Có lẽ là cả hai lý do trên nên khi du lịch đến một vùng miền nào đó, cả người Việt lẫn người nước ngoài đều thích ghé vào chợ để ngắm nghía, để mua đặc sản hay để tìm những nét độc đáo, khác biệt của ngôi chợ. Hai tác giả Lương Minh và Nguyễn Các Ngọc cũng vậy. Cả hai đều không ngại lặn lội đến hơn 60 chợ, 10 phố ở TP. Hồ Chí Minh và hơn 40 chợ ở các tỉnh, thành khác, cả những chợ bên giới xa xôi hay chợ mùa nước lũ, để ghi lại những câu chuyện thú vị trong tác phẩm “Chợ tỉnh – Chợ quê”. Hơn 400 trang sách mang đến cho người đọc nhiều bất ngờ thú vị, chẳng hạn như phụ nữ ở Thủ Đức, Bà Điểm vẫn đi chợ bằng xe ngựa, Sài Gòn có chợ họp thâu đêm suốt sáng, có chợ chỉ họp nửa buổi sáng, có chợ chỉ đông đảo về đêm, tiểu thương ở mỗi chợ có những hoạt động hình thành “nét văn hóa chợ”. Ở miền Đông Nam bộ, chợ Dĩ An (Bình Dương), chợ Hóa An (Biên Hòa) gắn với đời sống của công nhân, chợ Trảng Bàng, chợ Long Hoa không thiếu những đặc sản riêng có của Tây Ninh như bánh tráng phơi sương, muối tôm. Miền Tây là vùng nông nghiệp, những chợ chanh Lương Quới, chợ Chợ Lách, chợ sầu riêng Ngũ Hiệp, chợ vú sữa Vĩnh Kim… đều là chợ trái cây, nhưng cách buôn bán có những nét riêng; người mua bán hàng rau củ quả, gạo ở miền Tây ngày xưa vận chuyển dựa vào đường sông, giờ những khu chuyên gạo ở Bà Đắc hay chuyên rau ở Châu Thành (Tiền Giang) tạo không khí tấp nập trên quốc lộ 1A. Miền Tây có sông, chợ nổi trên sông là nét đặc trưng thu hút khách du lịch; lại cũng có biển, nên chợ vùng biển giải quyết được khâu tiêu thụ hải sản cho ngư dân. Tác phẩm không chỉ là chút ký ức về chợ quê, chợ tỉnh mà còn có nhiều thông tin để tham khảo và giữ làm tư liệu. “Chợ tỉnh – Chợ quê” do NXB Hội Nhà văn xuất bản, bán trong hệ thống nhà sách Fahasa, giá 95.000 đồng/cuốn.
T.N