Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ước tính tổng số nợ xấu và nợ cơ cấu lại của khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện là 73.000 tỉ đồng, tương đương 3,4 tỉ USD, mà giải pháp tháo gỡ có hiệu quả hơn cả là cổ phần hóa triệt để khu vực doanh nghiệp nhà nước và mở rộng sự tham gia của tư nhân trên tất cả các thị trường.
Trong một báo cáo kinh tế vĩ mô 2013 với tiêu đề “Thách thức còn ở phía trước” công bố hôm 22-11, các tác giả đề nghị đưa ra lộ trình giảm quy mô của khu vực doanh nghiệp nhà nước để đóng góp GDP của khu vực này, đang ở mức 25 – 27%, xuống chỉ còn dưới 10% vào năm 2020.
Rõ ràng khu vực doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả đã góp phần kéo dài giai đoạn suy thoái kinh tế của Việt Nam hiện nay.
Như trường hợp Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) chẳng hạn, nhóm các chủ nợ đang đề nghị hoán đổi toàn bộ số nợ 600 triệu USD thành trái phiếu chính phủ có kỳ hạn 12 năm có sự bảo lãnh của Bộ Tài chính. Nếu đề nghị này được thông qua, cộng thêm 750 triệu USD trái phiếu quốc tế mà Chính phủ vay về cho Vinashin vay lại mười năm trước đây, Việt Nam có thể gánh thêm một khoản nợ là 1,35 tỉ USD cho riêng Vinashin.
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước ước tính là 24,95 ngàn tỉ đồng, chưa tính nợ xấu của Vinashin tại các tổ chức tín dụng trong nước, ước tính khoảng 19,8 ngàn tỉ đồng hồi năm 2010 và nợ đã được cơ cấu lại của khu vực doanh nghiệp nhà nước năm 2012, bao gồm cả nợ được cơ cấu lại cho Vinashin, khoảng 44,75 ngàn tỉ đồng.
Ủy ban cho biết: “Nếu như phần khu vực doanh nghiệp nhà nước còn lại (không kể Vinashin) chiếm 15% số nợ đã được cơ cấu lại (ước khoảng 28.300 tỉ đồng) thì tổng số nợ xấu và nợ cơ cấu lại của khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ khoảng hơn 73.000 tỉ đồng”.
Cũng theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cần đặt sự quản lý các doanh nghiệp nhà nước dưới dạng quỹ quản lý vốn thay vì trực thuộc Chính phủ, các bộ hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh.