Cứ đổ cho mẹ anh ta là đúng khoa học nhất. Con cái chịu ảnh hưởng ở người nuôi dưỡng mình nhiều nhất, gần gũi nhất. Thế thì đích thị là bà mẹ chứ còn ai. Ảnh hưởng tới mức (cái này khoa học chứng minh và công bố hẳn hoi) đàn ông có xu hướng chọn vợ… giống mẹ của mình. Ấy vậy mà loay hoay một hồi, hai người giống nhau – là mẹ chồng và nàng dâu – và cùng yêu thương một người đó lại trở thành thế nào, mọi người đều biết rồi.
Nhiều nàng dâu ghét nhất chuyện anh chồng cứ thích ăn thịt, chê cá, kêu là tanh và có xương. Trong khi khoa học chứng minh là ăn cá tốt cho sức khỏe, anh chồng thừa biết, nhưng vẫn giữ nguyên khẩu vị. Còn cô ở nhà với cha mẹ nơi đồng bằng, quanh năm nuôi thả cá, không ăn cá thì ăn gì! Cô tức lắm, càng tức hơn khi điều tra biết nhà bà mẹ chồng, cả nhà ghét cá.
À thì ra nguồn gốc của mọi chuyện đây rồi. Nhưng cô không biết giải thích sao khi bà mẹ chồng ghiền đánh bài, không biết bao lần bố mẹ chồng cãi cọ mắng mỏ vì bà mẹ mải mê đánh bài, cho con nhịn đói đi học, vậy mà đứa con trai (là chồng cô) lại… căm thù đàn bà mê bài bạc (chết không, chính cô lại mắc cái tật này của bà mẹ chồng). Anh ấy đâu có giống mẹ các tật xấu!
- Xem thêm: Giải phóng đàn ông
Nhiều bà mẹ chồng điều khiển con trai rất tài. Vợ chồng người con cãi nhau vì theo cô vợ, bà mẹ chồng thật khó tính, bắt bẻ từng chút, từ nấu ăn cho đến nuôi con. Cô không chịu nổi, đòi ra ở riêng, anh chồng liền nói “muốn đi đâu thì đi, miễn là để con ở đây với bố và bà”. Thế là rõ, anh chồng đâu có theo vợ, mà theo mẹ.
Lần nào nghe vợ than phiền, anh cũng nói: “Mẹ già rồi, thôi kệ mẹ đi có được không”. Lý thuyết “thôi kệ” chỉ có những dân thiền mới nói, các anh con trai quen với mẹ mình mới “thôi kệ” được, chứ nàng dâu ghét mẹ chồng làm sao nghĩ thế được.
Còn để ý nghe ngóng bới lông tìm vết nữa ấy chứ. Có vẻ các bà mẹ chính là nguyên nhân làm cho chồng các cô trở nên tốt hay xấu (mà theo như các nàng dâu thì chỉ có xấu là nhiều thôi chứ lấy đâu ra tốt).
Còn theo các bà mẹ, chính cô vợ mới là người quyết định sự tốt xấu của anh chồng. Có bà quả quyết: “Không tin, cứ về quan sát cô con dâu mình một cách khách quan mà xem, các anh con trai không tử tế thì mới nhậu nhẹt, về nhà đánh vợ chửi con, làm việc thì chê lương ít không chịu được gò bó, thử làm ăn buôn bán gì cũng thất bại nhưng luôn mơ mộng hão huyền”.
Những anh như thế, chẳng biết là giống ai nữa. Bà mẹ chịu thương chịu khó, tằn tiện mà sao con chẳng giống những tính nết ấy cho. Còn cô vợ thì không còn đủ lời để chê và than trách.
Thôi thì đổ cho đó là sản phẩm của xã hội chứ chẳng giống ai hết. Nhưng còn rất nhiều anh chồng có công ăn việc làm, bằng cấp tử tế, thương yêu con cái và cha mẹ, thì y như rằng các bà vợ cũng không bao giờ có lời khen. Hiếu đễ với cha mẹ là tính tốt hẳn hoi cũng bị các cô vợ trẻ không vui dù không dám nói ra.
Có cô quay ra xót cha mẹ mình, giống như là họ đẻ con gái ra cho người khác hưởng. Các bà mẹ chồng thì nói, mình có hưởng gì từ con dâu đâu nhỉ. Các cô bây giờ đến chồng con cũng có chăm đâu, nói gì đến mẹ chồng “chỉ mơ với mộng”.
Cho nên, đi đến kết luận là, dù con trai có hiếu thảo đến đâu, mà lấy phải cô vợ vừa đoảng vừa ích kỷ (hai “đầu vị” nổi bật của con gái thời nay) lại ghê gớm đáo để nữa, thì lập tức anh con trai đó trở nên không ra gì ngay.
- Xem thêm: Chọn dâu sâu mắt!
Còn người vợ hiền thục, nhân ái (nghi lắm, các cô như thế còn đang đi học, đang đánh bạn quay clip hoặc đang chửi trên mạng, đang ngất xỉu trước trai Hàn…) thì không biết có còn nhiều cho con mình chọn được hay không. Nếu may phúc gặp được, thì chồng con mới được nhờ.
Trời ạ, các cuộc tranh luận kiểu này chẳng bao giờ phân thắng bại. Lý thuyết nào cũng tìm thấy đầy các ví dụ hùng hồn trong thực tế. Cái kiểu nói, số đông cơ bản là tốt bây giờ khó thuyết phục lắm, phải thay bằng cách nói “một bộ phận không nhỏ” vậy. Ý bạn ra sao, cho tôi biết với.