Bằng cách nào để vượt qua một thời thơ ấu đầy trắc trở và một chẩn đoán bệnh ung thư? Với Jim Willett, đó là nhờ cách suy nghĩ tích cực.
Nhìn bề ngoài Jim Willett chẳng có vẻ gì là một chiến binh: vóc dáng nhỏ bé, gù và bụng hơi phệ. Trong thế giới những cuộc đua trong điều kiện thái quá, Jim là một nhân vật đáng nể. Ninja 41 tuổi ấy giải thích: “Có nhiều người chạy nhanh hơn tôi, lâu hơn tôi, nhưng những yếu tố đó không làm tôi quan tâm. Tôi chạy vì tôi thích phát hiện những điều làm được trong khả năng, thể chất và tinh thần. Kế đó, tôi muốn chia sẻ những điều tôi khám phá và những thứ làm tôi dễ tổn thương”.
Người đàn ông 41 tuổi ấy sống ở Bắc Toronto (Canada), là người có trái tim dịu dàng, lãnh đạo phong trào gieo rắc tư tưởng lạc quan, được sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông xã hội. “Bạn có thể đạt được điều bạn muốn”. Trang của Jim Willett trên Facebook thu thập được hơn 242.000 “like”, nhiều hơn hẳn những nhân vật nổi tiếng.
Trong cộng đồng các vận động viên điền kinh, Jim nổi tiếng nhờ thành tích chạy trên đường mòn Bruce ở Ontario, phá kỷ lục trước đó khi chạy 890km trong 10 ngày, 13 giờ 57 phút, đồng thời quyên tiền cho Hội Bảo vệ thiên nhiên và công viên Canada.
Người có biệt danh “Ninja lạc quan” này cũng tham dự những cuộc chạy siêu marathon khắc nghiệt, vô vàn thử thách ở Iceland và Canada. Thành công ấy càng ấn tượng hơn khi biết được nỗi sợ hãi và phân vân đè nặng lên anh mà anh chia sẻ với cư dân mạng; bên cạnh đó cũng cần nhắc Jim được điều trị ung thư kết tràng cách đó năm năm.
Siêu marathon thường được hiểu là một cuộc chạy đường trường trên 50km, hàm chứa nhiều nguy hiểm. Nguy cơ đến từ thể trạng suy sụp do thời tiết xấu, chướng ngại trên đường. Bên cạnh đó, sự quân bình về tâm thần cũng có tầm quan trọng ngang với thể lực. Jim chia sẻ trên Facebook: “Mạnh mẽ không có nghĩa không bao giờ thất bại”.
Jim Willett không phải là người lúc nào cũng lạc quan. Jim đã trải qua một thời thơ ấu khốn khổ. Khi Jim lên 6, cha cậu bé bị tổn thương não gây mất trí nhớ, lẫn lộn và mất kiểm soát xung động. Chị của Jim sinh con đầu lòng lúc mới 16 tuổi. Rồi cha mẹ Jim ly hôn khi cậu học trung học. Dù trách cứ mẹ, Jim không thể đặt niềm tin vào cha mà cậu xem là “kẻ lang thang”, luôn gặp rắc rối với pháp luật.
Cuộc sống của một Jim trưởng thành cũng không dễ dàng hơn thời thơ ấu. Vào năm 2010, anh được chẩn đoán bị bệnh ung thư kết tràng. Bệnh khởi sự từ ruột rồi lan đến hệ bạch huyết. Để chống chọi với căn bệnh đáng sợ, Jim bắt đầu chạy. Anh tâm sự: “Tôi tìm một việc để trám thời gian, mà không gò bó. Thế là tôi mang giày và ra ngoài, giúp tôi cảm thấy tự do”.
Vào thời khối u được phát hiện, Jim tập chạy marathon dài 21km. Cuối đợt hóa trị liệu, anh đăng ký chạy siêu marathon trong vòng bảy ngày, vượt qua 250km trong sa mạc Gobi, ở Trung Á, một trong những nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới.
Sau thử thách để đời ấy, anh thừa nhận: “Xét về thể lực, tôi cảm thấy đã dấn mình vào cuộc phiêu lưu này quá sớm”. Nhiệt độ trong sa mạc Gobi có thể lên đến 50 độ C. Jim biết anh có đủ quyết tâm để về đến đích, nhưng mọi sự thay đổi vào ngày anh gặp một phụ nữ nằm mệt lả trên đất, trong căn lều y tế dựng ở Tây Bắc Trung Quốc. Anh rảy nước trong chai mang theo lên người bà, cảm nhận sự cảm thông trong thinh lặng.
Jim kể: “Chính trong khoảnh khắc ấy, tôi hiểu rằng tôi có thể đạt một chiến thắng ý nghĩa hơn bằng cách nghĩ cho bản thân ít hơn và khích lệ người khác cùng hoàn tất hành trình”.
Vào năm 2012, 18 tháng sau khi Jim không hối tiếc đã dấn mình vào cuộc đua đòi hỏi sức chịu đựng này, đến lượt mẹ của anh được chẩn đoán ung thư vú. Viết lại những gì đã trải qua giúp anh vượt qua thử thách mới này. “Tôi viết blog của tôi như một nhật ký – diễn đạt cảm xúc cũng là một cách trị liệu. Viết giúp tôi nhìn xa hơn: không ai thật sự an toàn trước tai họa. Chính vì vậy, cần phải tận dụng quỹ thời gian ta có”.
