Ba mươi ba tuổi, Hồng Ánh mặc đồ cô dâu, lái xe đưa chồng và người thân đi lên chùa dự lễ cưới trong khi mới đêm trước cô còn say sưa đi diễn. Hồng Ánh vẫn luôn làm chủ cuộc đời mình tuyệt vời như thế.
Thế nên ngần ấy năm đã qua đi, dù vẫn luôn nhớ về tuổi trẻ của mình, Hồng Ánh vẫn chưa từng cảm thấy tiếc nuối gì với hiện tại. Một con người luôn nhìn về phía trước, tràn ngập những khát khao trải nghiệm. Sau năm 2016 với hai vai trò mới toanh là đạo diễn điện ảnh và đạo diễn sân khấu, những chân trời nào đang chờ đợi một TRONG những nữ diễn viên xuất sắc nhất thế hệ của mình?
Năm 2016, chị thử nghiệm ở hai vai trò hoàn toàn mới.Đầu tiên là đạo diễn sân khấu (vở Giờ của quỷ, sân khấu Hồng Hạc) và sau đó là đạo diễn phim điện ảnh (Đảo của dân ngụ cư đã đóng máy và xong hậu kỳ). Công việc đến với chị tự nhiên hay đó là mục tiêu do chính chị đặt ra đầu năm?
Mọi thứ đến với tôi đều rất tự nhiên. Khi về nước mở sân khấu, chị Việt Linh luôn muốn tôi dựng một vở cho Hồng Hạc. Chị ấy chuyển thể một kịch bản từ văn học nước ngoài rồi đưa cho tôi. Thế là… tôi làm thôi, có lẽ vì chị muốn nhìn thấy một tác phẩm sân khấu dưới góc nhìn điện ảnh. Chưa từng có kinh nghiệm làm đạo diễn, nhưng tôi có được những kiến thức quý báu nhờ thói quen quan sát của mình. Từ 5B đến IDECAF và sau này là Hoàng Thái Thanh, tôi không chỉ diễn vai của mình mà còn chủ động lên sớm để… học lóm, cách các đạo diễn bài trí sân khấu, chọn đèn, khai thác hành động và tâm lý nhân vật.
Chị thuộc về một thế hệ tạm gọi là tiếp nối, không còn trẻ nhưng cũng không lớn như lớp nghệ sĩ gạo cội của Thành Lộc, Thành Hội, Ái Như, Hữu Châu… Chị có bao giờ trăn trở về chuyện làm vì nghệ thuật hay vì đám đông?
Tôi luôn muốn tác phẩm của mình đến với đám đông, mà thật ra nghệ sĩ nào cũng mong vậy cả. Trước khi bắt tay vào làm công việc sản xuất và đạo diễn, tôi cũng nghĩ về chuyện làm ra một tác phẩm giản dị, có thể chạm được đến thật nhiều người. Nhưng khi có điều kiện làm rồi thì tôi vẫn cố đưa cái tôi của mình vào. Mà cái tôi của mình đôi khi lại mang tính thể nghiệm nên hơi khác với suy nghĩ của số đông. Tôi không nói số đông không biết cảm thụ nghệ thuật. Bằng chứng là họ đã biết nói không với những sản phẩm kém chất lượng từ sân khấu cho đến điện ảnh. Nên có khi phải tự trách là mình chưa đủ tài nên làm cái gì cũng… lỗ.Nhưng được cái là tôi không bi quan. Nên khi có cơ hội được thử sức với nghệ thuật, tôi đều chọn dấn thân.
Là một chứng nhân của thời kỳ mì ăn liền của những năm 1990, chị có thấy điện ảnh Việt Nam đang trở lại thời kỳ như vậy?
Mọi thứ đều diễn ra theo chu kỳ, và bây giờ chu kỳ đang quay trở lại. Nhà nhà làm phim, người người làm phim, doanh nghiệp bất động sản có tiền cũng đi làm phim. Vì ai cũng có một câu chuyện để kể. Giống như trên Facebook ai cũng có một tờ báo. Người ta làm phim thay vì… viết nhật ký. Họ nghĩ chỉ cần máy quay và một ê-kíp thì đã có thể kể câu chuyện của mình.
Nếu thế, có vẻ câu chuyện của mọi người hơi bị… dở?
