Cựu thủ tướng Lý Quang Diệu từ trần vào sáng 23-3, hưởng thọ 91 tuổi, để lại sự thương tiếc cho người dân Singapore. Thông báo từ Văn phòng thủ tướng nước này cho biết “Ông ra đi trong thanh thản”.
Cựu thủ tướng Lý phải nằm viện từ hôm 5-2 do bị viêm phổi nặng. Từ khi nhập viện, ông phải thở bằng máy và điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Đa khoa Singapore.
Có tầm nhìn xa, tính cách lạnh lùng cứng rắn, ông Lý Quang Diệu đã biến Singapore từ một hòn đảo nhỏ bé không có tài nguyên thiên nhiên trở thành một quốc gia công nghiệp hóa hiện đại, với sự pha trộn giữa kinh tế tư nhân và chủ nghĩa tư bản nhà nước.
Cựu thủ tướng Singapore từng nói: “Trong một thế giới có sự khác biệt, chúng tôi cần tìm một cái riêng, độc đáo cho mình, những góc nho nhỏ, nơi mà bất chấp quy mô nhỏ của mình, chúng tôi vẫn có thể thực hiện vai trò có ích cho thế giới”.
Ông đã đưa Singapore trở nên thịnh vượng, hiện đại, hiệu quả và trên thực tế không có nạn tham nhũng, nơi mà các nhà đầu tư hải ngoại đều muốn vào làm ăn.
Ông Lý Quang Diệu sinh ngày 16-9-1923 tại Singapore, là con trong thế hệ thứ ba những người gốc Hoa nhập cư. Lớn lên, ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Anh, từ khi theo học trung học tại một trường của Anh ở Singapore.
Tuy nhiên, việc học ở cấp cao hơn đã bị gián đoạn trong thời gian Nhật chiếm đóng, bắt đầu từ năm 1942. Sau chiến tranh, ông đã có một thời gian ngắn theo học ở Trường London School of Economics ở London, rồi tới Đại học Cambridge, nơi ông theo học ngành luật.
Năm 1954, ông là sáng lập viên và là tổng bí thư đầu tiên của đảng Nhân dân Hành động (PAP), vị trí mà ông nắm giữ trong gần 40 năm sau đó.
PAP thắng đa số phiếu trong kỳ bầu cử năm 1959 và Singapore chuyển từ nơi do Anh kiểm soát thành một quốc gia tự quản.
Ông Lý Quang Diệu đưa Singapore sáp nhập với Malaysia vào năm 1963, nhưng chuyện này chỉ tồn tại trong hai năm ngắn ngủi. Hàng loạt các cuộc đụng độ bạo lực giữa các nhóm sắc tộc khiến Singapore quyết định rời khỏi liên bang và trở thành một quốc gia hoàn toàn độc lập vào năm 1965.
Tuy nhiên, các mối liên hệ thương mại và quân sự với Malaysia vẫn được duy trì và Anh được khuyến khích giữ căn cứ của mình tại Singapore để phòng vệ chung cho cả hòn đảo này lẫn Malaysia.
Ông rất tin tưởng về tính hiệu quả của việc trừng phạt cá nhân, điều mà bản thân ông cũng từng phải nhận thời còn đi học.
Khi ông rời nhiệm sở, việc áp dụng các hình phạt đã trở thành một phần không tách rời trong hệ thống tư pháp Singapore, được áp dụng đối với trên 40 loại tội khác nhau.
Ông cũng áp dụng các biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng tăng dân số nhanh chóng tại Singapore, đưa ra chiến dịch vận động kế hoạch hóa gia đình và thông qua chính sách thuế phạt những ai đẻ quá hai con.
Người Singapore được dạy cách lịch sự, bớt ồn ào om sòm, biết cách xả nước trong nhà vệ sinh và không ăn kẹo cao su. Trên tường thì không có các hình vẽ graffiti bởi chính phủ cấm không được làm vậy.
Từ chức vào năm 1990 sau khi đã chiến thắng không dưới bảy kỳ bầu cử, ông là vị thủ tướng nắm quyền lâu nhất thế giới còn sống và trở thành cố vấn cho chính phủ Singapore do con trai ông là Lý Hiển Long lãnh đạo.
N. Nam (DNSGCT)