Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) vừa có buổi gặp mặt với các ứng viên trúng tuyển học bổng niên học 2013. Đây là những thí sinh xuất sắc nhất đã vượt qua “vòng chung kết” phỏng vấn gay go, quyết liệt.
423 nghiên cứu sinh du học Hoa Kỳ
Năm 2013, VEF lên mười. Kỷ niệm cho cột mốc quan trọng này, số học bổng cho năm học 2013 đã được nâng lên 62, nhiều nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, điểm mới của học bổng VEF là 11 người được đưa vào danh sách dự bị. Nếu có sinh viên nào đã trúng tuyển nhưng không thể du học thì người nằm trong danh sách chờ sẽ được đôn lên và thế vào chỗ của sinh viên đó.
Theo ông Steven Pappas, cố vấn cao cấp Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, thành viên Hội đồng Quản trị Quỹ Giáo dục Việt Nam, những nghiên cứu sinh này sẽ bắt đầu học tập chương trình sau đại học tại Hoa Kỳ vào mùa thu năm 2013 trong các ngành được VEF hỗ trợ, bao gồm các ngành khoa học (tự nhiên, vật lý, môi trường), kỹ thuật, toán học, y học (điển hình là ngành y tế công cộng), và công nghệ (bao gồm công nghệ thông tin)…
Điều kiện để nộp đơn xin học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam, ứng viên được học bổng phải có điểm cao ở bậc đại học, phải có khả năng Anh ngữ, thư giới thiệu của trường đại học mình đang học và của giáo sư trong nước. Sau đó, các ứng viên trải qua kỳ thi TOEFL để khảo sát khả năng Anh ngữ. Ứng viên vượt qua kỳ khảo sát Anh ngữ này sẽ được vào phần phỏng vấn trực tiếp của VEF. Đây là giai đoạn gay go nhất của việc xin học bổng, được nhiều người ví von là “đổ mồ hôi hột”, thần kinh căng thẳng, dễ mất tự tin. Sau khi đậu tuyển chọn, được thư giới thiệu của các vị giáo sư phỏng vấn, đồng thời bằng học bổng mà VEF cấp, sinh viên sẽ tự ghi danh vào đại học nào ở Hoa Kỳ mà họ muốn theo học.
TS Lynne McNamara, Giám đốc Điều hành của VEF nhận xét: “Quỹ Giáo dục Việt Nam tự hào được đóng góp một phần vào sự phát triển khoa học, kỹ thuật, toán học, y tế và công nghệ cho Việt Nam. Chương trình học bổng uy tín của VEF tạo điều kiện để các công dân ưu tú của Việt Nam theo đuổi ước mơ có được tấm bằng sau đại học trong lĩnh vực của mình từ một trong những viện nghiên cứu và trường đại học hàng đầu ở Hoa Kỳ”.
Từ năm 2000 đến nay, Chương trình Học bổng VEF đã đưa 423 nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tập tại 84 trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ, phần lớn theo trình đào tạo bậc tiến sĩ. Ngoài Chương trình Học bổng, Chương trình Học giả của VEF tạo cơ hội cho công dân Việt Nam tham gia các chương trình đào tạo sau tiến sĩ tại các trường đại học Hoa Kỳ trong thời gian từ 5 đến 12 tháng. VEF yêu cầu các nghiên cứu sinh và học giả của VEF trở về Việt Nam sau khi hoàn tất các chương trình học thuật của mình tại Hoa Kỳ.
Hỏi xoáy – đáp sâu
Giống như vòng đấu loại, phần phỏng vấn trực tiếp mang tính chất quyết định. Trong phòng phỏng vấn thường sẽ có bốn người, gồm một thư ký, hai giáo sư người Mỹ, một giáo sư người Việt. Để luyện giọng, nhiều ứng viên đăng ký khóa học về Speech Pathology ở Premier (hoặc tự học trên mạng). Tự học chủ động được thời gian, cũng như tiết kiệm được chi phí, tuy nhiên, học trên lớp có nhiều cơ hội thực hành, được giáo viên sửa trực tiếp những sai sót trong phát âm.
Trước khi phỏng vấn, ứng viên cần nghiên cứu lý lịch khoa học của những giáo sư Hoa Kỳ nổi tiếng, cùng chuyên ngành với mình. Biết đâu rằng, một ngày đẹp trời nào đó, những giáo sư này sẽ quyết định số phận của mình. Khi nắm rõ lý lịch, các công trình nghiên cứu, bài báo khoa học của giáo sư phỏng vấn mình, tức bạn đang có lợi thế. Kế tiếp, bạn tự chuẩn bị câu hỏi – đáp mà các giáo sư sẽ phỏng vấn mình. Anh H.T, cựu ứng viên học bổng VEF khuyên: “Bạn cũng nên sẵn sàng cho những câu hỏi mào đầu về sở thích cá nhân, thích đọc sách gì, xem phim gì, tưởng chừng chẳng có gì liên quan đến việc nghiên cứu của bạn. Một giáo sư đã hỏi tôi có chơi thể thao không, nếu có thì môn nào, khiến tôi ngắc ngứ vài giây, rồi buột miệng nói: “dancing” (khiêu vũ), nếu đây được coi là thể thao. Có những câu hỏi đơn giản cũng làm mình mất tinh thần nếu không có sự chuẩn bị tốt”.
