Ba môn phối hợp (triathlon – chạy bộ, đạp xe, bơi lội) không chỉ là môn thể thao, đó còn là một phong cách sống. Và nhiều doanh nhân đang lựa chọn ba môn phối hợp là phong cách sống của mình. Vì sao những người luôn bận rộn như họ vẫn dành thời gian luyện tập tích cực, bàn luận sôi nổi và tham gia hăng say các giải đấu được tổ chức hằng năm? Hãy nghe những người trong cuộc chia sẻ về đam mê của mình.
Hiên Anh Vũ, Giám đốc Siêu thị Giant, Dairy Farm Việt Nam
Những người làm việc trong ngành bán lẻ như tôi thường xuyên cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi với những áp lực về doanh thu, kiện toàn đội ngũ nhân viên, những hướng đi mới trong phục vụ khách hàng, tìm kiếm hướng đi khác biệt… Tình trạng mất kiểm soát về cảm xúc cũng thường trực khiến tôi hay cáu gắt, ăn uống vô tội vạ dẫn đến tăng cân mất kiểm soát và các chỉ số sức khỏe luôn ở mức báo động.Có thời điểm, tôi nặng đến 94kg.Mỗi ngày, tôi bơi lặn khoảng 30 phút nhưng số cân nặng không giảm như mong muốn. Vì vậy, tôi làm quen với chạy bộ và ba tháng sau thì chuyển qua đạp xe.
Có thể nói, luyện tập cả ba môn phối hợp trở thành “liều thuốc” hữu hiệu, giúp tôi giữ mức cân nặng ổn định từ 68 – 70kg. Cơ thể tôi được thả lỏng hoàn toàn khi đắm mình trong làn nước xanh còn đầu óc thì như được “dọn dẹp” khi tôi thong dong trên những vòng xe. Hầu như chỉ có lúc chơi thể thao, tôi mới tập trung vào suy nghĩ của mình, bật ra nhiều ý tưởng mới để giải quyết cho các vấn đề trong công việc.
Hiện nay, dù quỹ thời gian hằng ngày rất hữu hạn nhưng tôi vẫn duy trì luyện tập như một thói quen từ 4 giờ 15 phút mỗi buổi sáng. Tôi cũng có thói quen đi bộ trong siêu thị rộng 4.000m2, vừa kiểm tra các quầy kệ vừa là một bài tập sức bền cho mình. Thật sự thể thao đã giúp tôi có những thay đổi tích cực cả về thể chất lẫn tinh thần, tôi kiểm soát cảm xúc và giữ bình tĩnh tốt hơn trước những áp lực công việc, từ đó phục vụ khách hàng tốt hơn. Tinh thần lạc quan mà tôi có được phần lớn nhờ luyện tập thể thao cũng “truyền lửa” cho đồng nghiệp và nhân viên và hiệu quả công việc đã tăng lên một cách bất ngờ.
Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc M_Service, đơn vị sở hữu thương hiệu MoMo
Tôi bắt đầu đạp xe – môn thể thao “dễ chơi” để nâng cao sức khỏe từ năm 2011. Sau những chuyến xe xuyên Việt 20 ngày, lên vùng núi Lũng Cú, Hà Giang, “bò” ra tận Mũi Cà Mau, lang thang từ Siem Reap đến PhnomPenh (Campuchia), tôi thấy mình thật sự “khoái” môn thể thao này. Đến năm 2013, tôi mới bắt đầu tham gia một giải chạy là HCMC Run và sau đó là giải Full Marathon 42km tại Đà Nẵng năm 2016.
Tôi từng sợ bơi biển và mất ngủ vì không biết mình sẽ vượt qua 1,9km bơi biển như thế nào. Nhưng cuối cùng, tôi đã vượt qua phần thi này một cách dễ dàng, hoàn thành cuộc đua Ironman Bintan 70.3 (Indonesia) tháng 8-2015 dù bị ngã đến rách hết cả vai và cánh tay trái trong phần đạp xe. Thừa thắng xông lên, tôi tiếp tục tham gia các cuộc thi triathlon khác như Ironman 70.3 tại Đà Nẵng năm 2016, Challenge 70.3 Nha Trang năm 2016, Full Ironman 140.6 tại Busselton (Western Australia) mới đây.
