Những ngày đón chào đầu năm mới ở phương Đông cũng như phương Tây luôn có các sinh hoạt và lễ hội ẩm thực truyền thống, chẳng hạn ở Việt Nam có nhiều địa phương tổ chức lễ hội gói bánh chưng, bánh giầy, bánh tét dịp Tết Nguyên đán.
Nhưng không chỉ vào mùa xuân mà suốt trong năm, các festival ẩm thực được tổ chức ở nhiều nước trên thế giới; ngoài mục đích lưu giữ các truyền thống lâu đời tại địa phương đây còn là cách thu hút hiệu quả nhất du khách nước ngoài đến vào mùa lễ hội. Trong hàng ngàn festival ẩm thực diễn ra trong năm 2019, có những lễ hội đặc biệt, “không đụng hàng” như sau đây.
Lễ hội Bau Nyale ở Indonesia
Ngày xửa ngày xưa ở một vùng biển của Indonesia có một nàng công chúa đẹp tuyệt trần khiến bao vương tôn công tử từ nhiều vùng đất tìm đến với mong muốn sẽ được nàng chọn làm chồng. Thế rồi những cuộc đua tranh, giao chiến quyết liệt giữa các chàng trai đã diễn ra với hy vọng sẽ chinh phục được trái tim nàng.
Chứng kiến những cuộc chém giết vì mình, công chúa đâm ra quẫn trí, gieo mình xuống biển cả tự vẫn. Khi người dân trong vùng xuống biển tìm xác thân công chúa, họ chỉ thấy hàng ngàn hàng vạn con sâu biển. Người ta tin rằng xác thân công chúa đã hóa thành loài sâu biển sinh sôi nảy nở tràn lan để trở thành một nguồn thực phẩm bổ dưỡng cho đời.
Câu chuyện huyền thoại về nàng công chúa hóa thân thành sâu biển luôn được nhắc lại vào mùa lễ hội Bau Nyale hằng năm. Vào ngày trăng tròn tháng 2, hàng ngàn người dân tộc Sasak tìm đến các bãi biển ở phía nam và phía đông đảo Lombok để bắt loài sâu biển (nyale trong ngôn ngữ Sasak, còn bau nyale nghĩa là “bắt sâu biển”) lúc chúng rời các rạn san hô lên mặt biển đẻ trứng. Khi thủy triều xuống, dân đảo ào xuống biển vớt những đám nyale có màu nâu tía và màu xanh lá đưa lên bờ làm sạch – đó là nguyên liệu chính để làm các món ăn của Lễ hội ẩm thực Bau Nyale. Nyale được chế biến nhiều cách, hoặc nấu như cà ri với nước dừa và các loại gia vị, hoặc gói lá chuối nướng trên bếp than hồng. Khi thu hoạch được nhiều, ăn không hết, người ta ướp muối nyale để dự trữ ăn quanh năm.
Festival Cổng chào bánh mì ở San Biagio Platani (Ý)
Hằng năm vào mùa Phục sinh, cư dân thị trấn San Biagio Platani trên đảo Sicilia lại cùng nhau chung tay góp sức, góp vật liệu gồm thảo mộc, các loại đậu và bánh mì để tạo các kiểu cổng chào độc đáo nhất thế giới. Truyền thống kiến trúc bằng lương thực này có nguồn gốc từ thời kỳ phong kiến, khi dân đảo Sicilia đón chào các lãnh chúa đến đảo bằng cách xây dựng những cổng chào gắn cẩm thạch và các loại đá quý.
Tuy nhiên, dân làng San Biagio Platani làm nghề nông nên thay vì cẩm thạch, họ ốp lên cổng chào với bánh mì – thức ăn hằng ngày rất quý giá đối với cuộc sống nông thôn nghèo khó. Truyền thống làm cổng chào này tồn tại cho đến ngày nay, trở thành một lễ hội ẩm thực độc nhất vô nhị và mang màu sắc tôn giáo.
Trong những ngày diễn ra festival, có cuộc thi đua giữa các nhóm cư dân thị trấn, xem nhóm nào trang trí đẹp nhất những cổng chào làm bằng tre với hình ảnh các thánh tích Thiên Chúa giáo, Chúa Jesus và Đức mẹ Maria và hình ảnh cuộc sống của người dân địa phương.
Đông đảo du khách đến với thị trấn xa xôi này vào mùa lễ hội sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống bản địa, tất nhiên không thể thiếu các loại bánh mì được làm thủ công – phẩm vật đặc trưng của lễ hội. Năm nay, festival ở San Biagio Platani được tổ chức vào tuần cuối tháng 4-2019.
Festival món trứng om-lét khổng lồ ở Bessières (Pháp)
Cũng được tổ chức vào mùa Phục sinh, festival này được cho là có từ thời Napoléon Bonaparte cầm quyền tại Pháp. Trong một dịp đến thăm Bessières (một xã nay thuộc tỉnh Haute-Garonne ở tây nam nước Pháp, có khoảng 3.800 dân), vị hoàng đế khoái khẩu với món trứng om-lét ở đây nên ăn rất nhiều và còn lệnh cho người dân làm một chảo trứng thật lớn để thết đãi đạo quân của ông. Từ đó, truyền thống làm chảo trứng khổng lồ hình thành ở Bessières và diễn ra vào mùa Phục sinh.
Để lễ hội này được duy trì đều đặn, có một tổ chức được hình thành với tên gọi “Hội huynh đệ chảo om-lét khổng lồ”, hằng năm các thành viên của hội lại tề tựu về Bessières để làm một chảo trứng có đường kính đến 4m với hơn 15.000 quả trứng gà.
Vài chục đầu bếp mặc trang phục trắng, đội mũ vải trang trọng dùng các mái chèo bằng gỗ thay cho muỗng để thực hiện món trứng om-lét sao cho chất lượng không thua kém bất kỳ nhà hàng sang trọng nào.
Chảo trứng được đặt ở quảng trường trung tâm của xã để mọi người dân địa phương và đông đảo du khách chứng kiến, sau đó được phân phối cho hàng ngàn người cùng ăn với phần bánh mì được cắt ra từ những ổ bánh mì cũng… khổng lồ không kém. Cùng với sự kiện chảo trứng, trong những ngày lễ hội ở Bessières còn có nhiều sinh hoạt âm nhạc, khiêu vũ, diễu hành…
Không chỉ ở Bessières, chảo trứng om-lét khổng lồ còn được tổ chức ở sáu nơi khác tại Pháp, Bỉ, Argentina cũng vào mùa Phục sinh.
Lễ hội ẩm thực Spam Jam tại Waikiki (Mỹ)
Spam Jam là festival ẩm thực lớn nhất trong rất nhiều lễ hội ăn uống, bếp núc diễn ra ở bang Hawaii của Mỹ, được tổ chức ở thành phố Waikiki (thuộc quận Honolulu trên đảo Oahu, một trong tám đảo chính của quần đảo Hawaii) và thường diễn ra trong tháng 5. Có muôn vàn lý do để du khách bốn phương đến với Hawaii, nơi còn nhiều núi lửa vẫn đang hoạt động và những bãi biển được coi là “thiên đường hạ giới”.
Thế nhưng với đông đảo những người ưa thích món thịt heo lát đóng hộp SPAM®, sản phẩm của Công ty thực phẩm Hormel Foods ở bang Minnesota thì festival Spam Jam mới là lý do chính cuốn hút họ đến với Hawaii để bày tỏ tình yêu, sự trung thành với món thịt đặc biệt này. Waikiki Spam Jam là lễ hội ẩm thực lớn nhất ở Hawaii và cũng là lễ hội lớn nhất thế giới tôn vinh thịt heo đóng hộp thương hiệu SPAM®, thực phẩm thông dụng tại Mỹ từ thời Thế chiến II.
Trên đường phố dọc các bờ biển tuyệt đẹp của Waikiki, nhất là trên đại lộ chính Kalakaua tràn ngập những hình ảnh vui nhộn: người hóa trang thành các hộp thịt diễu hành, nhảy múa và các lát thịt heo phủ sô-cô-la nhiều màu sắc được trưng bày khắp nơi.
Người dân bản xứ đứng bán các món ăn làm từ thịt heo đóng hộp như món truyền thống Spam musubi (thịt heo lát hay thịt heo nướng ăn cùng với cơm), pizza ăn kèm thịt heo đóng hộp, còn những ai hảo ngọt đã có món thịt lát phủ sô-cô-la… Dịp này, người ta còn tổ chức thi nấu ăn với thịt heo Spam có sự tham dự của nhiều đầu bếp nổi tiếng, thậm chí cuộc thi Hoa hậu Hawaii cũng được tổ chức nhân lễ hội này.
Còn nhiều festival ẩm thực thú vị khác như lễ hội đánh cá đêm bằng đèn được tổ chức từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm tại cảng cá thành phố nhỏ Kim Sơn ven biển, trên đảo Đài Loan đã có truyền thống hàng thế kỷ, với các món ăn chế biến từ hải sản tươi vừa đánh bắt trong đêm được phục vụ trong lễ hội. Hay lễ hội xoài trên đảo Guimaras của Philippines, được tổ chức vào giữa tháng 5 với cảnh trên là trời dưới đất là xoài các loại cùng nhiều sản phẩm được chế biến từ xoài; bên cạnh đó là các cuộc thi tài thể thao sôi động. Chỉ với khoản tiền chừng 2 USD, du khách có thể chén đến no các loại xoài bản địa.
Nếu đến thành phố Oaxaca vào cuối tháng 12 mỗi năm, du khách sẽ được dự lễ hội La Noche de Rábanos tôn vinh củ cải đường với các cuộc thi tài dùng củ cải làm các tác phẩm điêu khắc vui nhộn… Còn người mê món hàu biển thì đến với festival hàu Whitstable được tổ chức vào tháng 7 tại thị trấn Whitstable ven biển, thuộc hạt Kent ở đông nam Vương quốc Anh, nơi vào thời gian này là mùa thu hoạch hàu và nhiều loại hải sản khác đã có truyền thống nhiều thế kỷ.
Các cuộc thi tài đánh bắt hàu được tổ chức dịp này cùng với các cuộc diễu hành trên đường phố, ở đó người ta hóa trang thành các loài thủy quái dưới biển sâu cùng hai nhân vật quan trọng nhất: Vua và Hoàng hậu Hàu biển. Tất nhiên hàu là món ăn không thể thiếu trong lễ hội này…