Nhiều công ty mới phải đi vào ngõ cụt chỉ vì va chạm giữa những người đồng sáng lập. Sau một thời gian hợp tác, quan hệ của họ trở nên rất xấu và gần như không thể làm việc cùng nhau nữa.
Trong thực tế, nhiều người không biết tôn trọng và đánh giá đúng giá trị của người đồng sáng lập. Họ làm cho người hợp tác thấy khó chịu, không thoải mái trong mọi chuyện. Điều này sẽ làm cho mối quan hệ trở nên tồi tệ và sau cùng dẫn đến đổ vỡ.
Ai đó đã đúng khi cho rằng việc duy trì quan hệ hợp tác trong kinh doanh và quan hệ hôn nhân thật ra không khác nhau lắm. Cả hai đều cần sự cam kết rất cao và cần kiểm soát cho được cái tôi của người trong cuộc. Vì thế, nên thận trọng khi chọn người đồng sáng lập và học cách làm chủ cái tôi nếu như muốn giữ cho “cuộc hôn nhân” được tốt đẹp, thành công.
Kỳ vọng quá mức sẽ gây tổn thương
Hầu hết những ai rất thiết tha với “startup” của họ sẽ thấy tự hào khi “làm quá” mọi chuyện – làm quá giờ, quá cam kết với khách hàng, tưởng tượng thái quá, v.v… Hệ quả là họ cũng quá mong đợi, quá kỳ vọng vào những người đồng sáng lập. Đó là lúc vấn đề thực sự bắt đầu.
“Tôi làm việc 16 tiếng mỗi ngày, vậy sao cậu ấy lại không thể làm như vậy? Tôi phải bỏ bê gia đình để ưu tiên cho công việc, còn anh ta thì cứ về sớm để chăm lo cho gia đình?”. Nếu bạn bắt đầu có những ý nghĩ như thế về người đồng sáng lập thì nên dẹp bỏ ngay kiểu suy nghĩ đó, nếu không, việc hợp tác sẽ không thể tồn tại lâu dài.
Cần tôn trọng người hợp tác
Nếu bạn không tôn trọng những người đồng sáng lập và quan điểm của họ, có lẽ bạn không bao giờ xây dựng được một đội ngũ giỏi. “Khác biệt về quan điểm” và “phớt lờ quan điểm của ai đó” bằng cách không tôn trọng họ là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Ai cũng có lúc này lúc khác, có những lúc mọi người cần được ở một mình để phục hồi sau giai đoạn khó khăn. Bạn cần tôn trọng sự độc lập và những ưu tiên trong cuộc sống của họ, cũng tương tự như tôn trọng quyền riêng tư của bản thân mình.
Minh bạch sẽ mang lại niềm tin, sự gắn kết
Rõ ràng, minh bạch với những người đồng sáng lập là chuyện tuyệt đối quan trọng vì nó tạo dựng sự gắn kết, thống nhất, niềm tin và một thái độ tích cực. Trách nhiệm của bạn là cho mọi người nhìn thấy một bức tranh rõ ràng, nhất là khi mọi thứ không được suôn sẻ.
Nên nhớ rằng bạn không thể che giấu quá lâu một bí mật nào đó, và sẽ rất phiền toái nếu như bí mật đó lại bất ngờ lộ ra hoặc bị ai đó tiết lộ. Khi minh bạch, chúng ta cũng sẽ vượt qua được nỗi sợ và cảm giác tội lỗi luôn dằn vặt và làm ta mệt mỏi.
Dừng ngay trò trách cứ
Đổ lỗi, trách cứ là một trong những “trò” mà những người đồng sáng lập hay dùng tới. Khi mọi thứ không được thuận lợi, chuyện trách người khác thì dễ nhưng rất khó để trách chính mình. Vấn đề này rõ ràng là phát xuất từ cái tôi và đây cũng thường là “hồi chuông báo tử” cho các mối quan hệ hợp tác.
Trong những tình huống như thế, tự kiềm chế là điều tốt nhất mà bạn có thể làm: giữ bình tĩnh, phân tích mọi việc và nhìn ra nguyên nhân gốc rễ của rắc rối. Thậm chí nếu người đồng sáng lập phải chịu trách nhiệm cho một tổn thất nào đó thì bạn cũng phải kiềm chế để không làm tổn thương họ vì quá giận dữ. Cần nên học cách thể hiện thông điệp một cách tích cực và lịch sự.
Nên tự mình giải quyết vấn đề
Chúng ta từng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng cãi nhau về những chuyện nhỏ nhặt, nhưng lại làm cho mọi thứ tồi tệ hơn khi kéo bạn bè và người thân vào cuộc. Mâu thuẫn nhỏ trở thành cuộc chiến lớn và sau cùng quan hệ không thể hàn gắn được nữa. Tương tự, những người đồng sáng lập cũng dễ đi tới chỗ phá hỏng mọi thứ nếu để cho bạn bè và thành viên gia đình cùng “tham chiến” vào những lúc mà họ nghĩ rằng “không còn chuyện gì để nói với nhau nữa”. Vì thế, nên tự giải quyết mâu thuẫn và tránh đưa người ngoài vào cuộc. Và cũng nên tránh đừng cãi vã, to tiếng với nhau trước mặt nhân viên vì sẽ để lại cho họ ấn tượng rất xấu.
Bạn có thể là một anh hùng hoặc bà đầm thép cả trong cuộc sống và trên thương trường. Bạn có năng lực đặc biệt, gần như có thể giải quyết mọi vấn đề và mọi người ngưỡng mộ bạn vì điều đó. Nhưng, tất cả những điều đó vẫn chưa thể làm bạn trở thành một người đồng sáng lập tốt cho tới khi bạn bắt đầu biết tôn trọng, ngưỡng mộ những người đồng sáng lập vì một sáng kiến nhỏ hay nỗ lực của họ. Cần học cách tha thứ cho những lỗi lầm của họ, cho qua và tiếp tục tiến lên. Mọi quan hệ tuyệt vời trong cuộc sống đều có một điểm chung – tôn trọng người khác.
– Theo Your Story