Câu chuyện của họ có thể hay, nhưng không phải ai cũng có thể kể được bằng ngôn ngữ điện ảnh. Giống như anh muốn vẽ tranh thì phải có kiến thức cơ bản về hội họa. Cũng giống như muốn làm phim thì phải biết những kiến thức cơ bản về góc máy, khung hình, ánh sáng, chỉ đạo diễn xuất… Nếu như không biết mà vẫn kể được một câu chuyện hay được nhiều người nghe thì đấy vẫn là ăn may. Còn để đi đường dài, người kể chuyện vẫn cần có một nền tảng vững vàng. Trong phong trào làm phim rộng khắp hiện nay, số người muốn kể chuyện thì nhiều, nhưng nhân sự giúp họ kể câu chuyện của họ thì vừa ít, lại vừa không đồng bộ.
Vậy chị đánh giá vị trí của hai thời kỳ “mì ăn liền” với sự phát triển của điện ảnh Việt Nam ra sao?
Tôi thấy hai thời kỳ đều có những cái được và chưa được. Nhưng “mì ăn liền” đời đầu cho tôi cảm giác câu chuyện của họ sâu sắc hơn cho dù cách làm vẫn còn thô sơ. Diễn viên của thời kỳ ấy cũng tâm huyết và đồng bộ hơn. Cả hai thời kỳ đều làm vì tiền, nhưng tôi có cảm giác ê-kíp thời kỳ đầu có sự trong trẻo hơn. Một loạt những Cô bé mộng mơ, Vĩnh biệt mùa hè, Cô thủ môn tội nghiệp, Hải đường trắng… vẫn ở lại trong ký ức người xem. Còn mì ăn liền của hôm nay đã có sự hỗ trợ nhiều của kỹ thuật, nhưng sự tính toán quá nhiều đã khiến cho phim mất đi sự trong trẻo cần thiết của nghệ thuật. Có nhiều bộ phim hoàn toàn là phim truyền hình được nâng cấp lên chiếu trên màn ảnh rộng.
Tôi cũng chưa thấy nhiều diễn viên cá tính.
Việt Nam có nhiều câu chuyện hay, tại sao mình lại không thể kể những câu chuyện ấy?
Trong một hội thảo, tôi được nghe ý kiến rất đáng chú ý. Đó là khi người làm phim muốn kể một lát cắt chân thật về xã hội thì gặp rào cản về kiểm duyệt. Máu nhiều chút không được, hở nhiều chút cũng không cho dù đã gắn mác NC16. Làm phim kinh dị thì dính rào cản mê tín dị đoan. Thế nên để an toàn, người ta chọn những đề tài nhẹ nhàng, vui vẻ. Để an toàn hơn thì họ chọn những kịch bản đã thành công ở Hàn Quốc. Nếu khán giả không thấy phim mang hơi thở Việt Nam thì do khả năng chuyển thể của ta chưa tốt.
Nhưng tôi nghĩ nền điện ảnh nào cũng gặp vấn đề về kiểm duyệt. Thế nên nếu có thể vượt qua kiểm duyệt mà vẫn kể được một câu chuyện cảm xúc thì đấy mới thật sự là tài năng.
Kịch bản là vấn đề lớn của điện ảnh Việt. Chị có nghĩ là do mình chưa có sự đãi ngộ và đối xử tốt với lực lượng biên kịch?
Tôi chưa từng nghĩ lực lượng biên kịch sống vì tiền. Ngày xưa Lưu Quang Vũ rất nghèo, nhưng vẫn cho ra những tác phẩm để đời. Trong giới nhà văn ở Việt Nam, có lẽ không nhiều người có thể sống khỏe với nghiệp viết trừ anh Nguyễn Nhật Ánh. Thiên thức của người làm công việc viết là nói lên bức xúc của cá nhân họ và của xã hội. Người tài năng càng lớn thì nhu cầu cá nhân càng đơn giản. Họ sung sướng khi tác phẩm mình được đón nhận hơn là được trả nhiều tiền. Nhưng hiện nay mình không còn những nhân vật tài năng như vậy.Nếu nói về đối xử tệ, trả tiền ít thì ngày xưa đội ngũ biên kịch còn khổ hơn nhiều. Có thể nhưng bi kịch xã hội chưa đi đến tận cùng để cho ra đời những tác phẩm hay. Hay cũng có thể những bức xúc người ta không dồn vào kịch bản mà đã đẩy lên… Facebook cả rồi.
