Nghiên cứu mới của GS Pascale Aebischer và TS Rachael Nicholas từ Đại học Exeter, Anh, đã chỉ ra chuyển đổi số sẽ là chìa khóa để đảm bảo sự tồn vong của ngành công nghiệp sân khấu trong thời kỳ coronavirus bởi mọi người sẵn sàng trả tiền để xem các show diễn trực tuyến.
Nghiên cứu này do Hội đồng Nghiên cứu nghệ thuật và nhân văn Anh Quốc tài trợ – một phần của Quỹ Nghiên cứu và đổi mới Anh (UKRI) về COVID-19.
Các buổi biểu diễn ảo có thể giúp nhà hát tiếp tục hoạt động trong tình trạng phong tỏa xã hội hoặc không thể tổ chức biểu diễn ngoài trời. Khoảng 3/4 số người trả lời khảo sát mới đây cho biết họ sẽ mua vé để xem buổi chiếu trực tiếp trên Zoom bất cứ lúc nào, ngay cả khi rạp hát được mở cửa trở lại. Việc tham gia các buổi biểu diễn trên Zoom khiến họ cảm thấy mình là một phần của cộng đồng và cho họ thêm cơ hội trải nghiệm với gia đình và bạn bè, dẫn đến giảm cảm giác biệt lập và cô đơn.
Các chuyên gia đã phân tích bài học từ quá trình chuyển đổi số thành công của vở kịch “Cơn bão” (The Tempest) do Creation Theater và nhà đồng sản xuất Big Telly Theater thực hiện, biểu diễn trên Zoom vào tháng 4 và tháng 5 năm nay. Họ khảo sát 13 nhân viên hành chính và nhân viên sáng tạo đã tham gia vào quá trình sản xuất vở kịch, đồng thời phân tích 93 bảng trả lời câu hỏi trực tuyến từ khán giả đã tham dự buổi trình diễn “Cơn bão” trực tuyến.
Hầu hết những người tham gia khảo sát cho biết họ muốn xem các sản phẩm chuyển thể từ một vở kịch hoặc tiểu thuyết nổi tiếng. Điều này chỉ ra, tính quen thuộc với tác phẩm có thể là yếu tố quan trọng khiến khán giả muốn tham dự vào sân khấu Zoom. Một tỷ lệ phản hồi tương tự cho biết họ cũng hứng thú với những tác phẩm mới.
Khi “Cơn bão” được biểu diễn “thực” vào năm ngoái, nó đã thu hút 3.368 khán giả và khách du lịch từ 11 quốc gia. Phiên bản “ảo” trên Zoom vào năm 2020 đã tiếp cận hơn 1.200 hộ gia đình ở 27 quốc gia, qua đó giúp công ty thu hút khán giả và cho phép những khán giả trước đây không có dịp đến sân khấu tiếp cận được với các tác phẩm nghệ thuật.
Creation Theater tính vé 20 bảng cho mỗi thiết bị xem kịch. Thành công về mặt tài chính giúp họ “mở cửa” được trong thời kì phong tỏa, thu được một chút lợi nhuận và tiếp tục sản xuất những tác phẩm mới có khả năng vươn tới toàn cầu. Phần lớn những người được khảo sát cho biết màn trình diễn xứng đáng với số tiền bỏ ra, đặc biệt khi chỉ bị tính phí trên mỗi thiết bị xem. 79% cho biết sẵn sàng trả tiền để xem các buổi biểu diễn khác trên Zoom, cả trong và ngoài thời kì phong tỏa.
Khán giả cho biết, công nghệ Zoom dễ hoặc rất dễ sử dụng trong buổi biểu diễn. Điều quan trọng với họ là được xem trực tiếp các diễn viên biểu diễn. Các nhà sản xuất thiết kế sao cho người xem cũng được tham gia tương tác và cảm nhận không khí cộng đồng.
Tuy nhiên các buổi biểu diễn trên Zoom cũng có những thách thức nhất định. Cả người biểu diễn lần người xem đều có cảm giác mệt mỏi khi nhìn vào màn hình trong một thời gian dài, hay còn gọi là “Zoom fatigue”. Các nghệ sĩ cũng phải đối phó với độ trễ thời gian của ứng dụng. Họ phải vận dụng hết kỹ năng ứng phó cùng khơi gợi thiện chí, thông cảm của khán giả mỗi khi internet bị gián đoạn.
Tuy vậy, Zoom cũng rất hiệu quả khi tiếp cận khán giả mới. 27% số người được hỏi nói rằng họ chưa từng nghe đến Creation Theater trước khi xem buổi biểu diễn trên Zoom. 13% người được hỏi nói rằng họ hiếm khi tham dự các buổi biểu diễn trực tiếp ở nhà hát.
- Xem thêm: Điện ảnh gây ngộ nhận về bùng phát virus
Ngoài những con số sơ bộ kể trên, báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một bộ công cụ kỹ thuật số cho những công ty muốn thực hiện một buổi biểu diễn trực tiếp trên nền tảng kỹ thuật số khi làm việc từ xa, các lời khuyên từ chính đội sản xuất vở kịch “Cơn bão” khi biểu diễn trên Zoom, một bộ tài liệu hướng dẫn do đại diện Công đoàn những người thực hành sáng tạo Anh tư vấn, và danh sách công việc cần thực hiện cho một buổi biểu diễn trên Zoom do Giám đốc sản xuất của Creation Theater biên soạn.