Không lâu sau cái chết của một ông trùm trong lĩnh vực đấu giá tác phẩm mỹ thuật toàn thế giới, người từng phải ngồi tù trong một scandal móc ngoặc dàn xếp giá cả, bộ sưu tập khổng lồ của ông ta sắp được đưa lên sàn đấu giá vào mùa thu này ở New York.
Đó chính là bộ sưu tập của ông Adolph Alfred Taubman, nguyên là chủ nhân của nhà đấu giá Sotheby’s, đã qua đời đầu năm nay ở tuổi 91 sau một cơn đau tim. Đó được đánh giá là bộ sưu tập cá nhân có giá trị nhất từ trước tới nay được đưa ra đấu giá, được ước tính sẽ thu về hơn 500 triệu USD. Phải cần tới bốn buổi đấu giá liên tiếp mới có thể bán hết hơn 500 hiện vật các loại – từ cổ vật cho tới tác phẩm mỹ thuật đương đại – trong bộ sưu tập này. Ông Taubman bắt đầu sưu tầm tác phẩm nghệ thuật vào thập niên 1950 và gần như bán đi rất ít những gì thu thập được. Theo Robert Mnuchin, chủ gallery ở New York thì ông Taubman mua tranh chỉ để treo trong ngôi nhà của mình. Ông còn tặng tranh cho các bảo tàng, đặc biệt là Bảo tàng mỹ thuật Detroit, nơi có một không gian trưng bày mang tên ông.
Người hồi sinh Sotheby’s từng phải ngồi tù
A. Alfred Taubman sinh năm 1924 ở Pontiac, bang Michigan trong một gia đình di dân gốc Do Thái từ Ba Lan sang Mỹ. Gia đình của ông đã mất tất cả tài sản vào thập niên 1930 trong thời kỳ Đại suy thoái. Mới lên chín tuổi, chú bé Taubman đã phải đi làm để phụ giúp cha mẹ kiếm sống. Lớn lên, Taubman theo học khoa Kiến trúc Đại học Michigan nhưng không tốt nghiệp. Sau đó, ông chuyển sang hoạt động kinh doanh và đã rất thành công. Các khu thương mại do ông thành lập được xếp vào danh sách những trung tâm mua sắm đạt lợi nhuận cao nhất ở nước Mỹ, thậm chí ông được coi là một huyền thoại trong lĩnh vực này. Năm 2009, ông có mặt trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ do tạp chí Forbes bình chọn.
Năm 1983, Taubman đã có một quyết định quan trọng đối với sự nghiệp kinh doanh của ông khi mua lại nhà đấu giá Sotheby’s của các chủ nhân người Anh, lúc bấy giờ đang trên đà suy sụp. Với kinh nghiệm và tài năng kinh doanh của mình, Taubman đã từng bước cải tổ và hồi sinh Sotheby’s, đưa nó trở lại thương trường năm 1988 và mau chóng trở thành một tên tuổi lớn trong lĩnh vực đấu giá toàn cầu. Tới tháng 9-2005 thì gia đình ông đã thâu tóm toàn bộ vương quốc đấu giá này. Nhưng một biến cố đã xảy ra với Taubman và Sotheby’s: đầu thập niên 2000, trong một cuộc điều tra của các công tố viên Tòa án liên bang chung quanh vụ móc ngoặc để dàn xếp giá cả trong các kỳ đấu giá giữa Sotheby’s và đối thủ cạnh tranh hàng đầu là nhà Christie’s, giám đốc điều hành Sotheby’s khi đó là Diana Brooks thú nhận đã cùng với ông Christopher Davidge – người đồng cấp ở Christie’s thực hiện một kế hoạch tinh vi nhằm cấu kết với nhau ấn định giá tác phẩm.
Để tránh ngồi tù, theo yêu cầu của các công tố viên Tòa án liên bang, bà Diana Brooks đã khai kẻ chủ mưu chính là Alfred Taubman cùng với Anthony Tennant, chủ nhân của nhà Christie’s ở London. Hậu quả là vào năm 2002 Taubman phải ngồi tù mười tháng và bị phạt 7,5 triệu USD dù ông phủ nhận mọi cáo trạng. Ra tù vào tháng 5-2003, Taubman tiếp tục khẳng định mình vô tội. Trong cuốn hồi ký Threshold Resistance (tạm dịch Phản kháng trước ngưỡng cửa nhà tù) xuất bản năm 2007, ông viết: “Tôi đã mất một phần đời của mình, thanh danh của mình và khoảng 12kg”. Dù cũng bị buộc tội nhưng ông Anthony Tennant – người được Hoàng gia Anh phong tước Sir – đã từ chối sang Mỹ dự phiên tòa và không bị kết án trước tòa.
