Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương thường nhắc chuyện chị QN, một doanh nhân có tiếng của thành phố, quản lý nhiều nhà hàng ăn uống sang trọng với những món ăn Nam bộ độc đáo – mà thuở khởi nghiệp chỉ với một gánh hàng rong – có một nỗi đam mê kỳ lạ là cứ hết mở nhà hàng này lại mở nhà hàng khác, liên tục phát triển, để rồi luôn miệng kêu khổ, than bận bịu tối ngày, không có thì giờ để… thở.
Nhà thơ tức mình hỏi: Vậy chớ sao không dẹp quách bớt mấy cái nhà hàng đó đi cho đỡ khổ? Chị QN trả lời: Thì cũng như chị làm thơ vậy thôi! Khi nào chị dẹp quách chuyện làm thơ thì em mới dẹp quách được mấy cái quán ăn này!
Thì ra vậy. Thì ra cứ mỗi một cái quán ăn mới khai trương thì cũng chẳng khác chi một tập thơ mới ra… lò! Thì ra có hai nhà thơ: một người làm thơ trên giấy còn một người làm thơ trên… menu.
Tập thơ mới ra lò được người làm thơ trân trọng, trau chuốt từ hình thức đến nội dung ra sao thì cái quán ăn với những menu độc đáo cũng được trau chuốt, trân trọng từ nội dung đến hình thức chừng ấy.
Thực khách của chị QN xì xụp hít hà ra sao thì độc giả của chị HK cũng xì xụp hít hà chừng ấy (!) Bởi những cay chua mặn ngọt đều được nêm nếm bởi những người lịch lãm trong nghề mà!
- Xem thêm: … Thì hãy cứ vui!
Nói chuyện làm thơ trên menu mới sực nhớ anh bạn nhà thơ HT, hiện đang làm chủ một cái quán ăn trong hẻm nhỏ mà rất đông khách, tác giả nhiều tập thơ mà mới nhất là tập “Người nuôi lửa tịch mịch” – ai bảo làm thơ và nấu nướng không liên quan với nhau chứ? – đã sáng tạo những tấm menu viết tay độc đáo đẹp hơn cả bài thơ, đươc đóng bìa bằng da, khâu tay, với những nét xù xì thô vụng dễ thương không tìm thấy ở đâu.
Nhiều người đến quán anh hẳn không chỉ vì món ngon, món lạ mà còn vì tờ thực đơn đầy chất thơ như thế. Rõ ràng là ngày càng khó phân biệt một nhà thơ và một nhà doanh nghiệp. Ranh giới mong manh bởi hình như họ có cùng một đức tính: lãng mạn.
Một hôm về thăm quê, chợt thấy một khu nhà lộng lẫy mới dựng lên trong khu công nghiệp với một biểu tượng khá lạ lùng là bộ bình trà khổng lồ với những vòi nước phun trắng xóa chung quanh, tôi ghé vào thăm thử và tình cờ gặp chủ nhân, anh M.
Nhìn dáng vẻ lùi xùi của anh thì khó mà biết anh là chủ nhân khu nhà sang trọng trưng bày sản phẩm này! Anh say sưa nói về những mơ ước từ thuở ấu thời nay đã trở thành hiện thực.
Anh nói về những tìm tòi, khám phá, sáng tạo cho những sản phẩm của mình vừa mang nhiều ý nghĩa truyền thống vừa sử dụng những kỹ thuật tân kỳ, được vẽ bằng tay, có thể dùng làm “của gia bảo” được!
Nhưng điều tôi thích nhất là khoảng không gian khá rộng dành cho du khách được tỉ mẩn mày mò nặn bóp mấy cục đất để tạo ra những hình thù có thịt có da, từ đó mà hiểu thế nào là tứ đại, ngũ uẩn!
Nói về những nhà thơ – doanh nhân, phải nhắc tới khu du lịch Bình Quới của CL. Một khung cảnh trữ tình, nên thơ, gần gũi thiên nhiên, hiếm có ở một thành phố ngột ngạt này!
CL đã có những ý tưởng lãng mạn như rải rơm khắp các lối đi cho bàn chân thơm mùi tuổi dại; những trò chơi dân gian, những món ngon miệt vườn nhắc những kỷ niệm khó phai; những chiếc cầu khỉ nên thơ, con thuyền nhỏ ven sông chở đầy hoa và những quầy dừa nặng trĩu; những mái tranh vách đất đơn sơ mà không thiếu tiện nghi cho cả gia đình cùng quây quần sum họp một ngày cuối tuần nhàn nhã…
Nếu còn thiếu một thứ gì đó thì có lẽ là một chiếc cầu… ao cá thoáng mát, lắc lẻo gập ghềnh cho mẹ dắt con đi! (Dĩ nhiên có nhiều cách để đảm bảo vệ sinh môi trường!).
Nhưng phải nói ý tưởng “Phố mùa thu” của NT dành cho người cao tuổi mới thật đáng kinh ngạc. Ai đời một phố dành riêng cho người già mà theo mô hình của một nhà trẻ, kết hợp câu lạc bộ, dưỡng đường, khu dịch vụ… các thứ, đáp ứng mọi nhu cầu của người cao tuổi như một vòng khép kín!
Dĩ nhiên sẽ đầy ắp thiên nhiên; ở đó những người cao tuổi được chăm sóc thật chu đáo, thật nhân bản về cả thể chất, tâm thần và xã hội để họ không còn thấy bơ vơ, trơ trọi, chơi vơi…
Tôi tưởng tượng thỉnh thoảng nên cúp điện một bữa cho họ được sống lại những đêm trăng xanh mát dưới bóng đèn dầu mù u, dầu rái, dầu dừa, đèn hột vịt bên những ụ rơm thơm mùi lúa mới, xa xa vang một tiếng hò, một nhịp chày giã gạo.
Ở đó, họ cũng cần những buổi chiều đường đê lộng gió, vút lên những cánh diều, những buổi trưa có tiếng gà eo óc…
- Xem thêm: “Thơ tại sao mà làm ra?”
Điều quan trọng cần nhớ là với một người già, phải tôn trọng tính độc lập, đừng đỡ đần làm thay thái quá khiến họ bị lệ thuộc một khi họ còn có thể tự xoay xở một mình. Nguy cơ là dễ bày ra nhiều dịch vụ, rồi ép họ để cho mình phục vụ… thì nguy!
Chăm sóc sức khỏe chẳng hạn, không cứ ngày nào cũng phải đè ra đo huyết áp, ngày nào cũng ăn theo một thực đơn có tính toán calo trong khi họ thèm mắm ruốc, cá khô quẹt…
Khác với nhà thơ lãng mạn để mà lãng mạn, nhà doanh nghiệp có khả năng biến lãng mạn thành hiện thực. Cho đến một lúc nào đó, khi nhà doanh nghiệp không còn đủ sức lãng mạn nữa thì họ chỉ còn trơ trọi là một phú ông, lúc đó muốn đổi một cái quạt mo cũng không phải là chuyện dễ!
Hẹn thư sau. Thân mến.