Thời điểm kết thúc một năm luôn là khoảng thời gian vô cùng đặc biệt. Vì khi ấy, mỗi người trong chúng ta có dịp sống chậm lại, bỏ qua một bên những vội vã, tất bật, lo lắng thường ngày, để có thể cảm nhận được bước tiến chậm chạp nhưng vững chắc của thời gian, để có thể một lần nữa đặt ra cho mình những câu hỏi về giá trị của cuộc sống, tiền bạc, mục tiêu, kế hoạch tài chính… và về ý nghĩa của những thứ mà mình đang theo đuổi.
Và rồi chúng ta, sẽ lại một lần nữa tự hỏi, một câu hỏi được xem là gốc rễ của mọi vấn đề tài chính, tiền bạc, đó là: “Bao nhiêu là đủ?”.
Tất nhiên rồi, càng nhiều càng tốt!
Thật trớ trêu, nhưng những người trả lời câu hỏi bao nhiêu là đủ này rằng “càng nhiều càng tốt” lại không mấy khi có được cái kết có hậu.
Theo đánh giá của những chuyên gia tâm lý học hành vi, một khi bạn đã có đủ tiền để đáp ứng những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống, như nhu cầu về thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, chỗ ở, giao tiếp… thì sự tác động của các nguồn lực về tiền bạc sau đó sẽ càng khó khiến bạn hạnh phúc, khó khiến bạn có được cảm giác thỏa mãn như trước đây. Nó giống như khi chúng ta đã ăn no rồi, thì những món ăn sau đó được mang ra, dù ngon hơn, trình bày đẹp mắt hơn, cũng không còn mang lại cho chúng ta nhiều cảm giác hứng thú nữa.
Cũng chính vì không hiểu được điều này, mà nhiều người, sau khi đã có được thành công cơ bản, tạo dựng được một nền tảng tài chính tốt, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu cần thiết trong cuộc sống rồi, lại lao vào những cuộc “kiếm tìm hạnh phúc” sai lầm, như người anh trong câu chuyện cổ tích ăn khế trả vàng, để rồi cuối cùng phải đón nhận những kết cục cay đắng. Hay như trong thần thoại Hy Lạp đã kể về một lối trừng phạt rất quái ác của các vị thần đối với loài người, đó là ban cho loài người những thứ vượt quá những điều họ mong muốn.
Biết đủ là… biết hạnh phúc
Chúng ta không thể nhìn vào một người có thu nhập 500 triệu đồng/tháng và nói anh ta hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn một người có thu nhập 50 triệu/tháng, hoặc ngược lại. Cảm giác đủ thực ra là cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn với những gì chúng ta đang có trong cuộc sống hiện tại. Và “biết đâu là đủ” chính là biết đâu là điều khiến chúng ta hạnh phúc.
Theo tiến sĩ Joe Gladstone, hiện giảng dạy tại Đại học Cambridge (Anh), dựa trên hai kết quả từ cuộc khảo sát gần đây (khảo sát The importance of “cash on hand” to life satisfaction, có quy mô 525 người, và khảo sát Money Buys Happiness, có quy mô 76.000 người) thì ở mỗi người, sẽ có cách cảm nhận hạnh phúc rất khác nhau. Và vì thế, họ cũng sẽ tìm kiếm những điều khác nhau để thỏa mãn nhu cầu đó.
“Nhiều người thích thể thao, đi du lịch, xem phim. Số khác lại có thể ngồi hàng giờ ở nhà, đọc sách, viết nhật ký. Người lại chỉ muốn vui đùa và làm bạn với những con thú cưng, hoặc làm từ thiện, giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận ra một điều, rằng khi ai đó chi càng nhiều tiền bạc, thời gian và công sức của họ cho những thứ phù hợp với tính cách, sở thích thì họ sẽ càng có mức độ thỏa mãn cao hơn, và qua đó mức độ hạnh phúc, cảm nhận sự đầy đủ trong cuộc sống của họ, cũng sẽ cao hơn”.
Vậy, bao nhiêu là đủ?
Trở lại với câu hỏi ban đầu, vậy bao nhiêu là đủ, bao nhiêu thì giúp chúng ta có thể sống hạnh phúc? Có lẽ chúng ta đã nhận ra rằng, bao nhiêu là đủ thực chất là kiểu câu hỏi hạnh phúc có giá bao nhiêu. Đây là một câu hỏi không đúng. Câu hỏi đúng, lẽ ra phải là: “Điều gì khiến bạn hạnh phúc trong cuộc sống?”. Có được điều đó, nghĩa là đủ.
Với Elizabeth Warren, thượng nghị sĩ bang Massachusetts, Hoa Kỳ, giáo sư chuyên giảng dạy về luật tại Trường Đại học Harvard, thì “công thức” cho sự đủ, cho sự hạnh phúc của bà, là đủ tiền để có thể chi cho những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống (50%), đủ tiền để chi cho những gì bà muốn (30%) và cuối cùng là đủ tiền để tiết kiệm, tái đầu tư, chuẩn bị cho kế hoạch tài chính tương lai (20%).
Còn với Grant Cardone, triệu phú tự thân nổi tiếng của Mỹ, hiện sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 350 triệu USD, là người xếp đầu tiên trong danh sách 25 Marketing Influencers to Watch in 2017 của tạp chí Forbes, thì cảm giác đủ, cảm giác hạnh phúc là khi ông có thể trả lời được ba câu hỏi: “Tôi đã đủ tiền để lo cho gia đình mình chưa?”, “Sự nghiệp của tôi đã phát triển như tôi mong muốn chưa?” và “Tôi đã có thể thoải mái đến những nơi mình muốn, ăn những món mình thích mà không phải quan tâm đến giá cả, hay chưa?”.
