Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) sẽ tạo thách thức lớn cho nguồn lao động: Trong vòng 10-20 năm tới, 50% lực lượng lao động truyền thống tại Mỹ và Anh sẽ bị mất việc. Việt Nam cũng không ngoại lệ vì chúng ta đã và đang sử dụng robot và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng nhiều.
Liệu con người có dần bị thay thế bởi robot hay không? Chỉ có trí tuệ ưu việt của con người mới đảm bảo con người luôn làm chủ trong thế giới kết nối và AI. Vì vậy, nếu như CMCN 4.0 dựa trên nền tảng kết nối vạn vật (Internet of things) thì CMCN 5.0 sẽ dựa trên nền tảng kết nối trí tuệ (Internet of minds).
Từ CMCN 4.0 đến đại học 4.0
Cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn trong đời sống, kinh tế – xã hội. Người máy (robot) làm việc nhà, phục vụ quán cà phê, thay thế lao động tay chân trong nhà máy đến đặc vụ ảo nói chuyện (chatbot), thay thế nhân viên thực hiện những công việc cần suy nghĩ phức tạp. Từ đó, thế giới phải xây dựng mô hình đại học 4.0 nhằm đào tạo những con người trí tuệ (wisdom centric) thì mới có thể đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực tương lai.
Đại học 4.0 là mô hình giáo dục thông minh, không giới hạn không gian thời gian, thường gọi là “mô hình 4A” – Anytime (học bất kỳ lúc nào), Anywhere (học bất kỳ ở đâu), Anyone (ai cũng học được, đó là quyền bình đẳng về giáo dục) và Anyhow (học bằng bất kỳ phương cách nào, nhanh chậm đều được).
Đại học 4.0 phải đảm bảo ba yếu tố là kết nối internet (internet vạn vật), công cụ thông minh (với công cụ tính toán thông minh phần cứng và phần mềm hỗ trợ đào tạo và học hỏi, quản lý trường và săn sóc sinh viên), và có yếu tố con người tham gia trong chu trình, gọi chung mô hình ICH (Internet working, Computing tools, Humans). Trong đó, con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất vì tất cả đều chỉ để phục vụ cho con người, và hai yếu tố kết nối và thông minh kia cũng vẫn do con người làm chủ.
Sinh viên ở mọi trình độ đều có chương trình phù hợp đổi mới dựa trên sinh viên và mô hình đánh giá theo năng lực (student-based flip learning with capability-based assessment). Sinh viên phải có tư duy phát triển trí tuệ, phát huy tối đa sự sáng tạo và tự giác, chủ động học tập, nghiên cứu, thực tập theo năng lực, tính cách và điều kiện của mình. Chủ yếu là tự học cũng như tự lựa chọn con đường sự nghiệp của mình với những phương tiện và công cụ học tập thông minh 4.0. Đồng thời, thầy giáo là người dẫn dắt, tạo động lực, giám sát và khơi dậy tinh thần hiếu học trong sinh viên.
Giáo trình, tài liệu và công cụ học tập không cần phải đầu tư quá mức, vì phần lớn đã được hình thành và chia sẻ toàn cầu trong xu hướng đại học không ranh giới (borderless universities). Người thầy phải luôn cập nhật kiến thức chuyên môn, không ngừng phát triển trí tuệ của mình để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của sinh viên. Do đó, thầy cũng như trò đều học hỏi và phát triển trí tuệ suốt đời (life long learning and wisdom development) trong mô hình đại học 4.0.
Việc xây dựng đại học 4.0 là trách nhiệm của cả bốn phía: (1) từ Nhà nước bao gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo, (2) trường đại học, (3) sinh viên (4) thị trường gồm các doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên. Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo có thẩm quyền và trách nhiệm tạo ra một cơ chế giáo dục mở, thoáng và theo định hướng trí tuệ (wisdom centric education). Trường đại học luôn là yếu tố căn bản và cốt lõi, dẫn dắt tư duy và tạo động lực cho sinh viên cùng kết nối với thị trường và doanh nghiệp. Doanh nghiệp tích cực vừa là thị trường và cũng vừa là đối tác – hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu theo xu hướng cách mạng 4.0.
Con người trí tuệ trong thời đại mới
Cách mạng công nghiệp 4.0 và internet vạn vật, nhiều công cụ thông minh như robot và phần mềm trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế nhân công và nhân viên phục vụ trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, thương mại, du lịch, giải trí, chăm sóc sức khỏe, sản xuất…, từ đó đưa đến thách thức lớn là có khả năng dẫn tới nguy cơ phá vỡ thị trường lao động.
Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp.
Robot ngày càng thông minh hơn do khả năng “học” được kiến thức của con người và nhanh chóng tập hợp kiến thức ở máy chủ đám mây trí não (AI mind cloud). Vì vậy, ngay khi mới “ra đời” robot đã được cài đặt trí thông minh tổng hợp này.
Ông Elon Musk, CEO của Công ty công nghệ Tesla, tiên đoán trong tương lai robot sẽ có khả năng tự tái thiết kế để trở thành robot mới thông minh hơn, đến một thời điểm nào đó máy móc sẽ phát triển hơn con người và con người phải tự thay đổi hoặc bị tự đào thải. Ông Kurzweil, Giám đốc Công nghệ của Google, dự đoán thời điểm này sẽ xảy ra trước năm 2030.
Tuy nhiên, robot là do trí tuệ con người tạo ra và trí tuệ của con người là do bộ não được tạo hóa cấu trúc siêu tinh vi. Trí tuệ con người phát triển rất nhanh nhờ học hành dựa trên bộ não siêu nhiên.
Những công cụ thông minh tự động như robot, phần mềm AI… là sản phẩm của con người, dù có khả năng tự học, chỉ có thể thay thế con người trong lĩnh vực xử lý thấp, chứ không thể thay thế con người trên phương diện xử lý cao. Robot cũng không thể theo kịp con người trong cuộc đua phát triển trí tuệ, nếu con người chịu tập trung phát triển trí tuệ siêu nhiên ưu việt của mình.
Có nhiều lĩnh vực máy móc và công cụ thông minh không thể thay thế con người, nhất là trong lĩnh vực liên quan đến yếu tố cảm tính và văn hóa, chưa nói đến lĩnh vực phức tạp tinh tế phi vật thể siêu nhiên của trí tuệ con người như yếu tố trực giác, siêu giác quan hay năng lượng siêu nhiên mà khoa học siêu văn minh và tâm lý học hiện đại đang dần dần tiếp cận. Do đó, công cụ vật thể con người tạo ra trong nền văn minh hiện tại còn bị giới hạn rất nhiều.
Trí tuệ ưu việt của con người chính là yếu tố đảm bảo con người luôn làm chủ trong thế giới kết nối và AI. Vì vậy, nếu như CMCN 4.0 dựa trên nền tảng kết nối vạn vật (Internet of things) thì CMCN 5.0 sẽ dựa trên nền tảng kết nối trí tuệ (Internet of minds).
Kết nối trí tuệ là sự kết nối trực tiếp tới bộ não con người. Mỗi người đều được kết nối với nhau qua chấn động làn sóng não, có thể được truyền tải và cảm nhận trực tiếp từ những người trí tuệ (có trí tuệ được phát triển) hoặc qua những công cụ thông minh 5.0 (bao gồm cả những công cụ đo và chuyển tải chấn động não sang làn sóng quang điện), để điều khiển và vận hành những tương tác giữa con người với con người cũng như giữa con người với máy móc.
Để phát triển trí tuệ, mỗi con người đều có ý thức học tập mọi lúc, mọi nơi, mọi cách và học cả đời không ngừng. Tư duy 5.0 cùng với công cụ 5.0 sẽ được ứng dụng mạnh mẽ vào giáo dục. Người thầy có trí tuệ sẽ vừa có kiến thức chuyên môn, vừa có tâm thức trong sáng, cởi mở, thương yêu, sẽ truyền cảm hứng ham học hỏi, khám phá cho học trò chứ hoàn toàn không áp đặt hay chuyên quyền.
Ngược lại, học trò trong kỷ nguyên 5.0 cũng xem học tập phát triển trí tuệ là mục tiêu tối thượng của cuộc đời. Vì vậy, các em sẽ tận dụng hết những tháng năm tuổi trẻ và cả cuộc đời để học tập, phát triển trí tuệ cho thật tốt, bao gồm phát triển song song vừa trong lĩnh vực chuyên môn vừa trong lĩnh vực tâm thức dựa theo những khám phá mới của khoa học trí tuệ cô đọng vào các công cụ thông minh 5.0.
Một điều đáng lạc quan là người Việt Nam có hạt giống trí tuệ tốt, nếu chúng ta đồng thuận trên triết lý giáo dục theo định hướng trí tuệ (wisdom centric education) và tập trung phát triển tốt hạt giống trí tuệ dựa trên nền tảng kết nối trí tuệ, có thể tin rằng trong vòng 30 năm, dân tộc Việt Nam sẽ được định vị cao trong kỷ nguyên mới và góp phần quan trọng trong cuộc CMCN 5.0.