Thông tin số liệu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được công bố qua các báo cáo vào cuối tháng 7 làm rõ hơn hiện tượng nghịch lý tồn tại nhiều năm nay: doanh nghiệp kinh doanh FDI báo lỗ 10 năm, thậm chí 20 năm, nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thực tế này được hỗ trợ từ các báo cáo gần đây của ngành chức năng cho thấy thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) ngày càng khả quan, nhất là hiện nay có nhiều công ty và tập đoàn chọn nước ta là nơi dừng chân sau khi từ bỏ các thị trường truyền thống.
Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, tính chung bảy tháng vừa qua, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN rót vào Việt Nam là 22,94 tỉ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017. Tính ra một cách chi li thì trung bình mỗi ngày Việt Nam thu hút hơn 100 triệu USD vốn FDI, đây được xem là con số đáng phấn khởi.
Để có số vốn FDI nêu trên, cả nước đã đón nhận 1.656 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới là 13,2 tỉ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó có 627 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 4,95 tỉ USD, bằng 84,2% so với cùng kỳ năm 2017. Cũng trong thời gian này, cả nước có 3.331 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị vốn góp gần 4,79 tỉ USD, tăng 53,3% so với cùng kỳ 2017.
Xét về lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia vào 17 ngành và lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều vốn nhất, đạt 9,63 tỉ USD, chiếm 41,95% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,6 tỉ USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,69 tỉ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư đăng ký…
Trong số các đối tác đầu tư, Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 6,88 tỉ USD, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,46 tỉ USD, chiếm 23,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,73 tỉ USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư…
Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký là 6,17 tỉ USD, chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư. TP. Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký là 4,12 tỉ USD, chiếm 17,9% tổng vốn đầu tư. Bà Rịa – Vũng Tàu đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 2,15 tỉ USD chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư.
Đến ngày 20-7-2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,85 tỉ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong bảy tháng năm 2018, xuất khẩu của khu vực ĐTNN kể cả dầu thô đạt 95,13 tỉ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 71,2% kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 93,36 tỉ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ 2017 và chiếm 69,8% kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực ĐTNN đạt 76,46 tỉ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 58,5% kim ngạch nhập khẩu.
Tính chung, khu vực ĐTNN xuất siêu 18,67 tỉ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 16,9 tỉ USD không kể dầu thô.
Thế nhưng nhiều doanh nghiệp FDI vẫn báo lỗ và lý giải sao đây về tình trạng này?
Số liệu từ cuộc hội thảo “Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp” vừa được tổ chức tại Hà Nội, Cục Tài chính Doanh nghiệp cho biết, từ 2012-2016, số lượng doanh nghiệp FDI báo lỗ hằng năm từ 44% – 51%. Đặc biệt, năm 2015, có tới 51% và năm 2016 có tới 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ.
Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI “lỗ giả lời thật” nhờ biện pháp chuyển giá. Chuyển giá được thực hiện qua việc tận dụng tối đa các quy định của luật pháp để dàn xếp một mức giá chuyển giao hàng hóa, dịch vụ cho công ty mẹ hoặc đối tác mang lại lợi ích cao nhất, nhờ đó trốn thuế hoặc tiết kiệm thuế phải nộp.
Đáng chú ý, bên cạnh tình trạng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của nhóm doanh nghiệp FDI, còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam) của một bộ phận doanh nghiệp FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thời gian miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điều này thể hiện qua tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn sở hữu (ROE) bình quân của doanh nghiệp FDI trong một số năm qua luôn duy trì mức rất cao như linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi; viễn thông, phần mềm luôn trên 30%.
Theo đại diện Cục Tài chính Doanh nghiệp, dù hoạt động tốt nhưng doanh nghiệp FDI nộp ngân sách thấp, chưa tương xứng với nguồn tài nguyên sử dụng và việc đảm bảo môi trường. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này do doanh nghiệp FDI lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao (như tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…) để chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
Trong những năm gần đây, cơ quan thanh tra đã tập trung vào nhóm những doanh nghiệp thua lỗ liên tục và có dấu hiệu chuyển giá.
Qua đó cho thấy, các hình thức chuyển giá phổ biến trên thế giới đều đã hiện diện tại Việt Nam. Trong số đó, phổ biến nhất vẫn là việc sử dụng các giao dịch liên kết để đẩy giá chuyển nhượng lên cao.
Để xử lý những trường hợp này, cơ quan thanh tra đã kiểm tra, đối chiếu các số liệu của doanh nghiệp với thực tế để loại bỏ chi phí không hợp lý, giảm số lỗ mà các doanh nghiệp này khai báo.
Riêng trong hai năm 2015-2016, ngành thuế đã kiểm tra hai công ty lớn trong ngành bán lẻ có dấu hiệu chuyển giá và truy thu hơn 4.000 tỉ đồng tiền thuế. Đặc biệt đại diện cơ quan thanh tra thuế cũng cho hay thời gian qua, nhiều doanh nghiệp FDI cũng chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết. Chi phí lãi vay luôn vượt quá định mức thông thường để có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Tình trạng nhiều doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ nhiều năm mà vẫn mở rộng đầu tư là rất bất thường, đòi hỏi cơ quan thuế phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.
Trước tình hình tiêu cực này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế nghiên cứu về chuyển giá của doanh nghiệp FDI, chính sách thuế, để có biện pháp phù hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Công văn chỉ đạo của Thủ tướng nói rõ nhiều doanh nghiệp chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết có chi phí lãi vay quá mức thông thường. Do đó cần có cơ chế kiểm soát để hạn chế doanh nghiệp FDI có lỗ lũy kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế được đánh giá là nghiêng theo ưu đãi địa bàn hơn là lĩnh vực. Việc áp dụng ưu đãi theo lĩnh vực còn khó khăn về thủ tục.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam có danh mục 75 hiệp định thuế quan đã ký với mức độ, phạm vi rất rộng và toàn diện. Song trên thực tế cộng đồng doanh nghiệp FDI phàn nàn việc giảm thuế theo các hiệp định ký kết chưa áp dụng tự động. Việc cơ quan thuế không hề ban hành bất kỳ văn bản nào xác nhận việc miễn, giảm thuế theo các hiệp định đã ký kết khi họ nhận “hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế” từ doanh nghiệp.
Về các vấn đề nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế nghiên cứu, tham khảo để có biện pháp phù hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành.