Trong lúc đang làm việc trên con tàu chở hàng từ Trung Quốc tới Singapore, anh Jerry Laride Abapo (thuyền viên 38 tuổi người Philippines) không may bị mỏ neo va vào đầu, gây chấn thương nghiêm trọng vùng sọ não và dập nát một bên mặt.
Anh Jerry rơi vào tình trạng nguy kịch, cần được phẫu thuật sọ não trước để cứu tính mạng, các tổn thương khác cũng được xử lý tiếp tục sau đó.
Bệnh viện FV phối hợp 6 chuyên khoa để cứu sống bệnh nhân và giúp anh khôi phục lại khuôn mặt
Hiện bệnh nhân đã hồi phục tích cực và vừa xuất viện về nước sau hơn 1 tháng điều trị tại Bệnh viện FV. Anh sẽ quay lại FV để tái khám 6 tháng sau.
Trước đó, tai nạn xảy ra khi con tàu đang ở hải phận quốc tế, quốc gia gần nhất là Việt Nam, do vậy anh Jerry Laride Abapo được đưa vào khu vực phao số 0 thuộc Bà Rịa -Vũng Tàu để cấp cứu. Bệnh viện Vũng Tàu tiếp nhận bệnh nhân vào ngày 17/4. Các bác sĩ ở đây đánh giá anh bị chấn thương phức tạp, cần được chuyển đến cơ sở có chức năng điều trị cao hơn. Anh được sơ cứu và chuyển thẳng tới Bệnh viện FV trong ngày.
Chạy đua từng phút để thực hiện ca phẫu thuật cân não
Khi được đưa vào FV, anh Jerry Laride Abapo hôn mê. Khoa cấp cứu của Bệnh viện FV khẩn trương thực hiện các xét nghiệm đánh giá tình trạng chấn thương của bệnh nhân. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị đa chấn thương vùng đầu. Chấn thương có xuất huyết nội sọ, chèn ép não, mắt bị bầm và lồi ra khỏi hốc mắt, xương hàm bị gãy.
Cuộc hội chẩn liên chuyên khoa nhanh chóng diễn ra giữa các Khoa cấp cứu, Khoa Ngoại thần kinh và Can thiệp Nội mạch Thần kinh, Khoa Nha và Phẫu thuật Hàm mặt, Khoa Mắt và Khoa gây mê hồi sức. Các bác sĩ nhận định, tình hình của bệnh nhân vô cùng nguy kịch, anh cần được phẫu thuật sọ não trước để cứu tính mạng, các tổn thương khác sẽ được xử lý sau.
“Bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng, máu tụ dưới màng cứng, nếu chậm trễ phẫu thuật có thể gây tụt não dẫn đến tử vong, hoặc cứu sống được thì có nguy cơ để lại các di chứng yếu liệt, thần kinh”, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng khoa Ngoại thần kinh và Can thiệp nội mạch Thần kinh cho biết. Theo ước tính, bệnh nhân đã trải qua 13 giờ kể từ khi bị tai nạn tới lúc đến được FV, do đó cần phải tận dụng từng giây phút quý giá để cứu mạng bệnh nhân.
Khoa Gây mê hồi sức và Săn sóc đặc biệt khẩn trương lên kế hoạch chi tiết cho ca phẫu thuật cấp cứu. BS. CKII Lý Quốc Thịnh, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện FV nhận định, đây là một ca với nhiều thách thức cho các bác sĩ gây mê. “Bệnh nhân bị đa chấn thương vùng đầu nên việc hồi sức và đặt nội khí quản, đảm bảo đường thở cho bệnh nhân rất khó khăn. Hơn nữa, tình trạng xuất huyết gây chèn ép não có thể gây ngưng tim, ngưng thở đột ngột. Thứ ba, do bệnh nhân đã ăn trước khi tai nạn, nên thao tác đặt nội khí quản có nguy cơ khiến chất dịch trong dạ dày bệnh nhân bị trào ngược, gây ra tình trạng viêm phổi hít”.
Công tác gây mê hồi sức diễn ra suôn sẻ. Trong ca phẫu thuật kéo dài 3 tiếng, bác sĩ Hùng và ê kíp đã lấy toàn bộ khối máu tụ chèn ép não, thực hiện cầm máu do động mạch màng não bị đứt vì xương sọ vỡ và cầm máu dưới màng cứng. Sau đó, bác sĩ sắp xếp lại toàn bộ phần xương sọ bị vỡ để bệnh nhân có lại sọ não hoàn chỉnh.
