Chính phủ đóng cửa không phải là chuyện mới ở Mỹ khi trong nền dân chủ của nước này, Quốc hội thực sự có quyền trong việc biểu quyết ngân sách chính phủ. Lần đóng cửa gần đây nhất là vào năm 1996, khi chính phủ do Tổng thống Bill Clinton đứng đầu phải đóng cửa gần một tuần lễ do bị Hạ viện lúc ấy gây sức ép về ngân sách.
Lần này một kịch bản tương tự diễn ra, chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần hoạt động của các cơ quan liên bang. Hệ quả này ai cũng biết là do dự luật chuẩn chi Ngân sách Liên bang Hoa Kỳ cho tài khóa 2014 đã không được lưỡng viện quốc hội thông qua khi ngân sách chi thu tài khóa 2013 đã hết hạn từ ngày 1-10-2013.
Tổng thống Obama phát biểu về đạo luật cải tổ y tế và tuyên bố đóng cửa một phần các cơ quan liên bang hôm 1-10
Như vậy là bắt đầu từ sáng 1-10, việc đóng cửa một số cơ quan chính phủ làm tê liệt một phần các hoạt động hành chính chuyên môn lần này đưa đến việc khoảng 800.000 công chức phải nghỉ làm. Ngoài ra, 1,4 triệu quân nhân sẽ lãnh lương trễ, còn cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) phải cho tạm nghỉ việc gần như toàn bộ nhân viên.
Từ điểm xuất phát là Obamacare
Sự ách tắc nói trên là do nỗ lực của các dân biểu, nghị sĩ bảo thủ của đảng Cộng hòa đã quyết tâm đến cùng ngăn chặn việc thực hiện Đạo luật về Chăm sóc y tế vừa túi tiền (Affordable Care Act) được xem là Luật Cải tổ Y tế của Tổng thống Barack Obama và đảng Dân chủ (còn được gọi là Obamacare) đã được lưỡng viện thông qua năm ngoái và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 1-10-2013.
Biểu tình ủng hộ Obamacare
Thật ra nỗ lực này chỉ là thủ đoạn chính trị sau khi đảng Cộng hòa thất bại trong việc ngăn chặn không cho dự luật này trở thành luật hơn một năm trước đây, khi đó đảng Dân chủ đang nắm đa sốở cả Hạ viện lẫn Thượng viện.
Hiện tại đảng Cộng hòa tuy có lợi thế nắm đa số ở Hạ viện nhưng lại là thiểu số ở Thượng viện, nên đây chỉ là một kế hoãn binh để đợi thời cơ thuận lợi, một khi đảng này nắm được đa số ở cả lưỡng viện quốc hội thì sẽ tìm cách thông qua việc hủy bỏ Obamacare.
Một câu hỏi được đặt ra là vì sao đảng Cộng hòa quyết ngăn cản đến cùng việc thực hiện một nỗ lực cách mạng về cải cách y tế, thông qua việc quy định một chế độ bảo hiểm y tế vừa túi tiền và áp dụng cho mọi người dân?
Câu trả lời tổng quát là vì việc thực hiện luật ấy đụng chạm đến túi tiền của thiểu số những người có lợi tức cao, nhất là các nhà tư bản, khi họ phải đóng thuế nhiều hơn để tài trợ cho số đông những người dân lợi tức thấp đều có thể mua được bảo hiểm y tế.
Dân nghèo mua thực phẩm bằng phiếu trợ cấp lo lắng việc đóng cửa chính phủ ảnh hưởng đến bữa ăn
Theo đạo luật mới này, các bang sẽ thiết lập các “sàn” mà qua đó những nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế và người có nhu cầu mua bảo hiểm y tế có thể giao dịch với nhau. Hình thức sàn giao dịch này được lựa chọn nhằm giúp tạo ra một cơ chế cạnh tranh để đẩy giá dịch vụ bảo hiểm xuống gần với chi phí thực của bảo hiểm. Người dân có một lộ trình nhất định để mua bảo hiểm và những ai không có bảo hiểm sẽ phải trả tiền phạt thông qua đánh thuế bắt đầu từ năm 2014.
