Đầu tháng 11-2020, Nhật Bản báo cáo một kết quả thống kê gây đau buồn. Đó là chỉ trong tháng 10, tổng số vụ tự tử lên tới 2.153 vụ. Nó cao hơn cả tổng số người tử vong vì Covid-19 tính đến ngày cuối cùng của tháng 11-2020 tới trên 100 người. Mặc dù số lượng phụ nữ tự vẫn là 851 trường hợp, chiếm 40%; nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2019, nó tăng vọt tận 82,6%.
Chết vì tự vẫn nhiều hơn Covid-19
Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ người tự tử cao nhất toàn cầu. Theo số liệu thống kê năm 2016, tỷ lệ tự tử ở đây là 18,5/100.000 người, cao gần gấp đôi tỷ lệ tự tử trung bình của thế giới (10,6/100.000 người). Những năm trước đó, tỷ lệ tự tử của người Nhật Bản còn cao hơn. Vào năm 2003, đất nước này ghi nhận tới 34.000 ca.
Phần lớn đối tượng tự tử ở Nhật Bản là nam giới. Người Nhật coi trọng công danh và sự thành đạt. Vào thập niên 1990, đất nước này rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề, khiến hàng triệu lao động mất việc làm. Thất nghiệp cộng với áp lực tinh thần đẩy nhiều công dân Nhật Bản đến tự sát. Chính phủ Nhật phải bằng mọi cách ngăn chặn người dân tự tử. Vào năm 2006, họ thông qua Đạo luật Cơ bản về Phòng chống Tự tử (Basic Act for Suicide Prevention), phổ biến toàn dân. Nhờ đó, tỷ lệ tự vẫn giảm dần. Vào năm 2019, lượng người tự tử xuống mức thấp nhất, 20.000 vụ.
Thế nhưng kể từ sau tháng 10-2019, Nhật Bản rơi vào đại dịch Coronavirus Mặc dù hệ thống y tế ở đây chống chọi rất tốt với dịch bệnh (số người bị tử vong tính đến ngày 30-11-2020 là 2.042), nhưng số người tự tử thì bất thần tăng vọt. Chỉ riêng trong tháng 10.2020, tổng số vụ tự tử ở Nhật Bản đã là 2.153. Xét ra, số người tử vong vì tự tử trong có 1 tháng lại cao hơn tổng số người tử vong vì Covid-19 cả năm những hơn 100 người.
Phần lớn đối tượng tự tử trong tháng 10-2020 ở Nhật Bản là đàn ông, 1.302 trường hợp (chiếm 60%). Nếu so với số liệu cùng kỳ năm 2019, lượng nam giới tự vẫn tăng 22%. Số lượng nữ giới tự vẫn thấp hơn, với 851 trường hợp (chiếm 40%). Tuy nhiên khi so sánh với số liệu cùng kỳ năm 2019, Nhật Bản kinh hoàng nhận ra con số tỷ lệ gia tăng là 82,6%.
Áp lực kinh tế
“Lương của tôi đã bị cắt và tôi không thấy bất cứ tia hy vọng nào trong tương lai”, Kobayashi, 43 tuổi, người mới tỉnh dậy sau 3 ngày hôn mê vì tự tử ở Tokyo, giải thích lý do tự vẫn: “Cứ nghĩ đến cảnh ngày mai không còn gạo để mà ăn, tôi chỉ muốn chết quách đi cho xong”. Cảm xúc và quyết định tiêu cực của Kobayashi là nỗi khổ chung của nhiều chị em sống trong đất nước mặt trời mọc.
Nhật Bản là quốc gia phân biệt giới tính, phụ nữ phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong lĩnh vực việc làm. Họ hiếm khi được tuyển dụng làm nhân viên chính thức hay công chức nhà nước, mà chỉ dễ xin vào các ngành dịch vụ hoặc công việc bán thời gian. Trong thời đại Covid-19, hàng loạt các ngành dịch vụ như khách sạn, du lịch, chăm sóc khách hàng… và cửa tiệm ăn uống, buôn bán lẻ phải tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động. Nó dẫn đến tình trạng cắt giảm nhân viên trầm trọng. “Lao động nữ luôn là đối tượng đầu tiên bị sa thải”, Kobayashi cho biết. “Ở đất nước này, người ta không chút niệm tình khi loại bỏ kẻ thừa”.
