Dòng thời sự kinh tế tuần qua phản ánh nỗi lo của các doanh nghiệp về tình trạng thiếu vốn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như có khả năng phá vỡ các phương án tài chính.
Giải pháp được doanh nghiệp chọn lựa là phát hành trái phiếu để việc huy động vốn được thực hiện không chỉ với các ngân hàng thương mại cổ phần mà cả trong các doanh nghiệp bất động sản. Tình trạng khó khăn đồng vốn cũng diễn ra trong các dự án ngành giao thông vận tải và các hoạt động khác.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiền Phong – TPBank (TPB) vừa thông qua chủ trương lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế vốn cấp II trong năm 2019.
Số trái phiếu này sẽ được niêm yết tại thị trường chứng khoán Singapore và là trái phiếu thường, không chuyển đổi. Cuối tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – Vietinbank (CTG) cũng đã nhận được chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về việc phát hành trái phiếu năm 2019 với tổng mệnh giá phát hành là 10.000 tỉ đồng.
Trước đó, Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cũng đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 1 trong năm 2019 với 2.500 trái phiếu, mệnh giá 1 tỉ đồng/trái phiếu tương ứng tổng giá trị phát hành là 2.500 tỉ đồng.
Đáng chú ý là HD Bank trong vòng sáu tháng đầu năm đã thực hiện bốn đợt phát hành trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, tổng cộng 4.400 tỉ đồng.
Còn về phía các doanh nghiệp, không chỉ trông đợi vào chính sách từ Ngân hàng Nhà nước, dường như họ đã nhanh chóng tìm thấy lối đi riêng cho mình, đó là phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, từ đầu năm đến nay có trên 60.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành.
Nhóm ngành bất động sản, xây dựng, hạ tầng đứng thứ hai về lượng trái phiếu phát hành với 16.230 tỉ đồng, chiếm 27%.
- Xem thêm: Vốn đổ vào bất động sản quá nhiều
Bất động sản là nhóm ngành có mức lãi suất cao nhất, phổ biến trên 10%/năm. Trái phiếu doanh nghiệp của nhóm này thường có tài sản đảm bảo dưới dạng quyền sử dụng đất, có thời hạn từ một đến 10 năm, phổ biến là kỳ hạn hai năm.
Nhìn nhận xu hướng trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), cho biết, để thay thế nguồn vốn ngân hàng, các doanh nghiệp có thể thực hiện phát hành cổ phiếu, trái phiếu, huy động vốn từ bên ngoài.
Đặc biệt, HoREA khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản quan tâm phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Bởi, trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư do lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn, nhất là đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có uy tín thương hiệu và có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.
Tuy nhiên, để phát hành trái phiếu thành công, doanh nghiệp bất động sản phải đảm bảo sử dụng đúng mục đích nguồn vốn huy động từ trái phiếu, thực hiện hiệu quả phương án sản xuất, kinh doanh và dự án đầu tư để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và nhà đầu tư trái phiếu.
Có thể kể đến Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) phát hành tổng 850 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp thông qua ba lần với mức lãi suất lần lượt là 14,5%; 12% và 10,5%.
Hoặc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa (mã chứng khoán NVL) phát hành 400 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp, qua hai đợt, mỗi đợt 200 tỉ đồng, lãi suất đều xấp xỉ 11%.
Một loạt các công ty khác cũng phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm đến nay, có thể kể đến như Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (mã chứng khoán KDH); Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán HDG); Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú (mã chứng khoán VPI); Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (mã chứng khoán CTI)…
Các dự án BOT cũng trong tình trạng tăng phí trầm trọng. Tính đến hết năm 2019 dự kiến có khoảng 37 dự án phải tăng phí theo lộ trình.
Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được đề xuất của một số nhà đầu tư đề nghị tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT.
Nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu có nguy cơ bị phá vỡ phương án tài chính, các khoản vay đầu tư BOT sẽ thành nợ xấu.
Thông tin trên được đưa ra tại dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu tại các dự án BOT, vừa được Bộ Giao thông Vận tải gửi năm bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp, Công an và 17 địa phương liên quan để lấy ý kiến.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết hiện đang quản lý 61 dự án BOT, trong đó có 59 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, hai dự án đang đầu tư xây dựng.
Trong số này có 52 dự án có đủ số liệu đánh giá việc tăng, giảm lưu lượng so với dự báo ban đầu, bốn dự án mới đưa vào thu phí cuối tháng 12-2018 và đầu năm 2019 không đủ cơ sở để đánh giá và ba dự án đang dừng thu.
Theo bộ này, tính đến hết năm 2019 có khoảng 37 dự án phải tăng phí theo lộ trình, năm 2020 có 10 dự án, năm 2021 có hai dự án, các dự án còn lại cơ bản tăng phí sau năm 2021.
Và hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được đề xuất của một số nhà đầu tư đề nghị tăng phí theo lộ trình trong Hợp đồng BOT.
Đối với các dự án có sụt giảm doanh thu nếu không có giải pháp đồng bộ, kịp thời có thể kéo theo một số hệ lụy như phá vỡ phương án tài chính của các dự án, các khoản vay đầu tư BOT sẽ thành nợ xấu, ảnh hưởng đến chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, đặc biệt trong việc kêu gọi đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông đang triển khai thực hiện.
- Xem thêm: Các dự án đường sắt gặp vướng mắc
Theo phân tích của Bộ Giao thông Vận tải, nguyên nhân dẫn đến sụt giảm doanh thu là do lưu lượng thấp hơn so với dự báo.
Cụ thể do kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại một số địa phương không đúng như dự báo ảnh hưởng đến lưu lượng xe qua trạm thấp hơn dự báo (ví dụ như dự án hầm Đèo Cả dự kiến kinh tế Vân Phong sớm đi vào hoạt động nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động); một số trạm thu phí có số lượng xe sử dụng vé tháng, vé quý lớn hơn rất nhiều so với dự báo ban đầu.
Đồng thời do xuất hiện các tuyến đường song hành, đường ngang qua khu vực trạm thu phí dẫn đến xe tránh trạm.
Một số địa phương đầu tư các dự án giao thông đi song hành hoặc ngang qua khu vực trạm thu phí dẫn đến việc thất thoát lưu lượng và có thể phá vỡ phương án tài chính.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đối với nguyên nhân sụt giảm doanh thu do giảm lưu lượng, đây là rủi ro trong quá trình thực hiện dự án, rủi ro này đã được quy định trong hợp đồng.
Với nguyên nhân do giảm phí và chưa tăng phí theo lộ trình, đến nay đã có nhiều nhà đầu tư báo cáo đề nghị tăng phí và nếu không tăng phí sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến việc sụt giảm doanh thu tại các dự án BOT, đặc biệt là việc không tăng phí đúng lộ trình theo hợp đồng BOT đã ký sẽ dẫn đến phá vỡ phương án tài chính các dự án.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, để tránh xảy ra các hệ lụy xấu, Bộ đã nghiên cứu, rà soát, tính toán và đề xuất các phương án xử lý theo các nguyên tắc: (1) việc tăng phí vẫn đảm bảo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, (2) xem xét tăng phí vào thời điểm thích hợp để không xảy ra tình trạng phá vỡ phương án tài chính dẫn đến các khoản vay tín dụng của các ngân hàng trong nước thành nợ xấu; (3) đối với trường hợp mức phí không tăng theo lộ trình dẫn đến phá vỡ phương án tài chính thì Nhà nước cần cân đối để bù đắp phần thiếu hụt đảm bảo phương án tài chính khả thi.