Báo Bưu điện Jakarta số phát hành tuần trước có một bài phân tích sâu sắc cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) có vai trò then chốt trong cộng đồng kinh tế ASEAN – thị trường tiêu thụ thứ ba thế giới và chiếm 3,2% GDP toàn cầu.
Bài viết cho rằng vào năm 2030, nền kinh tế này sẽ bắt kịp các nền kinh tế lớn của châu Âu trong đó DNVVN được xác định đóng vai trò chiến lược quan trọng – tức vai trò chủ đạo.
Bài viết dựa trên so sánh sức mạnh kinh tế của ba quốc gia thành viên, vai trò của các ngân hàng và những cơ hội, thách thức của các loại doanh nghiệp này. Dẫn chứng đầu tiên là Indonesia với 238 triệu dân được xem là nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với GDP 888 tỉ USD và thu nhập đầu người 3.500 USD. Lĩnh vực ngân hàng của quốc gia này là đặc trưng của một nền kinh tế đang phát triển. Hiện nay 41% người dân thường xuyên gửi tiền tiết kiệm trong các ngân hàng, 26% sử dụng không thường xuyên và 32% dân số không gửi tiết kiệm. Trong làm ăn thì chỉ 17% người dân vay vốn từ ngân hàng, 43% vay vốn từ các tổ chức phi chính phủ và 40% không vay từ các tổ chức trên. Chính vì vậy các DNVVN trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có vai trò quan trọng với người dân Indonesia. Các doanh nghiệp này sử dụng 97% lực lượng lao động và đóng góp 57,8% GDP. Mặc dù đóng vai trò chủ đạo nhưng họ chỉ nhận được 20% các khoản cho vay của ngân hàng, ước chừng khoảng 57 tỉ USD. Thành phần doanh nghiệp nói trên sản xuất các sản phẩm giá rẻ, đó chính là yếu tố thu hút nhiều lao động, đóng góp nhiều cho GDP, đây là xu hướng ngày càng lan rộng khắp nước.
Dẫn chứng thứ hai được bài viết nêu ra là Malaysia là nền kinh tế đứng thứ ba của ASEAN với 30 triệu dân và Thái Lan có thu nhập bình quân đầu người 12.000 USD với GDP 376,6 tỉ USD. Theo số liệu thống kê, nước này có hơn 645.000 DNVVN, sử dụng 65% lực lượng lao động với 3,67 triệu người, đóng góp 35,9% GDP.
Các DNVVN Malaysia kiếm nguồn vay từ các ngân hàng, tổ chức tài chính phát triển (DFI), các công ty cho thuê tài chính và các công ty đầu tư mạo hiểm. Ngoài ra, hiện nay chính phủ nước này còn thành lập các quỹ đặc biệt để hỗ trợ cho thành phần kinh tếấy.
Các khoản vay của doanh nghiệp từ hệ thống ngân hàng chiếm 42% tổng số các khoản vay, nhưng hầu hết các doanh nghiệp nhỏ sử dụng vốn tự tạo ra và các quỹ có nguồn gốc từ bạn bè cũng như từ các thành viên gia đình. Chỉ 6% DNVVN phụ thuộc vào nguồn vốn các tổ chức tài chính. Điều đáng nói là chỉ 10% doanh nghiệp loại nhỏ sử dụng vốn các tổ chức tài chính mà nguyên nhân chính là do không có tài sản thế chấp.
Dẫn chứng thứ ba là đảo quốc Singapore dân số 5,5 triệu người trong đó có 3,4 lao động chủ yếu làm việc trong các DNVVN. Hiện nay thu nhập đầu người của đất nước này lên đến 68.541 USD thuộc loại cao nhất thế giới. Singapore là một trung tâm thương mại và tài chính toàn cầu mà nền kinh tế được đánh giá là sáng tạo, cạnh tranh và năng động nhất. Hệ thống tài chính đảo quốc này được đánh giá tương đối mạnh nhưng gần đây cũng đang đứng trước nguy cơ rủi ro gia tăng. Doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp có khoản vay bằng USD có thể bị tổn thương hơn trong những trường hợp bất ổn. Mặc dù vậy, DNVVN Singapore được chính phủ hỗ trợ tối đa bằng các biện pháp bảo đảm vay vốn, hướng dẫn miễn thuế và thiết lập Trung tâm Doanh nghiệp vừa và nhỏ một cửa, với nguồn tài trợ lên đến 24 triệu USD trong vòng ba năm kể từ 2013 để hỗ trợ vốn và tư vấn kinh doanh.
Hiện nay có ba sáng kiến có thể nâng cao năng lực cho các DNVVN tham gia một cách chủ động trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu bao gồm:
– Tăng cường hệ thống tài chính để đảm bảo các DNVVN được hưởng lợi, kể cả thông qua việc hợp tác giữa các hệ thống tài chính trong ASEAN, tạo điều kiện cho loại doanh nghiệp này cải thiện khả năng tiếp cận nguồn vốn.
– Mở rộng phạm vi tiếp cận tài chính và cơ sở trung gian cung cấp cơ sở vật chất như dịch vụ thanh toán kỹ thuật số, giảm chi phí…
– Tăng cường thực hiện các chương trình giáo dục tài chính và cơ chế bảo vệ người tiêu dùng.
T.C (DNSGCT)