Diễn đàn APEC năm nay, có một chủ đề được quan tâm đặc biệt đó là “Cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” và bài phát biểu được doanh nhân nước chủ nhà tâm đắc nhất là của ông Philipp Rosler, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WFF). Chẳng phải ông là một chính khách Đức từng giữ chức Phó thủ tướng phụ trách Kinh tế nước này hay vì ông là một người gốc Việt được sinh ra tại Gò Công, mà chính suy nghĩ của ông rất sâu sát với tình hình thực tế làm ăn ở nước ta. Trong bài phát biểu đầy lôi cuốn, ông nhấn mạnh rằng tài sản lớn nhất của Việt Nam cho đến nay không phải là dầu khí, cơ sở hạ tầng mà chính là con người, đặc biệt là giới trẻ. Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với dân số trẻ và mong muốn công tác đào tạo nhân lực tốt sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của chúng ta. Theo ông, Việt Nam có một tài sản quan trọng, đó là thanh niên, chính nhân tố này sẽ thu hút đầu tư nước ngoài, do đó cần có sự phối hợp khu vực công và tư vì lợi ích của lớp trẻ. Và đào tạo nghề chính là hình mẫu thể hiện rõ ràng tính hiệu quả của mô hình đối tác công tư.
Phát biểu của ông làm chúng ta nhớ lại trong lần sang Việt Nam ba năm trước đây, ông khẳng định một cách xuyên suốt rằng “Cách chúng ta trao cơ hội cho thế hệ trẻ tiếp theo như thế nào là rất quan trọng như việc cho phép họ tự do sáng tạo”.
Trong một bài trả lời báo chí vào thời điểm ấy, người điều hành WFF chia sẻ, điều Việt Nam cần làm để nâng cao năng lực cạnh tranh trong tương lai là cải thiện hệ thống giáo dục và đầu tư mạnh hơn nữa vào công nghệ thông tin cũng như cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường ASEAN thống nhất, lẫn tiến trình hội nhập ngày càng tăng nhanh qua các hiệp định thương mại đa phương và song phương.
Sẽ rất bổ ích khi chúng ta quan tâm đặc biệt những khuyến cáo của chính khách am hiểu về quá trình phát triển bền vững của nước Đức, theo đó ngoài lợi thế về dân số trẻ, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa vào giáo dục, cần có sự liên kết giữa các cấp đào tạo để đảm bảo một nguồn lao động dồi dào với chất lượng cao để có thể lớn mạnh hơn trong tương lai. Hiểu một cách đơn giản lợi thế lớn nhất của chúng ta là giá nhân công, cụ thể là làm sao có một lực lượng lao động trẻ với năng suất cao. Quá khứ đã khẳng định điều này và tương lai cần phải làm hơn như vậy, nhất là trong điều kiện tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ đang lên cao. Làm thế nào để trao cơ hội cho thế hệ tiếp theo nếu chúng ta không đầu tư vào công nghệ, thúc đẩy sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, nơi lớp người trẻ là chủ thể.
- Ngọc Anh