Trong bốn tháng đầu năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 4,3 triệu lượt, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục dẫn đầu về số lượng lẫn tốc độ tăng trưởng. Ngành du lịch ước tính năm 2017 này, Việt Nam có thể sẽ đón khoảng 4 triệu khách từ Trung Quốc, tăng hơn 1,3 triệu lượt so với năm ngoái, chiếm khoảng một phần ba tổng số lượng khách quốc tế.
Hiện tại, những điểm đến có biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đang dẫn đầu về lượng khách Trung Quốc. Đây có thể coi là tin vui sau khoảng thời gian du lịch biển Việt Nam trầm lắng do sự cố môi trường. Tuy nhiên, việc bùng nổ về lượng khách cũng sẽ đi cùng một lượng khách đáng kể đi theo tour giá rẻ, khiến cho chính quyền địa phương, các nhà quản lý, doanh nghiệp lo ngại về nguồn thuế thất thu. Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng cơ quan này đang hợp tác với Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa để xử lý những doanh nghiệp làm tour kém chất lượng, tour bán giá thấp nhưng ép khách mua sắm với giá cao.
Nhận xét về tour giá rẻ, Phó tổng cục trưởng Cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết: “Khách du lịch khi vào Việt Nam bên cạnh nhu cầu mua sắm vẫn phải sử dụng các dịch vụ thiết yếu như lưu trú, ăn uống, vận chuyển, mua vé tham quan, chi trả phí visa…
Tour giá rẻ cũng góp phần giảm yếu tố mùa vụ cho du lịch Việt Nam, tăng cơ hội việc làm cũng như thu nhập cho người dân địa phương tại khu vực điểm đến”. Có thể thấy rõ, vào mùa thấp điểm những tour giá rẻ góp phần bổ sung khách, đảm bảo duy trì ổn định các đường bay, duy trì hiệu suất khai thác của chuỗi các dịch vụ tại điểm đến, giảm bớt khoảng cách khác biệt giữa mùa cao và thấp điểm trong ngành du lịch.
Theo ông Minh Nhân – Vụ Thị trường du lịch, tour giá rẻ là hệ quả tất yếu từ quy luật cung cầu của thị trường. Thái độ ứng xử của người dân hay các biện pháp quản lý của địa phương phải xoay quanh việc lấy lợi ích chính đáng của du khách làm trung tâm. Ông Minh Nhân đưa ra một số giải pháp để tránh thất thu từ các tour giá rẻ: Thứ nhất, phải quản lý tốt các công ty lữ hành, nghiêm cấm hành vi “mua đoàn” hoặc bán lại đầu khách cho hướng dẫn viên, nếu bị phát hiện sẽ tước giấy phép hành nghề hướng dẫn và giấy phép lữ hành quốc tế.
Thứ hai, cần quản lý tốt các điểm mua sắm vì đây là nguồn thu ngoại tệ rất lớn, có tác dụng phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại chỗ. Các điểm mua sắm cần được gắn biển đạt chuẩn, đảm bảo khách không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Hằng năm sẽ tiến hành xếp hạng, đánh giá các cơ sở mua sắm này thông qua đánh giá và khiếu nại của khách.
Thực tế cho thấy, trong khi chúng ta khó lòng khiến khách từ các thị trường khác rút hầu bao mua sắm thì khách du lịch Trung Quốc lại khá dễ tính với những gì có gắn mác Made in Vietnam. Thứ ba, thành lập đội phản ứng nhanh với số điện thoại đường dây nóng cho các ngôn ngữ Trung, Hàn, Anh, Nhật, Nga; số điện thoại đường dây nóng nên công khai ở khắp nơi từ khách sạn, sân bay, khu tuyến điểm du lịch, xe vận chuyển nhằm đảm bảo khách dễ dàng phản ánh, khiếu kiện.
Bên cạnh tránh thất thu, việc giữ gìn hình ảnh các điểm tham quan trước hành vi kém văn hóa của một bộ phận khách Trung Quốc cũng cần được quan tâm. Nhiều di tích đền chùa, nhà thờ trong nước đã bị giảm sự tôn nghiêm bởi cách ăn mặc, ứng xử chưa đúng mực từ du khách. Các bộ quy tắc ứng xử dành cho du khách là hết sức cần thiết và việc xử phạt những ai vi phạm cần phải được thực hiện nghiêm túc.