“Chúng ta đã đi qua thời đóng cửa, thời mở cửa, nay đã là thời “gỡ cửa” để thế giới trở thành một phần của Việt Nam và Việt Nam là một phần của thế giới. Như vậy, người Việt Nam sẽ không còn là người Việt Nam mà được trở thành “người trái đất”. Nhưng muốn trở thành người trái đất thì chúng ta phải sống theo kiểu người trái đất, làm việc và kinh doanh theo kiểu người trái đất, hay nói cách khác là chúng ta phải có một kiểu sống mới, kiểu làm việc mới, kiểu kinh doanh mới, kiểu lãnh đạo mới…”.
Đây là lý do ông Giản Tư Trung – Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE và Viện trưởng Viện Giáo Dục IRED đưa ra để trả lời cho câu hỏi “Vì sao cần phải định nghĩa lại lãnh đạo, định nghĩa lại tài năng?” tại sự kiện IPL Talk diễn ra vào ngày 25-4 vừa qua.
Mặt khác, chúng ta đang trong một bối cảnh mới, một thời đại mới. Đó là thời đại VUCA với nhiều biến động (Volatility), bất định (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity). Đó là thời đại Corona với tổng số ca bệnh trên thế giới đã vượt 147 triệu ca, trong đó trên 3,1 triệu ca tử vong… Chưa từng có thời đại nào tang thương như thời đại này. Cũng chưa có thời đại nào lại biến động, chóng mặt và khôn lường như thời đại này. Một thời đại mà mọi giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, nhiều niềm tin bị đổ vỡ. Trong thời “loạn chuẩn” như vậy, chúng ta muốn tồn tại thì phải có cách sống mới, cách làm việc mới, cách kinh doanh mới. Đó là lý do chúng ta phải định nghĩa lại lãnh đạo, định nghĩa lại tài năng. Định nghĩa lại chính là tìm về bản chất, trả về chân giá trị cho lãnh đạo và nhân tài.
Vậy định nghĩa lại lãnh đạo và nhân tài thế nào? Có rất nhiều định nghĩa khác nhau của các nhà quản trị trên thế giới. Còn theo ông Giản Tư Trung thì PACE định nghĩa lãnh đạo và nhân tài như sau:
– Lãnh đạo đích thực không phải là cố gắng trở thành người hùng mà là người tạo ra người hùng, không phải duy trì đám đông mà kiến tạo đội ngũ để đạt tầm nhìn mục tiêu chung. Và lãnh đạo khai phóng là người có khả năng dẫn dắt những con người tự do để đạt tầm nhìn và mục tiêu chung. Ở đây, mục tiêu chung của kinh doanh không chỉ là kiếm tiền mà phải hướng đến mục tiêu sự phụng sự xã hội, thông qua những sản phẩm tốt cho khách hàng.
– Nhân tài là người làm được việc và giải quyết được những việc quan trọng (do người đứng đầu công ty đề ra).
– Người lãnh đạo có tài là người phát hiện ra tài năng, giúp người khác phát huy cái tài của mình, đặc biệt là giúp người bình thường làm được việc khó.
“Một trong những cái tài lớn nhất trong cuộc đời mỗi người là phát hiện ra cái tài của mình, đó là tìm ra con người chuyên môn và con người văn hóa của mình. Hay nói cách khác là tìm ra con người khai phóng, để biết tôi là ai, tôi sống để làm gì đồng thời sống đúng với lẽ sống của mình”, ông Giản Tư Trung nói. Và IPL Scholarship là nơi giúp cho người trẻ tìm ra con người khai phóng của mình.
Tại Việt Nam, IPL Scholarship được xem là một trong những chương trình phát triển lãnh đạo dành cho doanh nhân trẻ, lãnh đạo trẻ công phu và độc đáo nhất từ trước tới nay. Bởi đây là ngôi trường giúp mỗi học viên tự đào luyện mình trở thành: Con người tự do, Công dân trách nhiệm và Chuyên gia ưu tú, nhằm góp phần phát triển một thế hệ doanh nhân mới. Đó là thế hệ doanh nhân không chỉ có năng lực lãnh đạo mà còn có chiều sâu văn hóa, có tính nhân bản và tinh thần dân tộc; một thế hệ doanh nhân không kiếm tiền bằng mọi giá, mà kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm dịch vụ tốt lành của mình.
Học bổng toàn phần IPL Scholarship khóa 7 đã “mở cửa” để chào đón những người trẻ tự tin có tố chất lãnh đạo và có khát vọng kiến tạo sự thay đổi tích cực trong ngành nghề, lĩnh vực mà mình theo đuổi. Đặc biệt ưu tiên cho người trẻ là doanh nhân khởi nghiệp, lãnh đạo kế nghiệp, các cấp quản lý tại doanh nghiệp trong và ngoài nước, thủ lĩnh trẻ của các hoạt động cộng đồng. Ứng viên gửi hồ sơ dự tuyển trực tuyến tại địa chỉ: https://IPL.edu.vn/tuyen-sinh-IPL7. Hạn chót gửi hồ sơ là ngày 31-5-2021.