chút. Cô ấy cũng tốt nghiệp chính quy đấy”. “Ừ mình sẽ lưu ý nhưng không hứa trước. Hôm nào cứ đưa hồ sơ đến mình xem thử”. “Anh Tuấn mà đã hứa thế thì cứ xem như em đã được nhận. Tin anh đi”.
Tay Khanh tìm tay cô dưới bàn siết nhẹ. Một cử chỉ chia sẻ thân mật, kín đáo khiến cô lúng túng đến đỏ mặt. “Khi nào Quỳnh có việc, bọn mình sẽ chiêu đãi các cậu một chầu rôm rả hơn”.
Hai tiếng “bọn mình” mà Khanh vừa nói ngân nga trong đầu Quỳnh như một nốt nhạc vui. “Không thấy Quỳnh uống gì cả. Phải nâng ly để mừng những điều tốt đẹp… Cuộc đời vẫn đẹp sao… Tình yêu vẫn đẹp sao…”.
Khanh nghiêng người nói nhỏ vào tai Quỳnh âu yếm. “Em cụng ly với mọi người đi cho thân mật. Nhấp một chút thôi”. Khanh nâng ly. “Tất cả, một trăm phần trăm”. “OK, một trăm phần trăm”.
Chất rượu màu vàng sánh, dù đã có đá pha loãng xộc vào mũi, tê tê ở đầu lưỡi, cô nuốt vội và thấy bỏng rát ở cổ. Quỳnh sặc và muốn ho, may thay kìm lại được. Cô đặt ly rượu xuống và bắt gặp ánh mắt Tuấn nhìn cô.
Cô chẳng lạ gì ánh mắt như bóc trần người đối diện mà cô thường gặp. Những ly rượu đầy rồi lại vơi… Nể tình Khanh cô cũng nâng lên, hạ xuống nhưng chỉ nhấp nhấp cho có.
Mấy ngụm rượu cô chưa bao giờ uống, dù nhỏ đã phát huy tác dụng. Toàn thân nóng ran, máu chảy giần giật. Không soi gương nhưng cô biết má mình bừng đỏ và mắt long lanh. Một cảm giác lâng lâng chưa bao giờ có.
Không chỉ vì rượu mà còn là vì lần đầu tiên được ngồi trên một chiếc xe hơi đắt tiền như thế với tư cách khách mời.
Là lời hứa hẹn một chân kế toán trong một công ty lớn, nghĩa là Quỳnh có thể đường hoàng ở lại thành phố. Ấy là cơ hội để cô có thể thường xuyên tham gia những bữa tiệc với những con người lịch thiệp.
Cô thèm sự vô tư của họ. Cô thích mùi nước hoa cao cấp thoang thoảng nhưng quyến rũ đến chết người. Thứ hương thơm gây cho con người một trời tưởng tượng, khác với mùi xú uế nồng nặc ám ảnh cô suốt một thời thơ ấu.
Bố, mẹ, thằng em trai và cả Nghĩa đã trở thành quá khứ… Phải rũ bỏ tất cả để bắt đầu một cuộc sống mới. Cô sẽ làm được điều đó và Khanh sẽ là chiếc cầu nối giúp cô thực hiện ý nguyện đổi đời. Hớp thứ hai, thứ ba mùi vị đã khác…
Tiếng nói chuyện loáng thoáng, những mặt người chuếnh choáng, nhòe nhoẹt… Cô buông thả trong cảm giác lâng lâng, bồng bềnh của người nằm trên sóng…
- Xem thêm: Cho lại từ đầu…
Phải khó nhọc lắm Quỳnh mới mở được mắt ra. Mí mắt nặng như chì. Căn phòng ngủ sang trọng, lạ hoắc khiến cô hoảng hốt và bật dậy như một chiếc lò xo.
Cái chăn mỏng tuột xuống để lộ cặp đùi trần dưới chiếc áo ngủ mỏng tanh, màu đỏ. Cô định thần và cố nhớ lại việc đêm qua. Tim cô thắt lại như có bàn tay ai đó siết chặt, toàn thân run rẩy.
Quỳnh nhớ căn hộ này của người bạn Khanh, không ai ở, chỉ dùng làm nơi họp mặt, đàn đúm với bạn bè. Khanh đã có lần đưa cô đến đây và Quỳnh chứng kiến họ sát phạt đỏ đen ngay tại phòng khách.
Bỗng dưng cô thấy lợm giọng và buồn nôn không chịu được. Quỳnh lao vội vào toilet và nôn thốc nôn tháo. Cô run lẩy bẩy, tì tay vào bồn rửa mặt.
Phòng tắm thoang thoảng mùi nước cạo râu. Chắc ai đó vừa đi. Cô nhìn mình trong gương. Những vũ công biến diện thay đổi mặt nạ liên tục, chỉ để lộ gương mặt thật của mình khi điệu múa kết thúc.
Chao ôi! Gương mặt thật của cô thảm hại đến nao lòng. Hai dây áo nhỏ xíu, mảng ren trước ngực khoét sâu như mời mọc.
Anh ta độc thân, căn hộ cũng chẳng có người ở, đào đâu ra thứ quần áo quái quỷ thế này. Chiếc áo ngủ này đã qua bao nhiêu người mặc! Quỳnh lạnh toát cả người.
