Thời gian qua, với sự ra đời của nhiều tổ chức tư vấn du học, ngày càng có nhiều lựa chọn cho các gia đình đang lên kế hoạch cho con du học tại Mỹ.
Tuy nhiên, số lượng du học sinh Việt Nam sang Mỹ dù tăng nhanh qua các năm nhưng số học sinh, sinh viên vào được các trường trung học và đại học thuộc top đầu vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn, số vào được 50 đại học hàng đầu nước Mỹ càng ít ỏi.
Trước đây du học sinh ở Mỹ về dù là tốt nghiệp trường nào thì cả cơ hội nghề nghiệp lẫn mức lương cũng vượt trội so với nhân sự trong nước.
Hiện nay, các nhà tuyển dụng đã khó tính hơn rất nhiều, nếu không tốt nghiệp tại trường đại học có tiếng tăm thì du học sinh cũng không được xem là có ưu thế rõ ràng.
Chưa kể, việc học ngành nào, lĩnh vực nào cũng không kém phần quan trọng. Không phải cứ đại học danh tiếng thì tất cả các ngành đào tạo của trường đều có sức cạnh tranh tốt trên thị trường lao động.
Với những học sinh có mục tiêu trở thành công dân toàn cầu, việc vào được đại học có danh tiếng lại càng quan trọng. Mỹ, Canada và nhiều nước phát triển khác đều đang khát nhân lực, tuy nhiên mức độ cạnh tranh việc làm ở những nước này cũng ngày càng gay gắt với lực lượng trí thức, chuyên môn cao đến từ Ấn Độ, Trung Quốc… ngày càng nhiều.
Ở Mỹ có 4.600 đại học, trong đó có khoảng 2.800 đại học có chương trình học bốn năm trở lên, khoảng trên dưới 300 trường đại học lớn nhỏ đào tạo lực lượng ưu tú và tài năng, phần lớn còn lại là đa dạng theo nhu cầu công việc, nghề nghiệp của nền kinh tế. Hai năm đầu cơ bản các trường đào tạo nền tảng, tư duy, sáng tạo… sau đó mới đi vào chuyên ngành.
- Xem thêm: Đôi điều chưa biết về du học Mỹ
Từ thực tế trên, có thể thấy để con em vào được 300 đại học hàng đầu, phụ huynh nên chọn đơn vị du học biết áp dụng phương pháp khảo sát năng lực tư duy toàn diện, có khả năng cá nhân hóa lộ trình du học và cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng sống và học tập, giúp các em du học thành công.
Theo chia sẻ của ông Trần Đức Cảnh – Chuyên gia Giáo dục Hoa Kỳ – Điều quan trọng nhất khi chuẩn bị cho các em đi du học không chỉ là chuẩn bị bộ hồ sơ nộp, mà việc chọn ngành và chọn trường bao gồm cả việc định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng khiếu, sở thích và tiềm năng phát triển tương lai của học sinh.
Việc chọn trường tùy thuộc vào năng khiếu, khả năng, mong muốn của học sinh, gia đình và điều kiện tài chính.
Theo đó học sinh và gia đình cần phải hiểu rõ mục tiêu du học của bản thân, sau đó mới xây dựng lộ trình, kế hoạch học tập và hướng phát triển nghề nghiệp tương lai. Đây mới chính là yếu tố quyết định cho sự thành công của học sinh, không chỉ trong giai đoạn đầu mà suốt cả cuộc đời.
Điều quan trọng cần lưu ý là các trường hàng đầu của Mỹ nhận học sinh, sinh viên theo quy trình xét tuyển chứ không thi tuyển. Điểm học và điểm thi tuy quan trọng nhưng không phải là tất cả.
Các trường danh tiếng tuyển chọn học sinh thông qua quá trình xét duyệt rất kỹ lưỡng với nhiều tiêu chí cụ thể. Bản thân các em phải có khả năng tiếng Anh tốt, điểm học và điểm thi SAT I và có thể thuộc top đầu, các sinh hoạt ngoại khóa.
Đặc biệt, các bài luận văn chuẩn bị trong hồ sơ phải thể hiện tư duy và phong cách riêng của cá nhân. Những bài luận gây được sự chú ý và nét cá tính thể hiện tốt trong buổi phỏng vấn là chìa khóa thành công.
Để bài luận thể hiện được tư duy cá nhân, học sinh phải biết rõ mình muốn gì và thế mạnh của mình là gì. Tại Việt Nam, hệ thống các trường từ tiểu học đến trung học hầu như không động viên người học thể hiện năng khiếu riêng.
Còn ở Mỹ, từ lúc mới vào lớp 1 học sinh đã được tạo điều kiện để phát triển năng khiếu, sở thích, đam mê; đến lúc tốt nghiệp phổ thông, ước tính khoảng 80% học sinh tại các trường trung học đã xác định rõ mình yêu thích lĩnh vực nào, phù hợp với ngành nghề nào và có lộ trình học tập tiếp theo như thế nào.
Buổi trò chuyện về đề tài HƯỚNG NGHIỆP DU HỌC của chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ: ông Trần Đức Cảnh tại Cà phê Thứ Bảy, 38 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM sẽ diễn ra từ 9g đến 11g30 giờ sáng Chủ nhật ngày 25-8 tới đây.
Đăng ký tham dự, xin liên hệ Ms Thùy: 0938204074
Ông Cảnh đã có 45 năm sống, học tập và làm việc tại Mỹ; có 16 năm kinh qua các chức vụ do Thống đốc bang Massachusetts bổ nhiệm như Giám đốc Đào tạo và Phát triển Nguồn nhân lực, Di trú và An sinh xã hội của bang.
Ông là thành viên của Hội đồng Liên trường Đại học vùng Đông Bắc; có 10 năm là thành viên ban cố vấn tuyển sinh của Đại học Harvard và nhiều năm hỗ trợ cho chương trình học bổng và giáo dục Việt – Mỹ.
Ông Cảnh được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam bổ nhiệm vào Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021.
Bên cạnh những hiểu biết chi tiết về hệ thống các trường đại học Mỹ, các thông tin thiết thực và mới cập nhật nhất về chính sách dành cho du học sinh, ông Trần Đức Cảnh còn có cái nhìn bao quát, thực tế về xu hướng nghề nghiệp toàn cầu trong những thập niên tới.
Tham dự chương trình, các phụ huynh và học sinh có thể thoải mái đặt câu hỏi để nhận được phần trả lời cặn kẽ của chuyên gia.