Tuy nhiên, Uông Triều có cách tư duy và xử lý những câu chuyện lịch sử theo một cách riêng, thổi vào nó một màu sắc mới khiến câu chuyện trở nên gần gũi, sống động và có sức hấp dẫn. Đó là những Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân, Kiếm sắc và hoa đào, Bạch Đằng hải khẩu, Nàng Điểm Bích, Người con gái Yên Tử, Nước mắt sông Cầm… Lịch sử như những lớp trầm tích ngàn năm chưa bao giờ mất đi, nhưng mượn chuyện xưa tích cũ để nói chuyện nay lại là một việc khó. Bởi tâm ý của tiền nhân, những bậc quân vương, tướng lĩnh như Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Vương, Lê Chân… lẫn kẻ phàm phu đều nhuốm màu sương khói, thực hư qua thăng trầm, biến đổi của thời gian. Làm một cuộc đối thoại với lịch sử bằng văn chương là một sự cố gắng của người trẻ như Uông Triều rất đáng để trân trọng và khích lệ. Nhà văn chỉ kể lại chân thực, khách quan bằng giọng văn sáng, câu văn ngắn. Phần suy gẫm khi đóng sách lại là của độc giả, bởi lịch sử luôn là những bài học quý giá.
Từng gắn bó với vùng đất miền Đông Bắc nên tác giả dành nhiều tình cảm cho nơi này. Từ Hạ Long, Bạch Đằng, Yên Tử… đều là các bối cảnh trong truyện. Có khi lấy chất liệu dân gian, truyền thuyết để nhắc lại tích xưa như Huyền thoại Hạ Long, Người con gái Yên Tử, Lời nguyền mỹ nhân, hay hiện thực mang chất truyền kỳ như Đêm rừng xanh, tác giả cho thấy sự đa dạng trong cách thể hiện những câu chuyện không mới vẫn có sức lôi cuốn người đọc bước vào thế giới riêng của anh. Tình sử bến Bạch Đằng là câu chuyện tình lãng mạn của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Truyện mà như không có cốt truyện. Nhưng lạ nhất là Đôi mắt Đông Hoàng – truyện kể về chiến tranh ở Việt Nam thời Nhật chiếm đóng qua lời kể của cô cháu gái về ông của mình từng là binh sĩ tham chiến ở Việt Nam. Truyện có xuất xứ đặc biệt, khi nhà văn tham dự Tàu thanh niên Đông Nam Á cùng với Emi Morita và được cô kể lại. Một người sinh ra trong thời bình, chưa từng trải nghiệm sinh tử và có ký ức về chiến tranh, nhưng tác giả đã dựng lại một bầu không chí chiến tranh như những thước phim điện ảnh. Đặc quánh mùi chiến tranh và thuốc súng. Gươm đao không hiểu tiếng người. Lạnh. U buồn. Im lặng trong chết chóc bởi trong chiến tranh, con người chỉ là một thứ công cụ. Chiến tranh, không có gì đáng nói, ngoài kết thúc của nó và những vết thương sâu.
Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa Phương Nam phối hợp phát hành.
T.A