Chúng ta vẫn thường đặt ra một câu hỏi lớn: “Làm thế nào để thay đổi giáo dục Việt Nam?”. Sau những nỗ lực đi tìm câu trả lời, điều nhận lại thường chỉ là nỗi thất vọng vì mọi vấn đề của nền giáo dục vẫn không thay đổi sau hàng chục năm.
Vậy tại sao chúng ta không thay đổi bắt đầu từ mỗi thầy cô – người có vai trò quan trọng trong mọi nền giáo dục? Đó là một trong những lý do mà Nhà giáo dục, Tiến sĩ Giản Tư Trung cùng các cộng sự ở Viện Giáo Dục IRED cho ra đời cuốn sách Sư phạm khai phóng – Thế giới, Việt Nam và tôi. Cuốn sách này cũng là hành động cụ thể để hiện thực hóa sứ mệnh “Góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển của giáo dục khai phóng tại Việt Nam” của Viện IRED.
Thật bất ngờ là với “giáo dục khai phóng” – một chủ đề khá khô khan nhưng buổi ra mắt sách diễn ra vào sáng ngày 6/5/2023 đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của độc giả. Trước khán phòng lớn kín người tham gia, ông Giản Tư Trung nói rằng ông thật sự xúc động khi cuốn sách được đón nhận mạnh mẽ đến vậy.
Sư phạm khai phóng – Thế giới, Việt Nam và tôi được xem như một cẩm nang dành cho những ai muốn trở thành người thầy tốt hơn. Với “dạy” chính là giúp người khác học; còn “khai phóng” chính là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng con người. Cuốn sách chia sẻ mô hình giáo dục của tác giả, vừa tổng hợp những phương pháp sư phạm từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ thế giới đến Việt Nam, từ triết lý đến chính sách, từ nguyên lý đến phương pháp, từ đó mỗi người có thể tự hình thành nên một phương pháp sư phạm hiệu quả hơn và nhân văn hơn cho riêng mình. Trong mọi bối cảnh mới nhiều thử thách, cuốn sách sẽ giúp các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh có thêm góc nhìn thấu đáo và khai minh để làm công việc giảng dạy tốt hơn. Cuốn sách này gợi mở một phương pháp luận để mỗi nhà trường, mỗi thầy cô và mỗi bậc phụ huynh có thể tham khảo và tự mình đưa ra triết lý giáo dục của mình để “dạy trò”, “dạy con” và cả tự “dạy mình”.
Đâu đó, trong câu chuyện “Giáo dục và sư phạm” mà cuốn sách đề cập đến, người đọc sẽ tìm thấy câu chuyện “Thay đổi đến từ tôi”. Theo đó, mỗi cá nhân tốt lên thì công việc giáo dục cũng tốt hơn mỗi ngày. Như vậy thì môi trường học tập của học sinh cũng sẽ tốt hơn, không cần chờ đến khi quốc gia có một cuộc cải cách giáo dục vĩ mô nào.