Thỏa thuận đạt được gần như vào hạn chót mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra cho Cyprus, nếu không nhất trí các điều kiện để châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải cứu, ECB sẽ cắt nguồn thanh khoản khẩn cấp bơm cho các ngân hàng Cyprus vào cuối ngày thứ Hai (25-2), trong khi đây là nguồn vốn giúp các ngân hàng ở đảo quốc này duy trì sự sống trong thời gian qua.
Người dân Cyprus xếp hàng trước máy rút tiền ATM
Các nhà chức trách của Cyprus và nhóm bộ ba chủ nợ quốc tế gồm Liên minh Châu Âu (EU), IMF và ECB đã thống nhất sơ bộ về vụ giải cứu sau các cuộc đàm phán căng thẳng xuyên đêm ngày Chủ nhật (24-3) tại Brussels. Thỏa thuận này đã được các bộ trưởng tài chính nhóm 17 quốc gia sử dụng đồng euro phê chuẩn.
Như vậy, Cyprus đã trở thành quốc gia thứ năm tại châu Âu được giải cứu kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu bùng nổ ở Hy Lạp vào năm 2009, sau Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, và Tây Ban Nha.
Phản ứng trước diễn biến trên, đồng euro đã tăng giá nhẹ trong phiên giao dịch tại châu Á sáng 25-3, lên mức hơn 1,3 USD đổi 1 euro.
Những nhân vật dẫn đầu cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài sáu giờ đồng hồ để cứu Cyprus tại Brussels vào đêm 24-3 gồm Tổng thống Anastasiades của Cyprus, Chủ tịch EU Herman Van Rompuy, Chủ tịch ECB Mario Draghi, và Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde.
Theo nội dung của thỏa thuận được tiết lộ, ngân hàng lớn thứ nhì của Cyprus là Cyprus Popular Bank, hay còn gọi là Laiki Bank, sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Ngân hàng lớn nhất nước này là Bank of Cyprus sẽ tiếp quản các tài sản hữu hình của Laiki Bank cùng với 9 tỉ euro thanh khoản khẩn cấp do ECB cung cấp.
Hai quan chức EU đề nghị giấu tên cho biết, các tài khoản tiền gửi dưới mức trần 100.000 euro sẽ được bảo đảm. Trong khi đó, các tài khoản không thuộc diện bảo hiểm tại Bank of Cyprus sẽ bị đánh thuế không quá 40%.Theo hai vị quan chức khác, các tài khoản tiền gửi không thuộc diện bảo hiểm tại Laiki Bank sẽ gần như mất trắng.
Theo số liệu của Ủy ban Châu Âu (EC), với những khoản đầu tư khổng lồ từ Nga, các ngân hàng Cyprus hiện có mức tài sản tương đương 750% GDP của nước này, cao hơn gấp đôi mức trung bình ở khu vực Eurozone. Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service ước tính rằng, các cá nhân và công ty Nga có khoảng 31 tỉ USD gửi gắm ở Cyprus, nơi được xem là thiên đường trốn thuế ở châu Âu.
N. Nam