Tổng thống Obama quan niệm rằng người nghèo cần phải được hỗ trợ nhiều hơn và ở một nước giàu như Mỹ thì không thể để khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn như hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. Trong các nước phát triển thì chi phí y tế của Mỹ thuộc loại cao ngất ngưởng, gần hai lần Pháp, gấp hơn ba lần Nhật… Trong khi đó khoảng 40 triệu người Mỹ hiện không có bảo hiểm sức khỏe, nếu ai có bệnh trước rồi thì khó mua được bảo hiểm, đang có bảo hiểm mà mắc bệnh gì thì năm sau đó phí bảo hiểm sẽ tăng cao hơn. Chính vì vậy người nghèo và những người thất nghiệp thường không có bảo hiểm y tế.
Obamacare là để giải quyết một phần những chuyện đó, nhờ một số điểm:
- – Con cái có thể hưởng chương trình bảo hiểm của cha mẹ đến 26 tuổi (vì nhiều thanh niên chưa có việc làm nên chưa mua bảo hiểm được).
- – Công ty bảo hiểm không thể từ chối những người đã có bệnh án trước.
- – Mỗi bang có thể cho phép công ty bảo hiểm cạnh tranh bán bảo hiểm qua mạng.
- – Các công ty bảo hiểm phải dùng phần lớn tiền thu được của người dân để chi trả các chi phí y tế.
- – Người có thu nhập trên 200.000 USD/năm phải trả thêm thuế cho dịch vụ y tế cộng đồng.
- – Người có thu nhập thấp có thể được chính phủ trợ cấp để trả tiền bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, những điều này đi ngược lại quan điểm và quyền lợi của đảng Cộng hòa ở hai điểm:
- – Một là đảng này chủ trương trong nền kinh tế – xã hội tự do thì chính phủ không nên can thiệp vào các lĩnh vực như doanh thương hay phúc lợi mà phải để thị trường điều tiết.
- – Hai là nhiều người giàu, nhất là các công ty bảo hiểm, đã ráo riết vận động hành lang Quốc hội để ngăn chặn Obamacare. Lớp người này phản đối việc Nhà nước sử dụng tiền thuế của họ ngày càng nhiều cho những người nghèo “lười biếng, ỷ lại”… Các công ty bảo hiểm lớn thì lo ngại sẽ bị cạnh tranh nhiều hơn, lợi nhuận có thể giảm đi…
Trước đây, ý định cải tổ y tế theo chiều hướng mới đã được các chính quyền thuộc đảng Dân chủ nỗ lực thực hiện nhưng đều không thành công, một phần vì sự ngăn cản của đảng Cộng hòa, phần khác do những người đứng đầu chính phủ lúc bấy giờ đã thiếu quyết tâm khi đứng trước những khó khăn chủ quan cũng như khách quan.
Cơ may đến là hồi năm ngoái đảng Dân chủ nắm được đa số tại lưỡng viện quốc hội trong thời gian biểu quyết, còn Tổng thống Obama rất quyết tâm và hành động triệt để hơn các vị tiền nhiệm. Xuất thân từ giai cấp trung lưu, ông Obama cảm thông và thấu hiểu tình trạng khốn khổ của số đông những người dân nghèo, không có khả năng mua bảo hiểm sức khỏe.
Thế nhưng thành công bước đầu của Obamacare chỉ mới về mặt pháp lý và nay khi vào thời điểm áp dụng vẫn còn nhiều khó khăn. Trở ngại lớn nhất là đảng Cộng hòa quyết tâm cản trở triển khai luật này bằng mọi cách khi có thời cơ. Chưa kể khi thực hiện sẽ còn gặp những rắc rối trong việc tổ chức điều hành, với phản ứng tiêu cực của những thành phần bất mãn vì quyền lợi cá nhân và tập đoàn bị thiệt hại.
Đến ngân sách bị đe dọa
Suy cho cùng thì mọi chính sách xã hội mới khi thực thi, nếu đem lại lợi ích cho một thành phần người dân này thì thường lại bất lợi cho thành phần người dân khác.
Tình trạng bế tắc tiếp diễn giữa phe Cộng hòa và Dân chủ làm dấy lên mối quan ngại rằng hai đảng đối nghịch có thể không đạt đồng thuận về việc nâng mức trần nợ vào giữa tháng 10 và điều đó sẽ khiến chính phủ bị vỡ nợ. Cả Bộ Tài chính Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều kêu gọi các nhà lập pháp nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng về ngân sách để tránh gây tổn hại tới nền kinh tế toàn cầu.
Chủ tịch Hạ viện John Boehner
Trong một bức thư gửi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ John Boehner hôm 25-9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đã cảnh báo rằng tiền ngân sách của quốc gia sẽ hết vào ngày 17-10, nếu Quốc hội Mỹ không nâng mức trần nợ, hiện là 16,7 ngàn tỉ USD.
Đây là lần đầu tiên, ông Lew nêu thời hạn cụ thể của sự phá sản tiềm năng. Trước đó, có dự đoán điều này sẽ xảy ra trong khoảng từ 18-10 đến ngày 5-11.
Các cuộc thăm dò cho thấy ngày càng có nhiều người Mỹ đổ lỗi cho đảng Cộng hòa về việc chính phủ đóng cửa. Trong những ngày gần đây, mọi sự chú ý phần lớn dồn vào một nhà lập pháp, đó là dân biểu John Boehner, lãnh tụ phe Cộng hòa đa số ở Hạ viện Mỹ.
Những người mất việc trong đợt đóng cửa cơ quan chính phủ tham gia biểu tình
Trong cương vị chủ tịch Hạ viện, ông Boehner đã chặn một cuộc bỏ phiếu về dự luật ngân sách tạm thời mà lẽ ra đã giữ chi tiêu ở mức hiện thời, dự luật này được tất cả các đảng viên Dân chủ và một số đảng viên Cộng hòa ở Hạ viện ủng hộ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích ông Boehner hôm 3-10 khi phát biểu trước một nhóm công nhân xây dựng ở ngoại ô thủ đô Washington. Ông nói “Hiện có đủ đảng viên Cộng hòa và Dân chủ tại Hạ viện mà nếu Chủ tịch Hạ viện John Boehner chỉ đưa dự luật ra bỏ phiếu thì mọi dân biểu sẽ bỏ phiếu bằng chính lương tâm của họ, và việc đóng cửa sẽ chấm dứt ngày hôm nay”.
Cho tới cuối tuần qua, ông Boehner vẫn từ chối cho phép bỏ phiếu về một ngân khoản tạm thời có thể giúp 800.000 nhân viên chính phủ liên bang trở lại làm việc. Các chuyên gia chính trị dẫn hai lý do để giải thích hành động này: Một là ông Boehner sợ mất sựủng hộ của nhóm bảo thủ và có lẽ là cả vị trí chủ tịch Hạ viện, và một điều khác là sức mạnh của ông sẽ giảm đi khi ông thương lượng với phe Dân chủ về ngân sách mới của Mỹ.
Phản ứng trước tình hình này, Tổng thống Obama tỏ ra cương quyết khi nói rằng “Sẽ không có vấn đề điều đình về việc này. Nhân dân Mỹ không phải là những con tốt trên bàn cờ chính trị. Quý vị không nhận được thỏa thuận để đổi lại việc giữ cho chính phủ hoạt động”.
Các nhà lãnh đạo trong Quốc hội đã họp khoảng một tiếng đồng hồ vào tối thứ Tư tuần trước với Tổng thống Barack Obama, nhưng đã rời phòng sau cuộc họp kín mà không có tiến triển nào về tình trạng bế tắc đã dẫn đến việc cơ quan chính phủ đóng cửa.
Cuộc họp này thất bại khơi lên mối lo sợ việc tạm ngưng hoạt động của chính phủ có thể kéo dài đến giữa tháng 10 và là lúc phải đương đầu với hạn chót rất quan trọng về việc nâng mức trần nợ quốc gia nhằm tránh tình trạng không trả được nợ.
Bảng thông báo đóng cửa Công viên quốc gia
Quốc hội phải gia hạn quyền vay tiền của chính phủ trước ngày 17-10 hoặc chính phủ liên bang sẽ đứng trước nguy cơ, lần đầu tiên, không trả được nợ, một tình huống mà nhiều kinh tế gia nói rằng sẽ đe dọa nền kinh tế thế giới.
Theo một ước tính, việc đóng cửa một phần chính phủ liên bang đã làm thất thu kinh tế ít nhất 300 triệu USD mỗi ngày và sự thất thu đó sẽ còn tăng.
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde mới đây cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng ngân sách của Mỹ cũng có thểảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu khi nói rằng “Những bất ổn tiếp diễn về chính trị xoay quanh ngân sách, mức trần nợ, không giúp ích gì. Việc đóng cửa chính phủ đã quá tệ hại. Nhưng việc không thể nâng mức trần nợ còn xấu hơn nhiều và sẽ gây tổn hại hết sức nghiêm trọng không chỉ với kinh tế Mỹ mà cả với kinh tế toàn cầu”.
LVĐtổng hợp