Nhân buổi gặp gỡ của đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh vào chiều 3-10 vừa qua, nhiều doanh nghiệp cho biết nỗi khó khăn của doanh nghiệp do thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, nhiêu khê.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Khu công nghiệp Thành phố cho rằng công tác cải cách hành chính trong hai năm qua vẫn còn quá chậm, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. “Mọi người nói sống và làm việc thì theo pháp luật nhưng doanh nghiệp hiện nay đang sống và làm việc theo “rừng” nghị định, thông tư liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Đơn cử như Bộ Tài chính liên quan đến 1.645 thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp là 678 thủ tục, Bộ Lao động Thương binh Xã hội là 569 thủ tục, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 569 thủ tục, Bộ Công thương là 547 thủ tục. Chỉ mới bảy bộ đứng đầu mà các thủ tục hành chính đã nhiều như vậy, nếu kể hết 21 bộ ngành thì không biết thủ tục hành chính còn nhiều đến thế nào. Nhiều thủ tục như vậy thì doanh nghiệp chẳng được gì ngoài hàng trăm loại giấy phép con, giấy xác nhận, giấy kiểm định… Nếu luật càng chi tiết thì không cần các nghị đinh, nghị định càng chi tiết thì không cần thông tư để bớt phiền hà”, ông Nguyễn Văn Bé nói.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố thì cho rằng các cơ quan hành chính chưa thật sự đồng hành cùng doanh nghiệp. “Trên rải thảm đó nhưng dưới rải đinh” nên Nhà nước và Quốc hội luôn đề ra những chủ trương kịp thời nhưng chủ trương vẫn đến chậm với người dân và doanh nghiệp. Do đó, ông Minh kiến nghị trước khi ban hành các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế thì nên tham khảo ý kiến của doanh nghiệp, người dân để có sự đồng thuận hoặc kịp thời phát hiện và điều chỉnh để nghị quyết dễ đi vào đời sống xã hội. Nếu cứ tiếp tục để doanh nghiệp “rơi rụng” vì thủ tục hành chính thì mục tiêu của TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động khó mà đạt được.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tại buổi gặp gỡ còn ra sức “kể khổ” về các thủ tục kiểm tra tại doanh nghiệp. Ông Đỗ Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Bitas nói: “Tại sao doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm về môi trường vẫn bị kiểm tra đến ba, bốn lần mỗi năm. Hết đoàn này đến đoàn khác đến kiểm tra khiến doanh nghiệp khó mà tập trung làm việc. Nên chăng “gom” cả kiểm tra môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động… lại kiểm tra một lần hoặc kiểm tra tập trung vào các doanh nghiệp có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường”.
Bí thư Thành ủy Thành phố Đinh La Thăng cho biết, tất cả những phản ánh của doanh nhân ông đều nghiêm túc tiếp thu. Ông mong các doanh nghiệp thông cảm với các lãnh đạo thành phố vì có những việc cần phải có thời gian, không thể một sớm một chiều giải quyết ngay được. Bí thư Thăng khẳng định, lãnh đạo thành phố sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp vươn tới mục tiêu tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế của cả nước. “Một đô thị đặc biệt như TP. Hồ Chí Minh, với vai trò đầu tàu kinh tế sẽ có rất nhiều phát sinh trên thực tiễn. Chúng tôi sẽ có các báo cáo đến Chính phủ, các bộ ngành liên quan để có khắc phục cụ thể”, ông Đinh La Thăng nói.