Nhưng ngay cả khi có một kịch bản không thật tốt, người ta vẫn bấm máy. Nghệ thuật phải chăng đã trở thành một mảnh đất để ai cũng có thể kiếm tiền trên đó?
Tôi không nghĩ họ làm phim cốt để kiếm tiền. Chỉ cần làm một bài toán nhỏ, mọi người sẽ thấy làm phim lỗ nhiều hơn lời. Trong hơn 50 phim của năm nay, chỉ tầm ba phim là lời. Còn phần đông là hòa vốn và rất nhiều phim lỗ. Một người kinh doanh sành sỏi sẽ không bao giờ đầu tư vào phim. Nhưng với điện ảnh, nó có một sự thôi thúc rất cảm tính. Nhiều người đã bán nhà, sạt nghiệp vì phim, nhưng vẫn có nhiều người khác muốn dấn thân vào. Bởi ai cũng tin câu chuyện mình kể rất hay.
Từ diễn viên, đạo diễn, sản xuất, có lúc còn ra ứng cử đại biểu quốc hội. Chị dường như đang muốn thử sức ở nhiều lĩnh vực nhất có thể?
Tất cả mọi thứ đều đến như một cái duyên vào thời điểm ấy. Chỉ có diễn viên là đến theo ý muốn của bản thân tôi. Ý muốn ấy đã có từ bé và đến giờ tôi hạnh phúc vì vẫn sống được với nghề. Tôi đến từ một gia đình không có chút gốc gác văn nghệ nào. Gia đình tôi đều là dân kỹ thuật. Duy nhất trong nhà có mỗi… ông dượng là trưởng đoàn ca múa nhạc Cửu Long. Chị tôi sinh cách tôi 12 tháng, nhưng không quan tâm mảy may gì đến nghệ thuật. Còn tôi lại thích vô cùng.
Mẹ cho tôi đi học múa, cốt để cho tôi khỏe mạnh. Nhưng tôi lờ mờ nhận ra mình có năng khiếu về biểu cảm và diễn xuất, ngay cả khi động tác của mình không được dẻo lắm. Tôi thích bắt chước người này người nọ và lại có năng khiếu thuộc thoại rất nhanh. Chỉ cần xem kịch qua tivi trắng đen vài lần là thuộc làu diễn viên nói gì. Cũng nhờ năng khiếu này mà tôi bước từ hàng ghế khán giả lên thẳng sân khấu IDECAF. Ngày ấy, vở Anh chàng xỏ lá bất ngờ bị hụt vai nữ của Mỹ Duyên, do cấn lịch diễn một vở khác. Thế là tôi bước lên sân khấu diễn luôn mà không qua một lần tập nào. Cần gì phải tập khi tôi đã thuộc làu hành động lẫn ngôn ngữ vì đã xem vở ấy… 16 lần!
Nhưng trong sự nghiệp diễn xuất của mình, có vẻ như chị đã bị đóng đinh vào những vai khổ?
Phim tư nhân họ sẽ ưu tiên chọn diễn viên ăn khách, mà tôi không phải là diễn viên ăn khách. Phim nhà nước thì hay có mấy vai khổ và đạo diễn thì cứ nghĩ chọn tôi cho an toàn. Thành ra dù rất muốn có những vai diễn đa dạng nhưng đến nay, chỉ có sân khấu cho tôi điều đó chứ điện ảnh thì chưa. Nhưng giờ tôi đã là nhà sản xuất và đạo diễn. Tương lai chắc tôi sẽ viết vai diễn cho riêng mình rồi tự đóng tự quay luôn (cười).
Chị có dự định gì trong năm 2017?
Ra mắt Đảo của dân ngụ cư là một kế hoạch. Tôi cũng đã lên kế hoạch cho một dự án điện ảnh mới. Câu chuyện rất gọn, diễn viên cực ít và bối cảnh chỉ có một. Nếu mọi thứ thuận lợi, hy vọng sẽ bấm máy được vào tháng 4-2017.
Xem thêm: