“Không diệt không sinh đừng sợ hãi” là cuốn sách cuối cùng mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh để lại cho công chúng.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Sư Ông Làng Mai – là một bậc thầy hướng dẫn tâm linh có ảnh hưởng lớn trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà thơ, một nhà hoạt động cho hòa bình và được nhiều người biết đến qua các bài giảng cũng như qua các cuốn sách nổi tiếng về chánh niệm và về hòa bình.
Ông đã viết hơn 100 cuốn sách, và tất cả những cuốn sách của ông đều được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Trong đó, “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” chính là một trong những tác phẩm chữa lành cuối cùng mà ông để lại cho đời.
Thiền sư Nhất Hạnh, trong cuốn nhật kí của mình nói rằng “Ngày mất mẹ là ngày đau khổ nhất đời con”. Nhưng trong một đêm thanh vắng, thấy mẹ về bên cạnh trong hình dáng đẹp đẽ hơn, và mẹ của Thiền sư trìu mến nói rằng “Con không vui khi thấy mẹ trẻ đẹp hơn sao?”. Theo ánh trăng, cơn gió nhẹ trên ngọn cỏ, Thiền Sư thấy mẹ mình biểu hiện ở đó. Từ ấy, ngài đã không còn buồn, vì biết mẹ mình vẫn tồn tại: có thể ở ngọn cỏ, cơn gió, và cả trong máu thịt của mình.
Không sinh ra, không mất đi là khái niệm xa lạ với con người. Tất cả từ đâu mà có? Tất cả rồi đi về đâu? Chúng ta từ đâu đến? Và rồi chúng ta đi về đâu? Dường như đó là nỗi ám ảnh, để rồi loài người có rất nhiều ý niệm khác nhau.
Viết những trang sách này bằng kinh nghiệm của chính mình, Thầy Nhất Hạnh đưa ra một thay thế đáng ngạc nhiên cho hai triết lý trái ngược nhau về vĩnh cửu và hư không. Thầy nói: “Tự muôn đời tôi vẫn tự do. Tử sinh chỉ là cửa ngõ ra vào, tử sinh là trò chơi cút bắt. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt” và “Nỗi khổ lớn nhất của chúng ta là ý niệm về đến-đi, lui-tới.”
Lặp đi, lặp lại hoài, Thầy khuyên chúng ta thực tập nhìn sâu để hiểu được và tự mình nếm được sự tự do của con đường chính giữa, không bị kẹt vào cả hai ý niệm của vĩnh cửu và hư không. Là một thi sĩ nên khi giải thích về các sự trái ngược trong đời sống, Thầy đã nhẹ nhàng vén bức màn vô minh ảo tưởng dùm chúng ta, cho phép chúng ta (có lẽ lần đầu tiên trong đời) được biết rằng sự kinh hoảng về cái chết chỉ có nguyên nhân là các ý niệm và hiểu biết sai lầm của chính mình mà thôi.