Với tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động trong khoảng một năm qua cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra, không loại trừ khả năng bản đồ đầu tư bị biến dạng.
Thế cho nên hội thảo đánh giá hiệu quả chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 30-11 được giới chuyên gia và doanh nghiệp đặc biệt chú ý. Câu hỏi được đặt ra là phải chăng ưu đãi thu hút đầu tư của chúng ta dường như vẫn phục vụ cho mục tiêu chính sách từ 20-30 năm trước và rất khó đánh giá hiệu quả mang lại. Trong chừng mực câu hỏi này ẩn chứa các yếu tố tiêu cực.
Nhận định chung về chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư tại Việt Nam, tiến sĩ Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban chính sách đầu tư của CIEM nhấn mạnh hiện rất khó để có được bức tranh đầy đủ về mảng này do dữ liệu không đầy đủ mà nguyên nhân là chưa có sự quản lý thống nhất, dù ưu đãi được thực hiện trên diện rộng. Chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay có xu hướng hỗ trợ các dự án đầu tư có thời hạn ngắn và tìm kiếm chi phí thấp, không có đánh giá về lợi ích, chi phí của chính sách.
Trong khi đó, tiến sĩ Vũ Sỹ Cường thuộc Học viện Tài chính – Bộ Tài chính, trong tham luận gửi đến hội thảo đã nêu cụ thể các ưu đãi qua thuế suất. Chẳng hạn, thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng đối với các khoản thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao… Thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động áp dụng với một số hoạt động nông nghiệp, diêm nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp, phần thu nhập hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường.
Thuế suất 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Về thời gian miễn giảm thuế, tham luận của ông Cường cho biết Việt Nam đang áp dụng miễn thuế bốn năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo đối với trường hợp áp dụng thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới tại một số địa bàn theo quy định.
- Xem thêm: Nâng cao tính tự chủ trong thu hút FDI
Miễn thuế bốn năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong năm năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa thực hiện tại địa bàn không thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Ưu đãi tiếp theo là miễn thuế hai năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong bốn năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn hoặc lĩnh vực theo quy định. Kéo dài ưu đãi thuế với các doanh nghiệp có quy mô lớn và công nghệ cao hoặc mới cần đặc biệt thu hút đầu tư. Theo tiến sĩ Vũ Sỹ Cường, tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực trong đầu tư còn hạn chế, chưa thu hút được vốn đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Ưu đãi thuế tạo ra gánh nặng cho ngân sách. Một số hình thức ưu đãi thuế đang trở thành kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng, trốn thuế.
Các ý kiến khác từ hội thảo cũng cho thấy chính sách ưu đãi thu hút đầu tư tại Việt Nam đã đến lúc cần phải thay đổi. Cụ thể, có 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư và 27 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được hưởng ưu đãi về đầu tư, trong đó có ưu đãi về thuế. Bên cạnh đó có hơn 300 loại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được hưởng ưu đãi thuế với các hình thức khác nhau.
Một số gợi ý rằng Việt Nam cần nghiên cứu giảm việc áp dụng hình thức ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế. Thủ tục hành chính cho việc xem xét quyết định ưu đãi thuế cần đơn giản, minh bạch hơn và thận trọng để mang tính dài hạn trước khi ban hành và sau khi thực hiện. Ngoài ra cần tính toán chi phí ngân sách với miễn giảm thuế, rà soát lại toàn bộ các quy định pháp lý về ưu đãi thuế được quy định trong các luật khác ngoài luật thuế để đảm bảo tính nhất quán trong ưu đãi. Đồng thời tránh hiện tượng xé rào của các địa phương. Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: một số tỉnh đã không còn hào hứng với đầu tư nước ngoài vì chi phí xã hội rất lớn mà lợi ích không cao.
Trong khi có nhiều nhận định tiêu cực gần đây về tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì FDI vẫn là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài phù hợp với mục tiêu, định hướng chiến lược.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trải qua 30 năm phát triển, đến nay khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Việt Nam tiếp tục khẳng định khu vực đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài phù hợp với mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong trung và dài hạn.
Theo ông, mục tiêu tổng quát trong thời gian tới là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao, tiên tiến, quản trị hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày…, nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
Về định hướng thị trường và đối tác, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho hay, đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút đầu tư nước ngoài từ các thị trường và đối tác tiềm năng. Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn, tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại.
- Xem thêm: Kinh doanh FDI: Hai mặt, một vấn đề
Không thu hút những dự án có công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường vào Việt Nam từ một số nước trong khu vực. Thu hút đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án quy mô nhỏ, siêu nhỏ phải đảm bảo điều kiện nâng cấp công nghệ và gia nhập mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tận dụng lợi thế của Việt Nam trong thị trường của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và cơ hội do các hiệp định thương mại tự do tạo ra để thu hút đầu tư nước ngoài. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam mong muốn có nhiều nhà đầu tư có trách nhiệm, với những cam kết và hành động cụ thể, thực chất để đầu tư kinh doanh lâu dài trên cơ sở hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, của Nhà nước và của cộng đồng.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến tháng 8-2018 đã có hơn 26.500 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 334 tỉ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỉ USD. Nhà đầu tư nước ngoài có đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, đầu tư nước ngoài đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mức đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong GDP của cả nước tăng từ 9,3% năm 1995 lên 19,6% năm 2017.