Những năm qua, mặc dù mức tiêu thụ bánh kẹo tại Việt Nam ngày càng lớn nhưng số lượng doanh nghiệp trong nước sản xuất mặt hàng này đang ngày càng giảm. Tại Bến Tre, số lượng cơ sở sản xuất kẹo dừa, một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh đã giảm một nửa so với năm năm trước. Tuy nhiên, trong những doanh nghiệp còn tồn tại thì sản phẩm ngày càng đa dạng hơn và được tiêu thụ rộng rãi hơn, xuất khẩu sang được nhiều thị trường hơn.
Hiện nay, xu hướng làm bánh kẹo từ đặc sản của Việt Nam như gạo, điều, cà phê, dừa, trái cây đang là cách giúp nhiều doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh được với bánh kẹo của Thái Lan, Indonesia. Thương hiệu bánh kẹo Yến Nhung với các loại kẹo làm từ các loại ngũ cốc trong nước như hạt điều, đậu phộng, hạt mè và hạt dưa… ngày càng được tiêu thụ nhiều thông qua các siêu thị lớn và xuất khẩu sang Malaysia, Hongkong, Trung Quốc. Bà Đặng Thị Trúc Lan Chi, Giám đốc Công ty Vĩnh Tiến Bến Tre cho biết, trung bình mỗi tháng, công ty này sản xuất trên 200 tấn bánh kẹo xuất khẩu, trong đó chủ yếu là kẹo dừa. Sau nhiều cải tiến, kẹo dừa Yến Hoàng của công ty được ưa chuộng hơn nhờ ăn không bị dính răng như các loại kẹo dừa khác.
Gần đây, ABC – một thương hiệu bánh lớn ở TP.Hồ Chí Minh cũng đã sản xuất thành công bánh mì làm từ gạo huyết rồng.ABC là thương hiệu được biết đến với nhiều sáng tạo giúp cho sản phẩm của công ty có mặt ở các thị trường khó tính như Anh, Úc, Nhật. Ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc ABC cho biết để làm ra được các loại bánh kem đông lạnh được thị trường Nhật đón nhận, ông đã sang tận Mỹ để lựa chọn nhà cung cấp lúa mì và yêu cầu đối tác xay xát lúa mì theo cách riêng nhằm đảm bảo công thức riêng.
Có thể thấy cũng như ABC, những doanh nghiệp bánh kẹo nội địa còn tồn tại được đều phải đầu tư đúng mức cho việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm.Công ty Phạm Nguyên sau một thời gian khá dài nghiên cứu mới đưa ra được hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực là bánh Phaner Pie và bánh Bon cao cấp.Hai loại bánh này hiện đã được xuất tới hơn 15 quốc gia trên thế giới. Lâu nay, ngoại trừ các loại bánh cổ truyền, thì các loại bánh kẹo trên thị trường Việt Nam phần lớn đều là sản phẩm có nguyên vật liệu và công thức sản xuất ngoại nhập nên giá cả không cạnh tranh được với bánh kẹo từ các nước. Đây cũng là lý do mà hiện Trung tâm R&D (Nghiên cứu và phát triển sản phẩm) của ABC đang tập trung nghiên cứu các nguyên liệu sẵn có trong nước như bột gạo, quả gấc…
Sau bảy năm kinh doanh ở TP.Hồ Chí Minh, thương hiệu kẹo dẻo bông đường Pichio vừa mở thêm cơ sở sản xuất ở TP. Đà Nẵng. Kẹo dẻo bông đường là sản phẩm không đòi hỏi cao về nguyên liệu nhưng yêu cầu người làm phải rất sáng tạo và tỉ mỉ.Bù lại, sản phẩm thuần thủ công này có giá trị cao vì ngoài việc ăn được, kẹo có thể để trang trí và làm quà tặng đẹp mắt. Nhắm đến giới trẻ ở các thành phố lớn, sản phẩm của Pichio được sản xuất theo quy trình tiên tiến và hướng tới xuất khẩu. Có thể thấy, thị trường bánh kẹo Việt Nam vẫn còn tiềm năng và luôn có cơ hội cho những doanh nghiệp biết sáng tạo.
Xuân Thu (DNSGCT)