Bí quyết để hoàn thành các cuộc đua ba môn phối hợp là nền tảng thể lực, sức bền tốt. Và điều này chỉ có được nhờ luyện tập đều đặn, kiên trì chứ không nhờ bất kỳ mưu mẹo nào. Hầu hết những người có sức khỏe tốt, ham muốn chinh phục, thích phiêu lưu mạo hiểm, giàu trí tưởng tượng, kiên trì và có ý chí cầu tiến đều rất dễ “nghiện” ba môn phối hợp. Chinh phục Ironman ở nhiều quốc gia cũng là một trải nghiệm vô cùng thú vị với tôi.
Nhiều người có vẻ ngại ngần khi nghe nói đến những cuộc đua phải đóng tiền.Theo một người từng có kinh nghiệm… nhậu nhẹt như tôi, phí tham dự hai, ba cuộc đua cũng không bằng một bữa nhậu với bạn bè. Hiện nay, trong công ty tôi, mọi người đều rất yêu thích thể thao. Sau quá trình luyện tập kiên trì và đều đặn, chúng tôi đều nhận thức được rằng lối sống mà người chơi thể thao lựa chọn đó là sống khỏe, mọi thứ đều có thể (Anything is possible) và truyền cảm hứng sống tích cực đến những người xung quanh.
Trịnh Rồng, Tổng giám đốc Công ty Quốc tế Châu Âu
Trước đây, lúc còn ở Pháp, tôi rất mê trượt tuyết vì môn thể thao này cho tôi cơ hội gần gũi với thiên nhiên.Từ khi trở về Việt Nam cách đây ba năm, tôi mới bắt đầu làm quen với ba môn phối hợp. Tôi tập luyện 6 đến 8 giờ mỗi tuần, trong đó có một buổi tập dài vào cuối tuần (tối thiểu 4 giờ cho cả ba môn phối hợp) với các thành viên trong Câu lạc bộ Vietnam Triathlon và hai buổi tập ngắn nhưng với cường độ cao vào các ngày trong tuần với hai môn đạp xe và chạy bộ hoặc đạp xe và bơi lội.
Khi tham gia các cuộc đua, tôi luôn có ấn tượng với thời khắc các vận động viên đứng trước vạch xuất phát.Vì thời điểm đó khiến tôi cảm thấy xúc động khi nhớ về những ngày tháng cùng luyện tập với bạn bè. Tôi cũng nhìn thấy trong mắt họ niềm hào hứng cùng sự quyết tâm trước những thử thách không nhỏ cần vượt qua để chạm vạch đích. Và triathlon không hẳn là chiến thắng các đối thủ mà quan trọng hơn là chiến thắng bản thân.
Trong quá trình luyện tập, những người trong nhóm thường giúp nhau rèn luyện kỹ năng. Tôi hiểu biết khá sâu về môn đạp xe nên có thể giúp đỡ các vận động viên khác, ngược lại tôi cũng học hỏi từ họ nhiều kỹ thuật về chạy bộ và bơi lội. Triathlon là đại diện tinh thần đồng đội.
Nhiều người cứ nghĩ họ khó có thể hoàn thành 1,9km đường đua xanh, đạp xe 90km và chạy bộ 21km. Tôi khẳng định với họ rằng tôi làm được vì có quyết tâm, bạn cũng có thể làm được nếu có đủ ý chí. Sau khi hoàn thành các cuộc đua ba môn phối hợp, bạn sẽ tự tin vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Vì triathlon là không có gì không thể làm được.
Hoàng Phi Phi, thành viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn Khaisilk
Ironman hay Ironman 70.3 và các cuộc đua ba môn phối hợp khác là những sân chơi thử thách ý chí, nghị lực của vận động viên. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta ít có điều kiện nhận thấy sức mạnh ý chí của chính mình. Chỉ khi bước vào chinh phục những thử thách khó của Ironman, chúng ta mới có cơ hội thử sức mình trên đường đua dài, vượt ngưỡng chịu đựng về mặt thể chất, khi đó sức mạnh tinh thần sẽ đưa vận động viên về đích, điều mà chúng ta sẽ cảm thấy khó tin nếu không được một lần trải qua. Đó là điểm hấp dẫn nhất của bộ môn này. Để hoàn thành được cuộc thi chúng ta phải đầu tư vào một số “hành trang” thiết yếu, có kế hoạch tập luyện chu đáo, chú ý về chế độ dinh dưỡng và quan trọng nhất là đầu tư về thời gian tạo thành thói quen vận động, rèn luyện thường xuyên, từ đó giúp tăng cường sức khỏe, cân bằng công việc, cuộc sống. Với một kế hoạch tập luyện nghiêm túc và chế độ dinh dưỡng khoa học trong khoảng thời gian từ 5 đến 6 tháng, tôi nghĩ ai cũng có thể tự tin về giấc mơ trở thành “người sắt” Ironman.
Năm 2016 là năm đầu tiên tôi bước chân vào “giới” ba môn phối hợp và đã tham gia hai giải Ironman 70.3 VNG Đà Nẵng và Ironman 70.3 Asia Pacific Championship ở Cebu, Philippines. Hy vọng trong năm 2017 tôi sẽ có cơ hội được trải nghiệm giải đấu Full Ironman ở cự ly 140.6 với nhiều thử thách khắc nghiệt.
Lê Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH Sentifi Việt Nam
Trước đây, tôi thường tập gym nhưng bộ môn này không phải là bài tập hữu ích cho cả cơ thể và đầu óc. Hơn nữa, tôi lại cần những hoạt động có thể giúp cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Nên tôi bắt đầu chạy bộ và sau đó là luyện tập cả ba môn phối hợp.
Thể thao nói chung có tác động tích cực đến sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần. Nhờ thể thao mà sức khỏe của tôi đã tốt hơn rất nhiều, giảm được 10kg trong năm đầu tiên và hầu như không đau ốm vặt. Khả năng tập trung và giữ bình tĩnh cũng cải thiện nhiều, giúp tôi giải quyết các khó khăn, thử thách trong cuộc sống tốt hơn.
Ba môn phối hợp hay những môn thể thao sức bền nói chung không chỉ là những cuộc đua, cũng không phải là môn thể thao đơn thuần, mà là phong cách sống khỏe mạnh, tích cực và có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ. Để hoàn thành một cuộc đua ba môn phối hợp, người chơi sẽ phải trải qua nhiều mệt mỏi, đau đớn, thậm chí cả chấn thương nhưng cảm giác khi hoàn thành các cuộc đua, vượt qua giới hạn của bản thân thật sự rất tuyệt vời.
Lần tham gia Half Marathon (21km) đầu tiên, tôi chỉ tập luyện trong bảy tuần. May mắn là xung quanh tôi có những người bạn chạy giỏi, họ đã nhiệt tình chạy cùng tôi trong những tuần đầu tiên. Về sau thì tôi như bị “nghiện”, chạy không biết mệt. Năm 2016 là một năm rất đáng nhớ vì tôi đã hoàn thành bốn giải chạy full marathon, một giải mountain marathon, một cuộc đua Ironman 70.3 và một số giải nhỏ khác trong quá trình tập luyện. Hiện kế hoạch trong năm 2017 là cứ hai tháng một lần, tôi sẽ tham gia một cuộc đua nào đó, từ full marathon, ultra marathon đến Ironman 70.3. Hy vọng trong hai năm tới, tôi sẽ hoàn thành được thử thách Full Ironman 140.6.
- Thanh Nhã
Xem thêm:
- Xu hướng tập các môn thể thao trải nghiệm cá nhân
- Lan tỏa cảm hứng thể thao đến những người xung quanh
- Dạo quanh Sài Gòn trên những vòng xe