Tôi là người hoài cổ, thích nghe những ca khúc tiền chiến, say mê với thơ Đường, thơ của các thi nhân thời tiền chiến.
Năm hết tết đến, tôi lục lọi trong những chồng sách cũ, đọc lại một vài bài thơ được trích đăng trong quyển Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, quyển Việt Nam thi nhân tiền chiến của Nguyễn Tấn Long (Nhà xuất bản Sống Mới, Sài Gòn 1968), tôi tình cờ gặp lại bài Hoàng hôn của Lưu Trọng Lư. Bài thơ này tôi đã biết gần nửa thế kỷ trước và nó cũng đã làm cho tôi say mê khi còn là một học sinh trung học. Bẵng đi bao nhiêu năm tháng, bỗng nhiên được đọc lại, tôi vui mừng như tìm được báu vật cũ đã mất từ lâu.
Toàn văn bài thơ Hoàng hôn như sau:
Bên thành con chim con
Hót nỉ non:
Giục lòng em bồn chồn
Buổi hoàng hôn
Em trách gì con chim con?
Em oán gì con chim con?
Em chỉ hận:
Sao em ngớ ngẩn,
Để tình lang em lận đận
Chốn xa xôi
Nơi tuyệt vời,
Trong lúc con chim trời
Bên em nó hát những lời
… nước non.
Bài thơ nói lên tâm trạng một cô gái đa cảm, yêu đời, nghe tiếng chim hót như là âm thanh của hạnh phúc, của tình yêu. Thế mà cô đã để vuột cái hạnh phúc đó, không cản ngăn chồng phiêu bạt chốn xa xôi nào đó, dù tuyệt vời đi chăng nữa, để bây giờ cô mới cảm thấy hối tiếc, tuổi xuân trôi qua trong cảnh vắng vẻ đìu hiu.
Bài thơ cho thấy một khía cạnh tâm hồn của Lưu Trọng Lư là luôn luôn có một nỗi buồn thương man mác, một tâm tư khắc khoải, trong thơ thường ẩn giấu những tiếng thở dài thông cảm với những cuộc đời ngang trái, những mối tình dở dang. Bài thơ Hoàng hôn còn có giá trị cao về mặt nghệ thuật và hình thức cấu trúc: Nhà thơ Tố Hữu đã đánh giá nó về mặt âm điệu, cho đây là một bản nhạc rất êm dịu, khi đọc lên nghe như có tiếng chim hót nỉ non, khiến lòng ta bồn chồn.
Mỗi lần đọc bài thơ Hoàng hôn, tôi lại nhớ đến một bài thơ Đường rất nổi tiếng của Vương Xương Linh (thế kỷ thứ 8) có tên là Khuê oán (Nỗi buồn trong phòng khuê).
Bài Khuê oán chỉ có bốn câu:
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,
Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu.
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,
Hối giao phu tế mịch phong hầu.
(Trong phòng khuê, người vợ trẻ không biết nỗi buồn. Ngày xuân, nàng trang điểm xong, bước lên lầu biếc. Chợt thấy sắc cây dương liễu ở đầu ngõ, nàng hối tiếc đã khuyên chồng đi xa để được phong tước hầu.)
Bản dịch của Trần Trọng San như sau:
Thiếu phụ phòng khuê chẳng biết sầu,
Ngày xuân trang điểm, bước lên lầu,
Chợt trông sắc liễu bên đường thắm,
Tiếc đã khuyên ai kiếm tước hầu.
Một người chợt nhìn sắc cây dương liễu bên đường, một người bỗng nghe tiếng chim hót bên thành, cả hai đều bị cảnh vật bên ngoài làm cho xúc động. Cả hai chợt bừng tỉnh, đâm ra hối tiếc vì đã để chồng đi xa, còn tuổi xuân của mình thì trôi qua trong cô quạnh, tình duyên lỡ dở. Chỉ khác người thiếu phụ trong thơ Vương Xương Linh xui chồng đi lập công danh, hòng được phong tước hầu, còn người thiếu phụ trong thơ Lưu Trọng Lư thì để chồng lận đận chốn xa xôi, phiêu bạt ở một chân trời nào đó mà mục đích tùy theo mỗi người hiểu một cách. Nhưng theo tôi, đó không hề là công danh hòng được phong tước hầu, đó cũng không hề là cuộc giang hồ tìm khoái lạc riêng tư mà đi tìm đến cái đẹp, cái lãng mạn của thiên nhiên, của nước non. Vì vậy, Lưu Trọng Lư mới đề câu kết:
Trong lúc con chim trời
Bên em nó hát những lời… nước non.
Nỗi buồn của người vợ trông ngóng người chồng phương xa là một đề tài được đề cập nhiều trong văn học các nước, lúc nào cũng làm xúc động lòng người.
Trong Chinh phụ ngâm, Đặng Trần Côn cũng sử dụng lại hai câu thơ cuối của bài Khuê oán, nhưng có sửa vài từ như sau:
Hồi thủ trường đê dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu.
(Quay đầu nhìn lại con đê dài, trông thấy sắc cây dương liễu. Hối tiếc đã khuyên chồng ra đi cầu tước phong hầu.)
Đoàn Thị Điểm dịch như sau:
Lúc ngoảnh lại trông màu dương liễu,
Thà khuyên chồng đừng chịu tước phong.
Thật ra, dù là người chồng ra đi vì công danh, vì việc nước, vì chinh chiến hay đi tìm cái đẹp ở cõi xa xôi nào đó có khác nhau, thì nỗi buồn cô quạnh của người vợ ở nhà vẫn luôn giống nhau. Hai bài thơ Hoàng hôn và Khuê oán trở nên đồng điệu chính vì Lưu Trọng Lư và Vương Xương Linh cùng đem hết ruột gan của mình, cùng cảm thông, chia sẻ nỗi cô quạnh, nỗi hiu hắt, nỗi đau thương ấy.
– Ảnh Trung Anh