Holly Knowlton, mẹ anh, 62 tuổi, hồi phục từ tháng 1-2013. Cách hành xử đúng đắn của con trai giúp bà vững lòng hơn. Bà kể: “Khi biết bị mắc bệnh, con tôi không muốn để người khác biết, nó muốn giữ kín tình trạng bệnh. Rồi Jim hiểu rằng bệnh có thể được khuất phục và con tôi dùng kinh nghiệm của bản thân để giúp đỡ những người khác. Jim luôn ở bên tôi trong suốt thời kỳ hóa liệu pháp và đó là đề tài chuyện trò giữa hai mẹ con tôi. Một đề tài đáng sợ, nhưng phải nghĩ một cách tích cực. Không dễ chút nào, nhưng Jim là người táo bạo và biết truyền cảm xúc”.
Sau khi mẹ hồi phục, Jim phụ trách một câu lạc bộ chạy do Công ty Mountain Equipment Co-op đề xướng. Danh hiệu Ninja được nhiều người biết nhờ bản tính khiêm nhường, kín đáo mà mạnh mẽ của anh. Patrick Voo, 44 tuổi, chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật, từng là mục sư, cùng chạy với Jim từ năm 2013.
Năm 2016, Patrick đăng ký đường chạy 56km, với sự đồng hành của Jim. Một quyết định vô cùng đúng đắn: Patrick bị bong gân trên đường kèm tăng huyết áp rất cao, hai yếu tố không gây bất ngờ khi thử sức với siêu marathon. Jim hiểu người bạn đồng hành có thể bình tĩnh trở lại nhờ uống chút nước và nghỉ ngơi. Nhờ sự khích lệ của Jim và cả của các bác sĩ tại chỗ, Patrick cũng về đến đích.
Jim có khả năng nâng đỡ tinh thần của người khác và gợi sự chú ý của đám đông, hai tính chất này nơi anh hiện được nhiều công ty quan tâm. “Ninja lạc quan” ấy hiện là đại sứ của Mountain Equipment Co-op, mà anh hợp tác giám sát những thử thách trên đường chạy; anh cũng là đại sứ của Brooks, nhà chế tạo giày thi đấu. Jim không nhận lương. Thù lao được trả dưới dạng cung cấp trang thiết bị và trong trường hợp Công ty Mountain Equipment là ngân sách du hành.
Có thể bảo rằng những công ty trên hưởng lợi không kém Jim Willett, nếu không nói là nhiều hơn. David Cavasin, chuyên viên phối hợp marketing với Brooks, nói: “Cách hành xử của Jim thật ấn tượng và cách anh ấy khích lệ người khác sống một cách trọn vẹn thì không ai sánh bằng. Jim không dễ ngã lòng trong cuộc chiến chống ung thư. Phẩm chất ấy đã giúp anh quyết định số phận của bản thân”.
Vào một buổi chiều lộng gió giữa tháng 12, Jim Willett được mời ngỏ lời trước một nhóm người chuẩn bị chạy dọc bờ hồ Ontario, năm tháng trước khi họ dự cuộc marathon đầu tiên. Các thành viên xem ra bị khớp: cuộc chạy có thể kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ, nếu mọi sự diễn ra như dự định. Trông Jim không có vẻ gì là một nhân vật sáng chói. Anh nhẹ nhàng giải thích với những người “tập sự” rằng những gì xảy đến không mấy quan trọng, họ phải tận dụng cơ hội để làm một điều gì thoát khỏi sự bình thường.
“Ra khỏi lối mòn luôn là một trải nghiệm có thể làm thay đổi cuộc sống của bạn. Mọi sự dường như không thể cho đến khi bạn xắn tay vào. Nhưng bạn đã được huấn luyện chu đáo trước đó – bạn khám phá những hạn chế của bản thân ngay lát nữa đây. Riêng tôi, tôi phải khuất phục căn bệnh ung thư để tìm ra thế mạnh của mình”.
Vào năm 2011, ít lâu trước khi kết thúc hành trình trong sa mạc Gobi, Jim Willett dừng lại một lát để chôn ống thông (dùng trong hóa liệu pháp) trong cát nóng bỏng của sa mạc. Anh biết rằng bệnh ung thư có thể tái phát, rằng anh có thể còn cần những ống nhựa nhỏ ấy để tiêm thuốc vào tĩnh mạch. Nhưng vào lúc ấy, anh quyết định đây chính là lúc để chôn vùi quá khứ.
Tuy vậy, quá khứ tiếp tục truyền cảm hứng cho mọi việc trong đời anh. Từ những khởi đầu khó khăn cho đến khi biết mình mắc bệnh ung thư, rồi đến bệnh ung thư của mẹ, Jim hiện nay là một “thành quả” từ những trải nghiệm trên.
Khi chạy, anh tìm ra những phẩm chất mới của bản thân, giúp anh có thể quên những gì nặng nề, ám ảnh. Khi viết, anh tìm ra một phương cách tự học và truyền đạt cho người khác, những điều mà không ai dạy anh: chính bạn phải quyết định bạn phải hành động ra sao vào mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống của bạn. Và ở mỗi mặt trái, có điều để học và rút ra bài học. Người ta phải chấp nhận cuộc sống, một cách toàn bộ và cả những thất bại.
Một thành viên trong cuộc chạy quanh hồ lạnh giá vào cuối tháng năm ấy nhận xét: “Anh ấy chạy nhanh hơn tôi, nhưng anh ấy quay lại về phía tôi để khích lệ tôi. Anh ấy xem ra hạnh phúc vì có cơ hội để chạy”. Jim Willett không muốn mọi người nhìn mình như một người toàn năng. Sức mạnh thật sự của anh chính là một ninja lạc quan.