“Kêu cho lắm vào, đấu tranh cho con trẻ nghỉ đúng trọn ba tháng hè, giờ… méo mặt”.
Cô vợ trẻ bật cười kể chuyện hôm nay gặp nhau, bà mẹ nào cũng kêu oai oái, hè ba tháng tụi trẻ ở nhà, không có cách gì cho hết thời gian. Vui chơi, hoạt động có ích như lý thuyết giáo dục ai cũng muốn làm theo, nhưng giữa lý thuyết và thực tế thật khó trăm bề.
Đầu tiên là, vất vả tăng lên. Mọi khi sáng dậy đưa con đến trường là xong, đến chiều mới đón. Nghỉ hè, túi bụi ngoài đường vừa thoát, thì lại phải lo cơm nước ăn uống cho con ngày ba bữa. Thế cũng vẫn chưa khó bằng bày ra chuyện gì cho con vui chơi, không dí mắt cả ngày vào chơi game hay xem tivi.
Thì đó, các chuyên gia nói hoài, phát thuộc lòng rồi. Nào là về miền quê, đi nghỉ biển, bơi lội, lao động giúp gia đình, và tất nhiên – đọc sách.
- Xem thêm: Cái mặt… không đọc sách!
Một bà mẹ trẻ than, sống ở thành phố, thò mặt khỏi nhà là tốn tiền lắm. Thường là ông bà đưa đi, vì bố mẹ không thể bỏ nhiệm sở, công việc. Ông bà líu ríu cháu, làm sao đón mấy chặng xe bus cho bình dân và tiết kiệm? Chạy xe máy thì cha mẹ chúng không giao cho ông bà, nguy hiểm lắm. Mà đi taxi thì, từ bên kia cầu Sài Gòn vào trung tâm thôi, đi về hết vài trăm ngàn là chuyện nhỏ.
Lượn các nhà bảo tàng, trẻ con thích xem xe tăng, pháo và máy bay, thích vẽ các loại súng ống, xem hình ảnh chú bộ đội. Rồi vào các tiệm sách, đường sách. Phải uống nước ăn kem, lâu lâu cho ăn ngon, cháu đòi cái pizza với chai nước ngọt nữa. Tốn kém lắm, đâu có thể ngày nào cũng đi?
Ngày xưa, khi cha mẹ ông bà còn nhỏ, chơi với bạn bè rủ nhau lang thang trên phố bắt ve sầu, chứ bây giờ phố xá đông nghẹt, ve cũng chẳng còn, trẻ con đâu còn có thể lang thang nguy hiểm như vậy?
Thế thì an toàn nhất, chỉ có đọc sách. Cái này mới khó đây. Truyện tranh thì chỉ đám nhỏ cấp 1 cấp 2. Trẻ lớn hơn thì phải có sách khác. Các nhà xuất bản ê hề sách khoa học, đố em tại sao, tìm hiểu thế giới… chuyện gì lại chẳng có? Sách như rừng. Vậy mà chúng không chịu đọc.
Đổ cho nghe nhìn phát triển, thì nghe nhìn bây giờ lại bị kêu là… nghiện game, tivi, nghe như độc hại lắm. Thứ mà người ta thích, là y như rằng toàn độc hại?
Mua sách tiếng Anh, sờ vào những cuốn bìa cứng có hình ảnh đẹp mà xem, vài trăm ngàn đồng đi đứt ngay. Mua thêm bộ lego để lắp ghép, chỉ chút xíu là hơn triệu bạc. Mà về nhà, các quý tử lắp vèo cái là xong, coi như hết chuyện.
Ngày xưa, hình như cả xã hội… đọc chung một cuốn sách. Những thế hệ ai cũng đọc Những người khốn khổ, Không gia đình, Đảo giấu vàng, Dế mèn phiêu lưu ký, Ông già và biển cả… Bây giờ tụi trẻ không đọc, chẳng thấy gì hấp dẫn. May lắm thỉnh thoảng rộ lên kiểu ma thuật Harry Potter rồi cũng chìm nghỉm. Nói gì đến Tấm Cám với Thạch Sanh…
- Xem thêm: Giúp con yêu thích đọc sách
Chà, đọc sách bây giờ là cả một thử thách. Sách đắt tiền so với các tiêu dùng khác như áo quần, quà bánh… Đồ chơi ngoại cũng đắt lắm. Mà nguyên lý của đồ chơi lại không phải để ngắm và thay đổi luôn.
Để làm đúng “nguyên lý giáo dục” phải tốn kém. Chứ như tivi có chương trình cố gắng phục hồi trò chơi dân gian, cho trẻ lấy cái lá đa làm con trâu hay nhảy lò cò, làm gì có đứa trẻ nào ở thành phố quan tâm?
Các mẹ bàn một hồi, thấy cái bế tắc năm nào cũng nói mãi mà vẫn hoàn toàn bế tắc.
Hay là, bọn trẻ thích gì cho chúng cái nấy, phù hợp thời đại văn minh tức là trở về khởi điểm của vấn đề, chẳng phải hành động cải tiến cải lùi gì nữa, cứ… đưa cho cái iPad chơi game và xem tivi cả ngày cho… gọn, đỡ nhức đầu? Đáp số có sẵn sờ sờ ra đó, lại cứ đi tìm mãi đâu…