Ngày hôm sau, các bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức và Săn sóc đặc biệt “thở phào” khi bệnh nhân tỉnh táo và không cần phải phụ thuộc máy thở. Lúc này, các bác sĩ chuyên khoa Nha và phẫu thuật hàm mặt và Chuyên khoa Mắt và Phẫu thuật khúc xạ được mời đến hội chẩn để có phương án xử lý phần gãy xương hàm và tình trạng vỡ ổ mắt.
Từ hình chụp Cone Beam CT trên máy Planmeca Vico G7 cho hình ảnh 3 chiều rõ nét, các bác sĩ có thể quan sát được rõ ràng cấu trúc xương vùng sọ và mặt, thấy hết phần xương bị gãy. Bác sĩ Khoa Mắt đánh giá thị lực của bệnh nhân bình thường dù hốc mắt bị tổn thương nặng, gây sụp mí và bị song thị (nhìn một thành hai). Bác sĩ BS.CKI Võ Lê Khánh Hùng, Khoa Mắt và Phẫu thuật khúc xạ, Bệnh viện FV nhận định, vấn đề này có thể được phục hồi theo thời gian.
Hai tuần sau ca mổ đầu tiên, bệnh nhân được thực hiện phẫu thuật tái tạo vùng sàn ổ mắt, sắp xếp lại các xương bị gãy. TS.BS Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng khoa Nha và phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện FV cho biết: “Chúng tôi thực hiện ca mổ lần hai này theo phương châm hạn chế can thiệp khu vực xương gò má, với đường rạch nhỏ, ít tổn thương nhất có thể để tiến hành nắn chỉnh xương”. Ca mổ kéo dài 6 tiếng, tình trạng vùng hàm của bệnh nhân đã được cố định tốt.
Sau phẫu thuật vùng hàm mặt, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi ở đơn vị săn sóc tích cực để các bác sĩ điều trị viêm phổi, suy hô hấp sau mổ, cân bằng các rối loạn tim mạch, rối loạn điện giải, tăng cường dinh dưỡng, phòng tránh loét do nằm lâu. Đồng thời, Khoa Vật Lý Trị Liệu Và Phục Hồi Chức Năng hướng dẫn bệnh nhân một số bài tập để vận động hàm và vận động mắt.
“Các bác sĩ FV thật tuyệt vời!”
Sau 1 tháng điều tại Bệnh viện FV, bệnh nhân đã hồi phục tích cực và có thể xuất viện. Chị Imperatmz Laride, vợ của bệnh nhân cũng là một y tá. Chị cho rằng chồng mình đã thật may mắn khi được điều trị tại Bệnh viện FV: “Các bác sĩ FV là những người rất giỏi mà chúng tôi may mắn gặp được, đã nỗ lực bằng mọi cách cứu mạng ngoạn mục cho chồng tôi. Dịch vụ chăm sóc bệnh nhân của FV cũng rất tuyệt vời! Điều đó góp phần quan trọng cho sự phục hồi nhanh chóng của chồng tôi. Tôi rất mừng là không chỉ các chức năng vận động mà cả trí nhớ của anh cũng hồi phục nhanh và ổn định”. Tin tưởng vào tài năng của các bác sĩ Việt Nam, chị cho biết biết sẽ đưa anh trở lại FV để tái khám cho anh sau 6 tháng.
Khi bác sĩ Tùng khám cho anh trước ngày ra viện cuối tháng 5 vừa qua, anh xúc động và cảm kích nhắc đi nhắc lại: “Cảm ơn bác sĩ! Các bác sĩ FV thật tuyệt vời!”
Theo đánh giá của các bác sĩ FV, đây là một tai nạn nặng, gây ảnh hưởng dây thần kinh số 7, do vậy sẽ cần thời gian khoảng 6 tháng để bệnh nhân hồi phục hoàn toàn các chức năng. Nhận định về thành công của ca điều trị cho thuyền viên người Philippines, bác sĩ Tùng nhận xét: “Nhờ sự phối hợp kịp thời và nhịp nhàng của 6 chuyên khoa đã đem đến kết quả điều trị tích cực cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của trang thiết bị, máy móc hiện đại đã giúp các bác sĩ đánh giá được chính xác tình trạng bệnh nhân, từ đó đưa ra hướng điều trị kịp thời”.