Bộ sưu tập khổng lồ
Buổi đấu giá đầu tiên bộ sưu tập của ông Kaubman được dành cho các kiệt tác hội họa của các bậc thầy, trong đó có ba bức tranh: Thiếu phụ ngồi trên ghế của Picasso, Chân dung nàng Paulette Jourdain của Amedeo Modigliani và Không đề XXI của Willem de Kooning, với giá khởi điểm khoảng 25-35 triệu USD/bức, được trông đợi sẽ làm dậy sóng nhà đấu giá hôm ấy. Hai tác phẩm của họa sĩ Mỹ Mark Rothko cũng sẽ gây được sự chú ý đặc biệt là Không đề (Màu oải hương và Xanh lá cây) và Số 6/ Hung đỏ, Cam và Màu đỏ rượu vang, được định giá khởi điểm mỗi bức 20-30 triệu USD.
Kế đó là các phiên đấu giá các tác phẩm hiện đại và đương đại, tranh thuộc trào lưu Ấn tượng, các tác phẩm hội họa Hoa Kỳ thời hậu Thế chiến II và cuối cùng là tranh của các bậc thầy quá khứ. Các phiên đấu giá được tiến hành từ đầu tháng 11-2015 cho tới cuối tháng 1-2016. Theo chuyên gia Simon Shaw, đồng phụ trách lĩnh vực Ấn tượng và nghệ thuật hiện đại của nhà Sotheby’s thì: “Các phiên đấu giá tới đây sẽ tiết lộ sở thích nghệ thuật ngoại hạng của Alfred Taubman qua các thời kỳ và với các thể loại tác phẩm khác nhau. Cái tên Taubman sẽ tiếp nối câu chuyện về các bộ sưu tập lẫy lừng của nước Mỹ như Ford, Gould, Dorrance, Havemeyer và Thannhauser, mà lai lịch của bộ sưu tập ấy ở phía sau một số tác phẩm được chúng tôi đưa ra đấu giá dịp này”.
Được biết, Sotheby’s đã nhanh chóng công bố đấu giá bộ sưu tập Taubman ngay sau khi đối thủ Christie’s ra thông báo vào ngày 3-9 vừa qua về việc sẽ đưa ra đấu giá một tác phẩm cực kỳ nổi tiếng của Amedeo Modigliani trong loạt tranh khỏa thân của nhà danh họa Ý, đó là bức Khỏa thân nằm ngủ, được ông vẽ khoảng năm 1917-1918. Bức tranh này sẽ được bán trong phiên đấu giá đặc biệt các tác phẩm hội họa thế kỷ XX với tên gọi “Nàng thơ của họa sĩ”. Đây là lần đầu tiên một bức tranh đề tài khỏa thân của Modigliani được đưa ra đấu giá tại Christie’s và nhà đấu giá số 1 thế giới này tin rằng nó sẽ được bán với giá trên 100 triệu USD, vượt qua kỷ lục của chính Modigliani, được lập vào mùa thu năm ngoái khi bức tượng Đầu người của ông được bán với giá 70,7 triệu USD ở nhà Sotheby’s và vượt qua một bức tranh khỏa thân khác của ông, có tên Khỏa thân ngồi trong ghế bành, cũng được bán tại nhà Sotheby’s cách đây năm năm với giá 68,9 triệu USD. Với phiên đấu giá “Nàng thơ của họa sĩ” khởi động cho tuần lễ đấu giá mùa thu năm nay, nhà Christie’s hy vọng nó sẽ vượt qua kỷ lục về doanh số được lập tại đây hồi tháng 5-2015: chỉ trong vòng một tuần họ đã bán được 1,7 tỉ USD!
Alfred Taubman không chỉ là một doanh nhân xuất sắc, một nhà sưu tập hàng đầu thế giới mà ông còn đóng góp rất nhiều cho các hoạt động từ thiện, các hoạt động nghiên cứu khoa học, tài trợ cho lĩnh vực giáo dục. Ông đã hiến tặng hơn 150 triệu USD cho Đại học Michigan mà ông từng là sinh viên. Hàng loạt các công trình kiến trúc, các trung tâm nghiên cứu… được mang tên Alfred Taubman để ghi nhớ đóng góp của ông. Theo ý nguyện của ông, một phần doanh thu từ đợt đấu giá bộ sưu tập Taubman sẽ được đưa vào Quỹ A. Alfred Taubman để tiếp tục đóng góp cho giáo dục, từ thiện…
- Lê Bản