Đầu tư nước ngoài được khẳng định là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tính đến ngày 20-8-2018, cả nước có 26.500 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 334 tỉ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 184 tỉ USD. Tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mức trung bình 18 – 25% trong giai đoạn 1991-2017.
Thu ngân sách nhà nước từ khu vực đầu tư nước ngoài tăng đáng kể, từ 1,8 tỉ USD trong giai đoạn 1994-2000 lên 23,7 tỉ USD trong giai đoạn 2011-2015, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Riêng năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài đã đóng góp hơn 8 tỉ USD, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Thế nhưng những số liệu lạnh lùng như vậy vẫn chưa đủ sức lan tỏa một sự lạc quan tại Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tổ chức tại Hà Nội tuần qua.
Đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho thấy việc liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực trong nước còn thấp. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện thấp so với vốn đầu tư đăng ký. Năm 2017, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện mới đạt khoảng 55,5%, có nghĩa là có tới gần 1/2 tổng vốn đầu tư đăng ký nhưng chưa được thực hiện.
- Xem thêm: Kinh doanh FDI: Hai mặt, một vấn đề
Một số doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đã gây ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hay một số doanh nghiệp khác có vốn đầu tư nước ngoài có hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính để trốn thuế. Thậm chí, còn có trường hợp bên nước ngoài trong các liên doanh đã tạo áp lực buộc bên Việt Nam phải nhượng lại phần vốn góp, chuyển doanh nghiệp liên doanh thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, làm hạn chế khả năng liên kết và chuyển giao công nghệ…
Vấn đề quan trọng nhất – theo ông Dũng – là tìm ra nguyên nhân của những hạn chế này ở khâu thể chế, chính sách, khâu tổ chức thực hiện hay nguyên nhân do năng lực chúng ta chưa tốt, công tác quản lý chưa tốt. Theo cách nhìn của người đứng đầu ngành Kế hoạch – Đầu tư thì dòng chảy FDI toàn cầu rất lớn nhưng chảy tràn lan. Vì thế thu hút đầu tư trong giai đoạn tới phải có trọng tâm trọng điểm, phải có “bộ lọc” chứ không hô hào thu hút theo chiều rộng mà phải quan tâm đến chất lượng đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sau 30 năm thu hút FDI, vẫn còn những hạn chế, tồn tại, những thua thiệt trong thu hút đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài mang vốn, công nghệ vào nước ta nhìn chung là đáng quý nhưng có tranh thủ được nguồn lực này để nâng cao quốc lực hay không là trách nhiệm của chúng ta, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ trong thời gian tới.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, trong thời gian tới, Việt Nam không chỉ thu hút vốn FDI mà còn hợp tác về quản lý, tăng cường mua lại, sáp nhập, hợp tác bảo vệ môi trường, hợp tác về lao động, đảm bảo công bằng xã hội. Hợp tác FDI mang tính chủ động, bình đẳng, có tính lựa chọn, không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì là nhận nấy mà cần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn, kinh doanh. Tuy nhiên, khuyến khích đầu tư vào công nghệ cao, bảo vệ môi trường, phát triển lao động, đầu tư mang tính chất bền vững, tạo giá trị gia tăng cao, thu hút các dự án công nghệ tương lai của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu: Các bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt một số nhiệm vụ như giữ vững môi trường chính trị, củng cố nền tảng vĩ mô, sự ổn định an ninh, quốc phòng, đối ngoại, thúc đẩy mạnh mẽ hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, hoàn thiện khung pháp luật, tương thích một số luật phù hợp các cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại thế hệ mới, nâng tầm nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ. Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh liên kết, góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ cao.
Trong một diễn biến liên quan, mới đây khi báo cáo với Thủ tướng về tình hình nguồn vốn ODA, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư cũng nêu lên một loạt giải pháp để lập lại trật tự cho nguồn vốn này.
Theo đó, Bộ Kế hoạch – Đầu tư kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương và các ban quản lý dự án tăng cường quản lý, giám sát, theo dõi từ khâu đề xuất, báo cáo khả thi đến khâu triển khai, thực hiện dự án. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi trong giải quyết các vướng mắc cho từng dự án cụ thể cần sự phối hợp liên ngành, vượt quá thẩm quyền của bộ, ngành và địa phương. Hoàn thiện, đưa vào vận hành, khai thác hệ thống theo dõi, giám sát trực tuyến các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi tại Bộ Kế hoạch – Đầu tư để tăng sự chủ động, tính kịp thời, đồng thời tăng tính công khai, minh bạch trong công tác quản lý vốn.
Quốc hội và Chính phủ đã ban hành hàng loạt các quy định nhằm tăng cường kỷ luật ngân sách như ấn định các mức trần nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách, nghĩa vụ trả nợ quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2016-2020…
Việc kiểm soát chặt ODA là không thể chậm trễ thêm khi mà tình trạng tổng nợ công tăng nhanh trong năm năm qua gây ra quan ngại lớn về những rủi ro kinh tế khi vay nợ quá mức. Cùng với đó, việc trở thành nước có thu nhập trung bình, khả năng tiếp cận vốn vay nước ngoài ưu đãi của Việt Nam giảm dần và sẽ sớm chấm dứt, dẫn đến lãi suất trung bình của nợ công trong trung hạn tăng lên.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, “vung tay quá trán” là hiện tượng thường thấy ở các dự án ODA. Cụ thể là tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư xảy ra đối với nhiều chương trình, dự án, điển hình là các dự án đường sắt đô thị. Quy trình, thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư thường mất rất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện dự án do phải tiến hành thẩm định, lấy ý kiến các cơ quan liên quan và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay, các dự án đường sắt đô thị đều xảy ra tình trạng trên.
Danh sách dài các dự án được Bộ này chỉ đích danh gồm:
– Dự án xây dựng Đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo tăng từ 19.555 tỉ đồng lên 51.750 tỉ đồng, sau khi thẩm định đang đề nghị điều chỉnh xuống 33.568,684 tỉ đồng.
– Dự án xây dựng Đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh tuyến 1, đoạn Bến Thành – Suối Tiên tăng từ 17.387,6 tỉ đồng lên 47.325,2 tỉ đồng.
– Dự án xây dựng Tuyến tàu điện ngầm số 2 TP. Hồ Chí Minh tuyến Bến Thành – Tham Lương vay của Đức, ADB, EIB dự kiến tăng từ mức 26.116 tỉ đồng lên 47.603,707 tỉ đồng.
– Dự án xây dựng Đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông tăng từ 8.769 tỉ đồng lên 47.325,2 tỉ đồng.
– Dự án xây dựng Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội vay của Pháp, ADB, EIB tăng tổng mức đầu tư từ 783 triệu euro lên 1.176 triệu euro.
– Tuyến Đường sắt đô thị số 1, số 2 của TP. Hồ Chí Minh và Tuyến số 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) của Hà Nội hiện vẫn đang trong quá trình điều chỉnh dự án.
– Ảnh Xuân Thi