Cắt nghĩa tình yêu thiệt không dễ chút nào! Hơn nửa thế kỷ trước, nhà thơ của tình yêu là Xuân Diệu cũng phải lắc đầu quầy quậy:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu…
Rõ ràng là nhà thơ… bí. Chịu thua. Càu nhàu: làm sao cắt nghĩa được tình yêu cơ chứ! Yêu thì cứ yêu, còn bày đặt đòi cắt nghĩa với giải thích này nọ. Cái thời của ông, tình yêu là cái gì đó rất thiêng liêng, rất ấp úng, rất ngập ngừng, rất… nói không được… Tôi với người yêu qua rất nhẹ. Im lìm không dám nói năng chi…
Không dám, bởi vì chỉ một chút nói năng thôi đủ làm hỏng tất cả, làm vỡ tất cả! Với ông, tình yêu chỉ có một con đường duy nhất để tiếp cận: đó là tâm hồn! Nào mây nào gió nào nắng nào chiều… cứ đè hồn ta mà chiếm lấy. Mà chiếm cũng chỉ chiếm một cách nhẹ nhàng, thanh thoát: hiu hiu, nhè nhẹ… thế thôi! Hoàn toàn không có chuyện ồn ào, ầm ĩ, càng không có chuyện hùng hục, dữ dội… như thường thấy trong một số phim ảnh bây giờ bên trời Tây.
Hình như bên trời Tây người ta không tiếp cận bằng ngõ tâm hồn mấy chút. Có một chuyện vui kể sau khi Bill Gates cưới vợ, vợ ông đã tuyên bố bây giờ mới hiểu tại sao công ty của ông lại lấy tên là Microsoft!
Bên ta lúc này thỉnh thoảng đọc báo cũng thấy ở tỉnh này tỉnh nọ có những cặp tình nhân yêu nhau thắm thiết, tiến đến hôn nhân, rồi sau đêm hợp cẩn cả hai cùng rủ nhau đi tự tử, kẻ uống thuốc rầy, người nhảy xuống sông… Thì ra, trong ngày trọng đại đó, người con trai (bấy giờ là chồng) không chứng tỏ được “bản lãnh đàn ông” của mình; người con gái (bấy giờ là vợ) tưởng thế là… hết, bèn liều mình cả đôi.
Có trường hợp đáng thương, chàng trai được cứu sống và tại bệnh viện, bác sĩ khám thấy mọi sự đều bình thường. Chẳng qua vì trước ngày cưới họ đã chưa được học qua một khóa “giáo dục giới tính” hoặc “hôn nhân gia đình” gì đó nên mới ra nông nỗi!
Ở một nền văn hóa mà chuyện gặp gỡ, yêu thương của trai gái được coi là duyên nợ, là số Trời, là ông tơ bà nguyệt xe sợi chỉ hồng thì người ta dễ an phận thủ thường. Ở đó, chuyện “vợ chồng” được gọi một cách văn hoa là chăn gối, là gần gũi, là ăn nằm… là thương, là cưng, là chìu… nên dễ thua keo này bày keo khác, không có gì phải vội vã!
Ở một nền văn hóa khác, chuyện yêu đương luôn đi với những từ ngữ hừng hực, đổ mồ hôi như làm tình (cứ như là… làm ruộng!), make love, faire l’amour, anh khát em, em khát anh, I’ve hungered for your touch… nghe rất ư là đói bụng, là khát nước… Nên nếu thiếu được chuẩn bị, người ta rất dễ bị “sốc văn hóa”!
Tình cờ người viết đọc được mấy câu thơ “cắt nghĩa” tình yêu bằng một cách tiếp cận khác, khá hiện đại, được viết trên một bức tường ở một nơi có nhiều du khách vãng lai – không biết ai là tác giả – mà tiếc cho nhà thơ Xuân Diệu đã không được trông thấy để ngẩn ngơ:
Tình bạn là tô hủ tiếu
Tình yêu là tô bún riu
Sống trên đời không thể thiếu
Hủ tiếu và bún riu!
Không có chuyện mây gió, nắng mưa ở đây. Cũng chẳng có hiu hiu, nhè nhẹ. Chỉ có xì xụp, hít hà! Tình yêu ở đây là hủ tiếu và bún riu. Có so sánh đối chiếu cho thêm rõ nghĩa. Hủ tiếu thì… dai, đa dạng, phong phú… với tôm, thịt, gan, trứng… các thứ; trong khi bún riu thì mềm, bở, nhưng chuyên biệt hơn, đằm thắm hơn, sâu lắng hơn, nồng nàn hơn… vì chỉ có mỗi “riu cua” với nào mắm tôm, mắm ruốc, giấm bõng, cà chua, nước me, đậu hũ…
Cái thời “Im lìm không dám nói năng chi” cũng đã hết! Bây giờ người ta thích gào thét và khẳng định chắc nịch: “Tình yêu đến em không mong đợi gì! Tình yêu đi em không hề hối tiếc” đang ngày đêm rót vào tai cả một thế hệ trẻ, không phải là không có phần đáng lo ngại cho các nhà xã hội và cho cả các thầy thuốc!
Hẹn thư sau. Thân mến.