Toilet sáng bóng nhưng cô chẳng dám đụng vào một thứ gì. Nó xa lạ và vô cùng đáng sợ. Vốc nước vào mặt cho tỉnh táo, quay trở lại phòng, tuột nhanh chiếc áo ngủ, vớ lấy chiếc váy đang vắt trên ghế mặc vào.
Cô ngồi yên một lúc để trấn tĩnh. Căn phòng ngủ trang nhã mà sang trọng, có nằm mơ cô cũng chẳng nghĩ có lần mình lại được ngủ trong một căn phòng như thế.
Nhưng lần này thì khác. Nỗi nhục nhã khiến cô tê dại cả người. Quỳnh nhìn chằm chặp vào chao đèn ngủ làm bằng thư lụa mịn với những hoa văn như một bức họa cổ.
Chỉ mình cô trong phòng, không một lời nhắn, không một cú điện thoại. Khanh đã đi đâu? Và cô đã qua đêm với người đàn ông nào trong căn phòng ngủ xa lạ này?
Phải thừa nhận cũng có lúc cô không thể cưỡng lại sức quyến rũ của Khanh nhưng như thế này thì không thể chấp nhận được.
Cô với lấy chiếc ví nhỏ trên bàn mở ra. Phải gọi để hỏi Khanh cho ra lẽ. Một tờ giấy một trăm đô gấp đôi nằm yên trong ví. Cô kéo nó ra, nhìn vào tờ giấy bạc và thôi luôn ý định gọi.
Thế là đã rõ. Một trăm đô. Cái giá qua đêm với một người đàn bà không phải nhỏ nhưng giá “nghìn vàng” của một đời con gái thì rẻ như bèo. Có thể cô say và anh cũng say, cả hai không làm chủ được.
Nhưng tờ giấy bạc trong ví cô là sự khẳng định hùng hồn bản chất mối quan hệ giữa hai người. Tờ giấy bạc nghiền nát tất cả những hy vọng vừa chớm của cô.
Món tiền một trăm đô cũng lớn thật. Nhưng giá trị con người và lòng tự trọng của một cô gái dù nghèo đi chăng nữa làm sao đổi được bằng tiền?
Quỳnh mân mê và nhìn sững vào tờ giấy bạc như chưa hề thấy nó bao giờ. Để lại? Xé nát? Hay cất đi? Cô phân vân. Đồng tiền xương máu. Đúng là xương máu thật. Đó là cái giá của sự phóng túng, buông thả.
Cô gái hai mươi bốn tuổi ngây thơ tưởng mình lão luyện ai ngờ lại gặp lão pháp sư cao tay ấn. Vào lúc bất ngờ nhất, chẳng chút đề phòng, cô bị một đòn chí mạng. Chẳng trách ai được, chỉ giận mình. Cô chẳng phải là gái vị thành niên để níu áo Khanh mà đòi đền bù… Thôi, chuyện gì rồi sau sẽ tính.
Vấn đề bây giờ là làm sao thoát khỏi tổ quỷ ghê gớm này. Quỳnh gượng đứng dậy, đầu váng vất, cảm giác rã rời khắp toàn thân. Cô vào phòng khách tìm đôi giày. Lấy hết can đảm, vuốt lại tóc tai trước khi rời khỏi căn hộ.
Căn hộ nằm ở cuối tầng hai. Phải băng qua một đoạn hành lang dài trước khi đến cầu thang. Chiếc váy đen, hai dây, bằng thứ lụa đắt tiền, nhẹ như tơ mà Khanh tặng cô, hở nửa ngực và khoe đôi vai trần chỉ thích hợp với yến tiệc ban đêm. Ban ngày trông hở hang quá!
Giá có cái mạng trùm đầu của phụ nữ Ả Rập thì hay biết mấy. Cô trật trệu bước đi trên đôi giày dây bảy tấc nhọn hoắc.
Một vài cặp mắt quan sát kín đáo sau những tấm rèm. Có người không giấu nổi thói tò mò, đứng ngay ở cửa nhìn cô chòng chọc. Ánh mắt của họ như những mũi khoan xuyên thủng người cô bỏng rát. Làm sao đây?
Không thể ngẩng cao đầu ngạo nghễ như loại gái thập thành. Càng không thể cúi đầu tủi hổ, cam chịu. Nếu thế cô sẽ ngã quỵ và chẳng còn đủ sức đứng lên.
Một đoạn hành lang ngắn nhưng là đoạn đường chiến binh thử thách nghị lực và sức chịu đựng của cô. Bỗng dưng Quỳnh nghĩ đến Nghĩa, nước mắt cô chực ứa ra nhưng cô cố mở to để ngăn lại.
Tốt hơn là không nên nghĩ đến chuyện đó bây giờ. Hãy để cho đầu óc rỗng không. Cô đã bị hạ gục một cách đau đớn và cô phải đứng lên.
Đứng lên ngay chỗ ngã. Cô tự nhủ, hãy bước đi đường hoàng, đừng nhìn lại… Mọi cái đều có thể sửa chữa. Không có gì là muộn nếu người ta muốn làm lại từ đầu.