Có một dòng trạng thái ngắn trên Facebook: “Một năm đã qua, nhìn lại có những ngày rất buồn”, một câu đọc lướt nhanh trên news feed, kéo chuột xuống: bán hàng online, điểm tin trên các báo, khoe đi du lịch, vài món ăn ngon…
Kéo lên lại, người đọc chợt ngẫm nghĩ, ừ một năm đã qua, bao nhiêu buồn, bao nhiêu vui liệu có đong đếm được? Rồi lẩn thẩn nghĩ, chủ nhân dòng trạng thái trên chắc tâm trạng đang không vui? Rồi nghĩ tiếp, biết đâu không phải, chuyện buồn qua rồi, nhìn lại để thấy đã có một năm không suôn sẻ chăng? Cũng biết đâu, chủ nhân dòng trạng thái ấy đang vui, viết một câu gọi là góp mặt với “phây hữu”?
Tình huống nào cũng có thể xảy ra. Một năm qua đi, 12 tháng, 365 ngày, ông trời còn mưa nắng huống chi con người. Buồn vui chỉ là tâm trạng. Có khi vui mà buồn, có khi buồn mà vui thì sao? Có thể đó là một sự lừa dối, buồn vì nhận ra đó là người mình tin tưởng nhất, vui vì “bài tẩy” đã lật, biết để mà tránh, để thấy mình mạnh mẽ hơn.
Một chị kể chuyện, mới hồi đầu năm, ăn tết xong còn những tư tưởng bi quan. Căn nhà hai vợ chồng đang ở ngày càng xuống cấp mà không có tiền sửa, một ngôi nhà ở thành phố cho hai con ăn học thì quá nhỏ và thiếu tiện nghi.
Thế rồi đùng một cái, có người hỏi mua ngôi nhà đang ở với giá tương đối. Chỉ trong vòng một tháng mà giải quyết bán và mua bốn căn nhà, an cư lạc nghiệp. Thêm nữa, con trai vừa học xong đã có ngay việc làm, lương tạm ổn, bao nhiêu cử nhân ra trường còn thất nghiệp xếp hàng dài thì đúng là may mắn.
Bà mẹ nói trên đang tận hưởng những ngày tâm trí rất thong thả sau bao năm lo toan cho con cái. Biết đủ tức là đủ, giải quyết nhà cửa, có dư chút đỉnh, không bằng ai nhưng bao người không được như mình.
Một cô sống độc thân, viết dòng trạng thái trên Facebook cá nhân, tổng kết năm nay đi được năm quốc gia mà toàn mấy nước “xa xa”: Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Na Uy, Phần Lan với năm tấm hình kèm theo, vừa đủ số hình Facebook cho hiện lên trang chủ. Bạn bè có dịp vào bình luận khen, tán dương, ngưỡng mộ. Khối tiền chứ phải chơi đâu, mấy ai dám “cả gan” như cô?
Người Việt Nam có được hai “cái cuối năm” để nhìn lại và suy nghĩ. Cũng là những dòng trạng thái “bâng khuâng chiều ba mươi” nhưng hai tâm trạng khác nhau. Cuối năm Dương lịch, chỉ là những tổng kết về tâm trạng, sai – đúng, thương yêu – hờn giận, buồn – vui… Nhủ lòng, mở tờ lịch mới, tập buông bỏ hơn nữa, tập bao dung, tập có cái nhìn dễ một chút, đừng hẹp hòi với mình cũng như với người; những tờ lịch rồi sẽ xé đi, mỏng dần nhanh lắm, không kịp nói lời yêu thương đâu…
Tuy nhiên, cơm áo gạo tiền, cuối năm Dương lịch chưa có con số biết nói. Hai tháng nữa, cầm trong tay món tiền thưởng tết mới biết năm nay mình đã nỗ lực đến đâu, xứng đáng với công sức bỏ ra, phần nào cho gia đình nhỏ, phần nào cho đấng sinh thành. Chút quà bé mọn đáng gì với công sức cha mẹ nuôi mình từng ấy năm, khóc cười cùng con trên những đoạn trường?
- Xem thêm: Hãy quên đi những gì cần phải quên
Cầu mong gì cho năm mới? Mẫu số chung có lẽ ai cũng mong được khá giả, giàu có. Tuy nhiên, mong ước là một chuyện, còn giàu có không qua được số. Thôi thì mong bình an, có sức khỏe. Đặt ra kế hoạch cho năm mới. Ít chém gió trên mạng hơn, ngủ sớm, cố gắng tập thể dục. Tiêu chí này quá khó, đặt ra bao năm rồi mà có thực hiện được đâu. Hứa với mình để ngày mai, rồi mai, mai nữa.
Mở bài hát Happy New Year, giai điệu quen, tươi vui nhưng lời bài hát lại buồn da diết. Ừ thì con người ta vốn ngu ngốc mà. Biết rõ đấy, bao nhiêu lần ra quyết tâm đấy nhưng hoàn toàn thất bại! Chúc mừng năm mới.
Mong tất cả chúng ta đều có hy vọng, ý chí cố gắng. Nhiêu đó thôi, đủ để dũng cảm xắn tay áo đón chào một năm mới với thuận lợi, khó khăn, thách thức, hưng phấn, trầm cảm, nản lòng, nhiệt huyết hăng say, những ngày vui nhưng không ít những ngày buồn…
Nhìn lại năm cũ, chào năm mới để thấy, mọi thứ rồi sẽ qua, chỉ cần hy vọng và quyết tâm.