Việt Nam từng được xếp thứ 124 trên 125 quốc gia được khảo sát về “Chỉ số tử tế quốc gia” (Good Index Country) cách đây chưa lâu. Trong bối cảnh giáo dục hiện tại, với một “thế hệ thiên niên kỷ” (dùng cho những em sinh sau năm 2000) được đánh giá là có xu hướng thích hưởng thụ hơn là cho đi, thì liệu Việt Nam có thay đổi được diện mạo của mình để trở thành một “quốc gia tử tế” hơn không?
Thay đổi từ thế hệ trẻ nhỏ
Chúng ta thường tự hỏi vì sao “bệnh vô cảm” ở con trẻ ngày càng trầm trọng. Những đứa trẻ như bị “robot hóa”, khiến cho não vẫn hoạt động nhưng trái tim lại hoàn toàn băng giá. Không chỉ sống vô cảm, chỉ bo bo nghĩ đến lợi ích của riêng mình, ngại va chạm, sợ phiền toái, giới trẻ còn có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn… Chúng ta thường đổ lỗi là do sự phát triển của kinh tế, sự ra đời liên tục của công nghệ, thiết bị thông minh đã khiến những đứa trẻ từ khi sinh ra đã ít có cơ hội giao tiếp với thiên nhiên, ít giao tiếp với mọi người. Nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là do giáo dục.
Ngày nay, giới trẻ có nhiều cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức hơn các thế hệ đi trước, nhiều trường công và trường tư mở ra để đào tạo những con người có tri thức, có đạo đức, những công dân toàn cầu nhưng lại không cho các em cơ hội quan sát thực tế, nói lên suy nghĩ của mình. Đôi khi, cha mẹ muốn con phải làm việc lớn, nhưng lại quên trau dồi nhân cách cho con trước. Bệnh thành tích lại ngự trị một cách bền vững trong nhà trường, lớp học. Hậu quả, đứa trẻ thường bị dạy học một cách máy móc, tiếp thu một cách thụ động chứ không còn được tôn trọng như một cá thể con người khác biệt. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước đang phát triển.
Không hài lòng với thực tế này, bà Kiran Bir Sethi, một nhà thiết kế cũng là một người mẹ ở Ấn Độ, đã quyết định tự xây dựng trường học cho con mình. Về sau, bà sáng tạo ra phong trào trẻ em lớn nhất thế giới Design for Change – DFC, tạo cơ hội cho trẻ em cùng thực hiện các dự án có ích cho cộng đồng. Theo bà Kiran Bir Sethi, tất cả mọi ý tưởng, sản phẩm muốn thành công đều phải qua các bước được “thiết kế” cẩn thận. Ngay cả việc làm từ thiện cũng phải có phương pháp đúng, chứ không chỉ trao tiền cho người nghèo. Và hơn hết, muốn thay đổi thế giới cần có chiến lược chứ không chỉ có trái tim yêu thương. Đó là lý do ra đời của phong trào DFC. Đến nay, DFC đã có mặt tại 65 quốc gia, tác động đến 2,5 triệu trẻ em ở 48.000 trường học khắp toàn cầu. Phương pháp “Design for thinking” thì được đưa vào chương trình giảng dạy ở nhiều trường hàng đầu thế giới như MIT, Stanford…
Từ phong trào này, trẻ em thế giới đã thực hiện nhiều dự án gây bất ngờ cho chúng ta. Chẳng hạn như dự án “Khu vườn cộng đồng” thực hiện bởi em Geffen (10 tuổi, Israel) cùng bạn bè, khi em nhận thấy trong khu dân cư của mình không có chỗ nào để người lớn tuổi và cộng đồng cùng gặp gỡ, tương tác với nhau. Hay dự án “Nhập cư hay không, bạn vẫn là bạn của tôi!” thực hiện bởi Yoyo Rou (11 tuổi, Đài Loan), khi em nhận thấy những bạn bè nhập cư của mình gặp khó khăn để hòa nhập với văn hóa và nền giáo dục mới.