Các giáo sư sẽ hỏi nghiên cứu sinh về điểm số từ thuở học đại học, tại sao môn này điểm thấp, những đề tài nghiên cứu đã làm, sau khi học, sẽ làm gì khi trở về Việt Nam… Nhìn chung, có rất nhiều dạng câu hỏi không theo khuôn mẫu nào, phụ thuộc vào tình huống cũng như tài năng xoay xở của ứng viên, biến nhược điểm thành ưu điểm. Nhiều người đã tự tập hỏi – trả lời, kể cả mời bạn bè làm giám khảo “hỏi xoáy”, để xem khả năng “đáp sâu” của mình giới hạn đến đâu.
Theo kinh nghiệm của những người đi trước, trong khoảng 45 phút đối đầu với các giáo sư đến từ Hoa Kỳ, các ứng viên nên hạn chế nói chữ “No” (không) hay “Not sure” (không chắc). Các giáo sư sử dụng từ ngữ rất đơn giản, nếu không hiểu rõ nghĩa thì mạnh dạn hỏi lại, phần nào không biết thì nói “xin lỗi, tôi không biết, nhưng tôi nghĩ đây sẽ là một gợi ý rất tốt cho tôi để tôi nghiên cứu về sau”.
Các câu hỏi xoáy liên tục, dồn dập, ứng viên có cảm giác bị dồn ép đến chân tường. Qua cách trả lời và khả năng diễn đạt của bạn, các giáo sư sẽ đánh giá được tố chất, khả năng, kiến thức cũng như tiềm năng phát triển của các ứng viên.
Theo kinh nghiệm của anh Đỗ Đức Hạnh, người từng xin học bổng VEF thành công, điều quan trọng nhất chính là sự tự tin. Anh chia sẻ: “Trước khi thi, tôi đã dành khoảng gần ba tuần để ôn thi. Trong hai tuần đầu tiên, tôi đọc lướt lại tất cả những cuốn sách mà tôi đã từng đọc và sau đó ghi tóm tắt lại những gì cần thiết, đáng lưu ý trong những cuốn sách đó. Làm một bản tổng kết trong mỗi môn học rằng định lý khái niệm nào là quan trọng và đáng nhớ nhất. Hoặc là người ta yêu cầu trong một vài câu, tóm tắt cho người ta một lĩnh vực nào đó. Trong những bản tổng kết của mỗi môn học, tôi phải trích dẫn và đọc ít nhất vài cuốn chuyên khảo tiếng Anh do các nhà khoa học hàng đầu thế giới viết ra. Đừng bao giờ trích dẫn đến tên tuổi của những nhà khoa học ít tên tuổi. Người ta sẽ đánh giá đẳng cấp của bạn thông qua những kết quả, những cuốn sách, những người mà bạn trích dẫn. Các bạn cũng đừng sợ nếu quên mất một vài chi tiết kỹ thuật, các giáo sư đánh giá cách tiếp cận vấn đề của các bạn, chứ không phải một hai chi tiết kỹ thuật nho nhỏ. Các bạn cũng nên tập trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh.
Tôi có viết ra giấy 10 lý do tại sao tôi phải được học bổng VEF, hay nói cách khác 10 điểm mạnh của tôi, sau đó học thuộc lòng và cầm tụng đi tụng lại, thậm chí gõ lại vào máy tính cũng được. Đến trước khi phỏng vấn thì đọc lại vài lần cho nhập tâm.
Một trong những điểm khác nhau quan trọng trong cách làm việc của người Mỹ và của chúng ta là họ rất coi trọng background (nền tảng) và khả năng làm việc liên ngành. Họ đòi hỏi dù anh có chuyên sâu về lĩnh vực nào đi chăng nữa thì cũng phải nắm vững những kiến thức cơ bản của những lĩnh vực khác, bởi vì các lĩnh vực bây giờ liên thông rất nhiều. Mọi người nên cố gắng giữ thế chủ động trong khi trả lời phỏng vấn. Phải làm cho các giám khảo phải suy nghĩ trong khi hỏi thi mình. Mọi người thử đặt địa vị mình vào người phỏng vấn xem, không có một cuộc phỏng vấn nào chán hơn việc hỏi một người mà câu trả lời của họ mình đã biết tỏng từ lâu rồi. Giám khảo là các nhà khoa học nên họ luôn hứng thú đối với những gì bất thường. Bởi nếu vấn đề bạn trình bày là hoàn toàn tầm thường, giáo sư hỏi sâu vào các ngóc ngách, chi tiết thì khi ấy bạn sẽ chết đứng như Từ Hải”.
“Đây là vòng phỏng vấn chứ không phải cuộc thi trả lời câu hỏi. Trả lời hết tất cả các câu hỏi vẫn có thể trượt và không trả lời hết tất cả các câu vẫn có thể đỗ. Quan trọng nhất vẫn là ấn tượng các bạn tạo được lên các giám khảo. Vòng phỏng vấn không chỉ quyết định bạn có đỗ VEF hay không mà còn quyết định nội dung của thư giới thiệu mà các giáo sư sẽ viết cho bạn, và đó là sức nặng của hồ sơ của bạn khi nộp đơn sang các trường bên Mỹ”, anh Đỗ Đức Hạnh nhấn mạnh.
Chương Vũ