Các chuyên gia kinh tế vẫn luôn đề cập một câu chuyện khá cũ, đó là nước ta cần phải đẩy nhanh tiến độ cải cách thể chế, càng sớm càng tốt. Một thời gian quá dài, câu nói “phù hợp với đặc thù riêng của Việt Nam” đã bị lạm dụng, khi người ta cần để lý giải cho bất cứ sự khác biệt nào đó “không giống ai” của nước ta, dù chúng ta luôn muốn được công nhận là nền kinh tế thị trường và đã tham gia nhiều hiệp định thương mại đa phương.
Nhiều người từng kỳ vọng rằng việc tham gia TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) sẽ giúp nước ta gỡ được “nút thắt” quan trọng ấy, bởi khi hiệp định này có hiệu lực, cơ chế giám sát ngặt nghèo của TPP buộc chúng ta phải tích cực cải thiện thể chế để đáp ứng các tiêu chuẩn trong TPP. Cơ hội “buộc phải thay đổi ngay” đã không còn, kể từ khi ông Donald Trump ký sắc lệnh rút nước Mỹ khỏi TPP. Trong tương lai, dù hiệp định này có tiếp tục, có lẽ “áp lực thay đổi” cũng không còn như trước. Nhiều người lo ngại rằng lối tư duy thiếu tích cực sẽ nương theo đó để kéo dài chuỗi ngày trì trệ. Tuy nhiên, thế giới vẫn từng ngày biến chuyển theo chiều hướng đi lên, nên cải cách thể chế phải luôn là nhiệm vụ quan trọng với nước ta.
Những động thái tương đối quyết liệt gần đây của Chính phủ cho thấy đã có sự biến chuyển đáng kể trong tư duy điều hành của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất đối với việc cải cách thể chế. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa qua đã yêu cầu từng thành viên Chính phủ thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật không còn phù hợp, kiên quyết không để thể chế, chính sách gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế – xã hội. Có nhiều nét rất mới trong tư duy điều hành này. Chẳng hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai trong quý III năm 2017, nhằm tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Chính phủ đang hết sức quyết liệt trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời phải có cơ chế để sao cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp không chỉ đến được với chính quyền các cấp mà còn phải được trao đi, đổi lại trong quá trình ban hành, triển khai chủ trương, chính sách. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, diễn ra vào thượng tuần tháng 3.
Theo ông Vũ Đức Đam, dù trong cuộc khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành năm 2016 cho thấy có tới 84% doanh nghiệp đánh giá tích cực đối với các thủ tục trong thành lập doanh nghiệp, 75% hài lòng với những cải cách về thủ tục thuế, thì trong đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), tiêu chí khởi sự kinh doanh ở nước ta chỉ xếp hạng 121, thuế hạng 167. Để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng bền vững ở tốc độ 8 – 9% trong 15 năm tới nhằm đưa đất nước ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, một trong những điều kiện tiên quyết là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
- Tam Dương