Quá trình thực hiện dự án giúp các em thực hành tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, trở thành những công dân tự tin, trách nhiệm thông qua “Tư duy kiến tạo” – một phương pháp tư duy gồm bốn bước để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. DFC khiến xã hội nhìn nhận về vai trò trẻ em chủ động hơn: Hãy tin và trao quyền cho trẻ em! Mọi trẻ em đều có thể trở thành hạt giống tích cực góp phần thay đổi cộng đồng!
Đưa DFC về Việt Nam
Năm 2017, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 51 tham gia mạng lưới DFC, được điều hành bởi tổ chức Tomato Education. DFC Việt Nam còn phổ biến giáo án và phương pháp giảng dạy “Tư duy kiến tạo” miễn phí cho các trường học tại Việt Nam, để góp phần xây dựng một trường giáo dục mà trẻ em có cơ hội được tư duy độc lập và tham gia giải quyết vấn đề nhiều hơn.
Từ năm 2017, các em từ 7-14 tuổi đã được lựa chọn để tham gia Câu lạc bộ “Tôi có thể”, được các huấn luyện viên của DFC Việt Nam trực tiếp hướng dẫn phương pháp “Tư duy kiến tạo” và hướng dẫn thực hiện các dự án cộng đồng để giải quyết một vấn đề thực tế nào đó. Câu lạc bộ này cũng giúp trẻ em biết trao niềm tin vào bản thân mình và biết chủ động nhận trách nhiệm giải quyết các vấn đề quanh mình, để trở thành những công dân tự chủ và trách nhiệm hơn trong tương lai.
“Để thực hiện dự án, những em nhỏ phải hoàn thành bước đầu tiên là “cảm nhận” các vấn đề tự nhiên, xã hội. Ngay từ bước này, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn vì các em nhỏ Việt Nam mất gấp ba lần thời gian “cảm nhận” so với bạn bè thế giới. Các em quá thờ ơ với cuộc sống, những phản ứng trước các vấn đề tự nhiên, xã hội vốn rất mạnh mẽ trong con trẻ dường như bị thui chột ít nhiều. Khi được hỏi về ước mơ của mình, đa số các em chỉ muốn học ít hơn hoặc được chơi nhiều hơn?!”, chị Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập Tomato Education và mang phong trào DFC về Việt Nam cho biết. “Bên cạnh đó, phụ huynh muốn con mình tham gia dự án với mong muốn con tự tin và mạnh mẽ hơn là muốn con họ sống tử tế và giúp đỡ nhiều hơn cho cộng đồng”.
Có một câu nói nổi tiếng của nhà cải cách chính trị và tôn giáo Gandhi: “Bạn phải thay đổi theo cách mà bạn muốn thế giới thay đổi” (You must be the change you want to see in the world). Phụ huynh muốn con trẻ trở thành những người tử tế thì cha mẹ cũng phải biết “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Để chữa bệnh vô cảm cho xã hội, cha mẹ cũng cần thay đổi đánh giá giá trị của con người.
Càng ngày, nhân cách của con người càng trở thành một chuẩn mực quan trọng trong đánh giá con người. Tạp chí Times từng đưa một bà bán rau ở Đài Loan đứng ngang hàng với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Barack Obama, ông chủ hãng Apple Steve Jobs, hay “bà hoàng truyền thông” Oprah Winfrey… trong danh sách “100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới” năm 2010. Bà nhận danh hiệu này nhờ một trái tim nhân hậu với tấm lòng hảo tâm lớn lao. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng trong suốt mấy chục năm qua, bà vẫn dành dụm được hơn 10 triệu Đài tệ (tương đương 7,6 tỉ đồng) để dùng vào các hoạt động từ thiện. Hình ảnh tuyệt đẹp của bà cho thấy nhân cách thì hoàn toàn bình đẳng trong xã hội này. Và muốn kiến tạo một xã hội tử tế trong tương lai thì chúng ta không thể không bắt đầu “thiết kế” về nhân cách của trẻ em từ hôm nay.