Giữa những ngày dịch bệnh, sân khấu ca nhạc, phòng trà hạn chế hoạt động, ca sĩ không có sân khấu biểu diễn, khán giả ít chương trình giải trí, Phòng trà Online của đạo diễn Vân Trình và ê kíp Công ty Top Group ra đời, mở màn cho hàng loạt ý tưởng về các chương trình ca nhạc dựa trên nền tảng công nghệ, thưởng thức và giao lưu trực tuyến…
Tính đến nay, Phòng trà Online đã thực hiện được hai số, hoàn toàn miễn phí đối với khán giả và không có tài trợ. Chương trình đầu tiên diễn ra vào tháng 5 với chủ đề Đêm nhạc sĩ, là cuộc hội tụ của các nhạc sĩ kỳ cựu của làng nhạc Sài Gòn vào cuối thập niên 1990, đầu những năm 2000, như: Tuấn Thăng, Minh Nhiên, Quốc An, Hoài An và Võ Hoài Phúc. Đầu tháng 7 đã diễn ra chương trình thứ hai là Đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề Những câu chuyện kể.
Ê kíp đang chuẩn bị cho chương trình tiếp theo dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8, cũng hoàn toàn miễn phí. Dự kiến khi chương trình ổn định, ê kíp đã tìm hiểu đầy đủ thông tin về đối tượng khán giả, chương trình sẽ bắt đầu bán vé online, kêu gọi tài trợ. Đạo diễn Vân Trình, người nghĩ ra ý tưởng Phòng trà online và cũng là “thuyền trưởng” của dự án dài hơi này, đã có những chia sẻ.
____
Phòng trà online, chữ “phòng trà” có vẻ hơi “đứng tuổi” trong khi “online” lại gần với giới trẻ hơn?
Ý tưởng của chúng tôi là mang phòng trà ra một không gian mở, biến nơi không ai nghĩ có thể trình diễn được thành nơi trình diễn. Ví dụ hát trên núi, hát ở viện bảo tàng, hát trên rooftop… May mắn trong những chương trình đầu tiên, chúng tôi gặp Bến Du Thuyền, một địa điểm rất đẹp ở quận 7.
Chương trình lần hai cũng làm ở Bến Du Thuyền với điểm nhấn là những cầu thang nến. Số thứ ba, chúng tôi đang tìm kiếm một địa điểm khác, phù hợp với chủ đề Đêm ký ức.
Phòng trà Online là một nhánh của Live 2020, trong Live 2020, chúng tôi còn có các chương trình khác như The Show dành cho nghệ sĩ và khán giả trẻ, Live Concert, Live Showcase… Tất cả đều hướng đến khán giả cụ thể dựa trên nền tảng trực tuyến, từ mua vé, thưởng thức, giao lưu, đến bình luận. Chương trình sẽ phát trên website của công ty, facebook.
- Xem thêm: Chuyển đổi kỹ thuật số là chìa khóa để tồn tại của ngành công nghiệp sân khấu trong thời coronavirus
Hiện tại vì chương trình miễn phí, nên chúng tôi mở dành cho tất cả mọi người. Đến khi có bán vé thì khán giả sẽ nhập code vé để xem. Chúng tôi đang có nhiều ý tưởng và đã làm việc với các nghệ sĩ trong nước, nghệ sĩ Hàn Quốc để chuẩn bị cho các chương trình. Một phiên bản online dành cho giới trẻ rất thú vị tên là The Show, như khán giả sẽ mua đĩa của nghệ sĩ để có code vé xem chương trình. Nghệ sĩ và khán giả sẽ tương tác trực tiếp với nhau bằng hình ảnh, kiểu như chat video call khi xem chương trình, qua đó, dù online nhưng mọi thứ vẫn gần gũi.
____
Hiện tại, chương trình chưa bán vé thì ngân sách đến từ đâu? Khi nào chương trình dự định bán vé và dự kiến vé bao nhiêu?
Chúng tôi mở ra nhiều định dạng, ví dụ như các nhãn hàng, nhà tài trợ có thể tài trợ cho chương trình, lúc đó sẽ miễn phí. Hiện chúng tôi có ngân sách đầu tư dài hạn của Công ty để thực hiện phần sản xuất.
Các nghệ sĩ trong hai số đầu đều ủng hộ chương trình, có người hỗ trợ, có người lấy phí tượng trưng. Như Đàm Vĩnh Hưng không nhận cát sê nhưng gợi ý Công ty đóng góp vào quỹ thiện nguyện. Gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, gia đình Trần Mạnh Tuấn cũng ủng hộ hoàn toàn nhưng Công ty cũng trích một khoản phí để đóng góp Học bổng Trịnh Công Sơn.
Chúng tôi đang thăm dò khán giả nên thực hiện mọi thứ một cách chậm rãi, có tính toán, không quảng cáo và PR, để đo lường phản ứng của khán giả. Ở chương trình thứ hai, chúng tôi không quảng cáo chương trình nhưng đã có gần 50.000 lượt xem.
Chúng tôi dự định sẽ bán vé khi thực hiện khoảng bốn, năm chương trình. Khán giả chúng tôi hướng đến có phần quan trọng là người Việt hải ngoại, nhưng có một bất lợi là chương trình đang rơi vào khung giờ sáng, trưa của cộng đồng người Việt ở Mỹ, Anh, Úc…
Đối với người Việt Nam, để họ có thể trả tiền xem ca nhạc online là một vấn đề. Trong khi đó, ở hải ngoại bây giờ đang bị ảnh hưởng bởi COVID-19, hoạt động văn nghệ rất khó, mọi người cũng muốn nghe ca sĩ Việt Nam nên chi khoảng 10 USD để cả gia đình tụ tập ngồi coi ca nhạc online không phải là vấn đề. Nghệ sĩ và khán giả có thể tương tác với nhau qua các comment, đề xuất nghệ sĩ hát bài gì…
- Xem thêm: Covid-19, lực đẩy cho các livestreamer
Với các chương trình bán vé, có thể chúng tôi sẽ bán một ít cho khán giả xem trực tiếp (100, 200 vé), còn lại bán vé online với giá chính thức sẽ công bố sau. Chúng tôi sẽ có các chương trình khuyến mãi, giảm giá, các gói thưởng thức linh động dành cho khán giả.
Nền tảng này, chúng tôi đầu tư để có thể thu hồi vốn trong năm sau chứ không hy vọng trong năm nay. Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện tốt nhất để giới thiệu format này đến khán giả, nghệ sĩ, các nhãn hàng. Nét đặc biệt là chúng tôi đầu tư rất lớn vào công nghệ âm thanh để mọi người có thể thưởng thức trọn vẹn, nghe rõ ràng từng tiếng nhạc cụ.
____
Đâu là khó khăn khi thực hiện chương trình online?
Đó là nội dung. Vì ngay từ đầu chúng tôi nói rằng mình hướng đến sự khác biệt. Ví dụ như khi làm đêm nhạc Trịnh Công Sơn, chúng tôi mạo hiểm đưa một giọng hát còn non trẻ vào là Hoàng Trang.
Điều chúng tôi muốn thể hiện là sự quảng đại trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, ai cũng có thể hát, người trẻ thì hát khác mà ca sĩ thành danh thì hát khác, tiếp cận khác… Khi Trần Mạnh Tuấn và con gái cùng trình diễn saxophone thì khán giả có thể thấy sự tươi mới bên cạnh sự trải nghiệm. Hoàng Trang quen hát với guitar, nay hát cùng band sẽ ra sao. Đức Tuấn quen diễn trên sân khấu lớn nhưng khi vào một không gian ấm cúng sẽ dịu mình lại ra sao…
Chúng tôi sẽ đem vào nét mới trong chương trình mình, dù có thể chủ đề âm nhạc không mới, các ca khúc là ký ức một thời. Cái khó thứ hai là địa điểm. Vì chúng tôi thường chọn không gian mở nên gặp những giới hạn, ví dụ ngoài trời thì gặp khó khăn thời tiết, làm trong nhà thì âm thanh bị dội… Nhưng điều đó chúng tôi đều nỗ lực thực hiện tốt vì chúng tôi hiểu rằng, trực tuyến, online chính là tương lai của việc thưởng thức nghệ thuật. Cả thế giới đã bắt đầu điều đó, gần nhất là Hàn Quốc, chúng ta cũng không thể khác được…
– Ảnh: NVCC