Thực tế toàn cầu chỉ ra rằng phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương vì đại dịch nhất. Theo kết quả khảo sát trên 10.000 người của CARE – tổ chức viện trợ phi lợi nhuận quốc tế, về tác động của Covid-19 lên sức khỏe tâm thần: có đến 27% phụ nữ rơi vào trầm cảm, còn đàn ông thì chỉ 10%. “Tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ”, Akari, 35 tuổi, bà mẹ trẻ mới sinh con trai đầu lòng trong năm 2020, cho hay. “Tôi không có tiền sử về bệnh tâm thần nhưng, trong bối cảnh đầy bất an hiện nay, tôi không có cách nào bình tâm được. Nếu lỡ thằng bé nhà tôi cũng bị lây Covid-19 thì phải làm sao”.
Khốn khổ hơn cả là những người mẹ Nhật Bản nghèo, có con đang ăn học. “Họ bị mất việc làm, nhưng họ vẫn phải xoay xở để nuôi con”, Koki Ozaro, 21 tuổi, nhân viên trực đường dây nóng Anata no Ibasho – một dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần ở Nhật Bản nói. “Trung bình mỗi ngày, chúng tôi nhận được 200 cuộc gọi nhờ tư vấn, đa số là phụ nữ. Họ thường gọi đến trong khoảng 10g đêm đến 6g sáng, nói rằng mình muốn chết”.
Bạo lực gia đình
Bắt đầu từ tháng 4.2020, Anata no Ibasho liên tục “cháy máy” vì quá nhiều cuộc gọi. Tùy vào mức độ nghiêm trọng, các chuyên viên tư vấn sẽ dành các mức thời gian khác nhau để khuyên nhủ, đưa ra cách thức giải quyết vấn đề. Tổ chức này có khoảng 600 tình nguyện viên, túc trực điện thoại 24/7.
Bên cạnh áp lực nuôi con, nữ giới Nhật Bản còn phải đối mặt với tệ nạn bạo lực gia đình gia tăng. Cũng vào tháng 4-2020, có đến 13.000 phụ nữ Nhật Bản tố cáo bị người nhà ngược đãi (tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019). Từ tháng 4 – tháng 9, các đường dây giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực tình dục trên khắp Nhật Bản tiếp nhận 23.000 cuộc gọi (tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2019). Anata no Ibasho cũng nhận được khá nhiều tin nhắn, lời cầu cứu với nội dung: “Tôi bị chính cha của mình xâm phạm”, “Chồng tôi muốn giết tôi”…
Nếu trước Covid-19, phụ nữ Nhật Bản ở mọi độ tuổi có nhiều nơi để tạm trốn như trường học, văn phòng, nhà bạn bè… thì trong bối cảnh cách ly, họ không thể tránh đi đâu được. Hiện tại, Nhật Bản đang trong nguy cơ “bão dịch đợt 3”. Mùa đông đã đến, các chuyên gia y tế vô cùng lo ngại trước thực tế số ca nhiễm mới tăng cao mỗi ngày. Chính phủ Nhật Bản cũng nhấp nhổm không yên, bởi suy thoái kinh tế tiếp diễn. “Nếu tình hình đại dịch trở nên phức tạp, chúng tôi sẽ phải phong tỏa rộng và gia tăng giãn cách”, Michiko Ueda, phó giáo sư Đại học Waseda, Tokyo cho biết. “Điều này sẽ gây tác động lớn trên mọi mặt, có khả năng thúc đẩy tỷ lệ tự tử lên cao hơn nữa”.
Điều đáng lo nhất ở Nhật Bản là tâm lý ngại chia sẻ. Người Nhật có thói quen giấu kín tâm tư, tự đấu tranh và giải quyết vấn đề cá nhân một mình. Ở khía cạnh tích cực, thái độ vượt khó này giúp họ trở nên độc lập, mạnh mẽ. Nhưng ở khía cạnh tiêu cực, nó khiến họ suy sụp tinh thần, cuối cùng chọn cái chết để giải thoát.
“Chúng ta cần một thế giới mà ở đó, mọi người có thể bộc lộ sự yếu đuối, kể khổ”, Kobayashi lên tiếng. Sau thời gian được chữa trị và tư vấn tâm lý, người phụ nữ trung niên từng tự tử này đã ổn định tinh thần. Mặc dù tương lai tài chính vẫn chẳng có gì đảm bảo, chị không còn quá lo lắng. “Bây giờ, tôi thấy thoải mái hơn lúc nào hết. Thật tốt vì vẫn còn sống!”, Kobayashi chia sẻ. “Tôi hy vọng, các chị em khác cũng dũng cảm nói ra vấn đề của mình. Chỉ có như vậy, chúng ta mới được giải tỏa và có cơ hội giúp nhau giải quyết khúc mắc”.