Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 22 cầu vượt đi bộ nhưng chỉ chưa đến 1/3 được người dân sử dụng thường xuyên, những chiếc cầu còn lại rất vắng bóng người qua lại. Cụ thể như cầu vượt cho người đi bộ trước các Bệnh viện Từ Dũ trên đường Cống Quỳnh, Bệnh viện Ung Bướu đường Nơ Trang Long, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đường Nguyễn Trãi; cầu vượt đi bộ trước chợ Văn Thánh, khu du lịch Suối Tiên ở Thủ Đức, công viên Hoàng Văn Thụ ở quận Phú Nhuận, một số cầu vượt khác trên đường Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng…
Chúng ta ghi nhận việc xây cầu vượt cho người đi bộ là một cố gắng của thành phố nói chung và Sở Giao thông Vận tải nói riêng, nhằm tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn cho người dân khi phải băng ngang qua những con đường đông đúc, đồng thời hạn chế ách tắt giao thông. Thế nhưng thực tế sử dụng không thật sự hiệu quả trong chừng mực là một sự lãng phí đáng kể, bởi chi phí cho một công trình như vậy theo dự toán của ngành chức năng phải từ 4 đến 11 tỉ đồng, trong tình hình ngân sách thành phố eo hẹp phải tập trung nhiều hơn cho các mục tiêu phát triển.
Theo Sở Giao thông Vận tải, hàng loạt cầu vượt đi bộ tại các điểm đông dân cư, các nơi gần trường học, bệnh viện sẽ tiếp tục được xây dựng ở các quận Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp. Nghe nói một chiếc cầu vượt đi bộ trước trường Lê Hồng Phong – quận 5, sắp được lắp dựng với kinh phí 3,8 tỉ đồng, một cầu khác nối hai bên công viên Gia Định có trồng cây xanh, hệ thống chiếu sáng với tổng mức đầu tư hơn 10 tỉ đồng cũng sẽ được đưa vào hoạt động sớm.
Có nhiều lý do khiến cầu vượt cho người đi bộ không phát huy hiệu quả. Trước hết là người dân một phần thiếu ý thức giao thông, một phần chưa quen với tiện nghi này. Nhưng đó chưa phải là tất cả lý do, mà cần xem lại cách thiết kế đã phù hợp với thực tế chưa? Chẳng hạn, những người già, phụ nữ yếu đuối và trẻ con khó có thể dễ dàng trèo lên mấy chục bậc thang cao đến 4-5 mét, rồi lại đi xuống cũng chừng ấy chiều cao để qua đường.
Vậy thì tại sao một cầu thang cuốn nếu không thiết kế được cho tất cả cầu vượt đi bộ thì trước tiên cũng nên lắp đặt ở các cầu vượt gần bệnh viện. Tất nhiên mức đầu tư có tăng lên nhưng cũng vẫn là một nhu cầu cần thiết nhằm phát huy tác dụng của công trình, tránh tình trạng lãng phí.
Hoặc tại sao không nâng cao tính mỹ thuật của phương tiện này – nhất là các cầu vượt gần trường học và công viên – để thu hút người sử dụng, đồng thời là những điểm nhấn làm đẹp thành phố. Hình ảnh những cầu vượt như vậy thường thấy ở các đô thị nước ngoài, nhưng hiếm hoi ở nước ta, phải chăng vì nhiều người vẫn cho rằng đó là một sự xa xỉ.
Thiết nghĩ rất cần rà soát lại kế hoạch lắp đặt cầu vượt tới đây qua việc nghiên cứu ưu điểm của những công trình có hiệu quả, điều chỉnh những khuyết tật các cầu vượt vắng người qua lại, bởi không nhất thiết phải có mô hình giống nhau trong việc lắp đặt các cầu vượt cho người đi bộ.