Cũng chính vì hiểu được bao nhiêu là đủ, hay điều gì thực sự khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc, mà những tỉ phú xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất thế giới của tờ Forbes, dù sở hữu khối tài sản lên tới hàng tỉ USD, nhưng lại luôn làm chúng ta bất ngờ vì sự tiết kiệm của họ. Carlos Slim Helú, nhà sáng lập Tập đoàn Grupo Carso (Mexico), người giàu nhất Mexico với khối tài sản trị giá 50 tỉ USD, vẫn đang sống trong căn nhà sáu phòng ngủ trong suốt 40 năm qua, luôn ăn cơm nhà và tự lái chiếc Mercedes-Benz cổ đi làm mỗi ngày.
Warren Buffett – Chủ tịch kiêm CEO Công ty Berkshire Hathaway, huyền thoại đầu tư với khối tài sản ròng ước tính khoảng 60,8 tỉ USD, hiện chỉ sống trong căn nhà mà ông mua với giá 31.500 USD từ năm 1958, không dùng điện thoại di động và cũng không có máy tính ở bàn làm việc. Trong kỳ đại hội cổ đông của công ty vào năm 2014, Buffett giải thích về sự đủ, về chất lượng cuộc sống của ông chỉ đơn giản là phụ thuộc vào ông, chứ không phải phụ thuộc hay bị ảnh hưởng bởi số tiền mà ông có. “Cuộc sống của tôi đang rất hạnh phúc. Thực tế, nó sẽ tồi tệ hơn nếu tôi có sáu hay tám ngôi nhà. Do vậy, tôi có mọi thứ cần phải có và không cần thêm bất kỳ điều gì vì chúng chẳng tạo ra sự khác biệt nào cả”.
Đủ… cho con cái của bạn
John Bogle, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm sáng lập viên Tập đoàn Vanguard, người đưa Vanguard trở thành quỹ đầu tư lớn thứ hai trên toàn thế giới, trong một lần trả lời phỏng vấn tờ The New York Times, đã cho rằng, bài học giá trị nhất mà một đứa bé được học, về tiền bạc, chính là bài học về giá trị của tiền bạc, về sự đủ, về việc xác định và theo đuổi để có được điều khiến chúng hạnh phúc trong cuộc sống.
“Khi gia đình tôi rơi vào tình cảnh khó khăn, lúc ấy tôi chỉ mới khoảng mười tuổi và phải làm việc để phụ giúp gia đình mình, trong khi những đứa bạn của tôi khi ấy chỉ suốt ngày chạy nhảy và vui chơi ở khắp nơi. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi cho rằng đó là một bài học giá trị nhất mà tôi từng được học. Bởi tôi đã có cơ hội để tự hiểu rõ bản thân mình, biết mình muốn gì, cần gì, khát khao điều gì. Để sớm hình thành trong đầu mình những ước mơ và khát vọng. Cho đến tận ngày nay, khi gia đình tôi đã không phải quá quan tâm đến những vấn đề tài chính nữa, thì những đứa con của tôi vẫn phải làm việc để có được thứ chúng muốn, thứ chúng đam mê, thậm chí tôi vui khi thấy chúng chú tâm vào việc tìm cách nâng cao thu nhập mỗi năm”.
Không chỉ có John Bogle cố gắng dạy cho con mình hiểu ý nghĩa của từ “đủ” trong cuộc sống, những tỉ phú khác, dù để lại cho con cái phần lớn hay phần nhỏ gia tài của mình, cũng luôn cố gắng làm điều tương tự, dạy cho con cái hiểu giá trị của sự đủ, của điều thực sự khiến chúng hạnh phúc.
Bill Gates, người giàu nhất thế giới, từng tiết lộ với đài truyền hình ABC, rằng các con của ông, ngay từ khi còn nhỏ, đều có tài khoản riêng. Tuy nhiên, không phải chúng muốn mua gì cũng được, mà phải chờ đến những dịp như Giáng sinh hay sinh nhật, hoặc đợi đến khi có đủ tiền, thì mới được mua. “Tôi nghĩ đứa trẻ nên lớn lên với nhận thức rõ ràng rằng mình phải tự tạo ra con đường của chính mình, tự chọn lấy công việc mình sẽ theo đuổi”.
Còn Warren Buffett cũng luôn khuyến khích các con chọn đường đi cho riêng mình, thất bại hay thành công theo cách riêng của chúng. Ông không hề sắp đặt tương lai và đường đi cho các con. Câu lạc bộ tỉ phú được ông lập ra, không phải để ông dạy cho lũ trẻ cân bằng tài chính hay cách đầu tư, mà thực chất ở đó chỉ cung cấp cho trẻ những thủ thuật vui giúp chúng hiểu về kinh doanh và phát triển các thói quen tốt từ khi còn nhỏ. Chính vì vậy, mà con trai ông – Peter Buffett – đã trở thành một nhạc sĩ, là người soạn nhạc cho bộ phim Khiêu vũ với bầy sói, thay vì trở thành một nhà đầu tư cổ phiếu lừng danh như cha mình.
- Tuấn Thành
Xem thêm:
Vẫn còn nhiều điều tốt đẹp bên cạnh sự giàu có