Tổng thống Mỹ Barack Obama đã xác nhận sẽ thăm Cuba vào tháng 3-2016 trong chuyến công du châu Mỹ Latinh, thể hiện sự nồng ấm trong mối quan hệ giữa hai nước (được phục hồi vào tháng 7-2015). Song song với chuyến đi đó của vị nguyên thủ quốc gia Mỹ là một triển lãm mỹ thuật Cuba lớn nhất từ trước tới nay được tổ chức tại bang Florida, nơi có đông đảo kiều dân Cuba sinh sống và chỉ cách đảo Ngọc 150km.
Được tổ chức tại thành phố Tallahassee, thủ phủ của bang Florida, từ ngày 12-2 đến hết tháng 3-2016, triển lãm được coi là cuộc biểu dương lớn nhất của nền mỹ thuật Cuba tại Mỹ trong suốt 70 năm qua. Thật ra, khởi thủy của triển lãm đã có từ hai năm rưỡi trước, khi mà ông Segundo Fernandez, một nhà sưu tập mỹ thuật gốc Cuba nổi tiếng ở Tallahassee tìm cách để kết nối cộng đồng dân cư Tallahassee với Đại học Mỹ thuật thuộc Trường Đại học bang Florida (FSU). Ông Segundo Fernandez hành nghề luật sư và đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ về lịch sử mỹ thuật tại bang Florida. Ông còn là giám tuyển khách mời (guest curator) của cuộc triển lãm quy mô lớn đang diễn ra tại Tallahassee với tên gọi “Mỹ thuật Cuba thế kỷ XX: đặc trưng văn hóa và tính tiên phong về mặt quốc tế”. Dù xuất hiện vào thời điểm nồng ấm nhất của mối quan hệ Mỹ – Cuba nhưng triển lãm đã được nhen nhóm trước khi có bất kỳ sự liên hệ ngoại giao nào giữa hai nước. Nó gợi nhớ đến cuộc triển lãm “Cách một đại dương” (An ocean apart) giới thiệu mỹ thuật đương đại của các nghệ sĩ Việt Nam trong nước và sinh sống tại Hoa Kỳ, được tổ chức vào năm 1994, trước khi quan hệ Việt Nam – Mỹ được bình thường hóa vào tháng 7-1995.
Hơn 100 tác phẩm mỹ thuật, phần lớn là tranh, tuyển chọn từ các bộ sưu tập tư nhân được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Đại học bang Florida (MoFA), một trong những bảo tàng quan trọng bậc nhất tại bang đông dân thứ tư của nước Mỹ. Đây được coi là cuộc khảo sát lớn nhất nền mỹ thuật đảo Ngọc kể từ sau cuộc triển lãm của khoảng mười họa sĩ Cuba được tổ chức vào năm 1944 tại Bảo tàng MoMA ở New York.
Các nghệ sĩ tạo hình Cuba nổi tiếng trong quá khứ và đương đại sẽ giới thiệu với công chúng Mỹ các tác phẩm thể hiện các huyền thoại, lịch sử, cảnh sắc của đảo quốc cùng các chủ đề đa dạng khác dưới nhãn giới cá nhân của họ. Có thể nói cuộc triển lãm là một cái nhìn tổng thể vào nền mỹ thuật Cuba từ mốc khởi đầu là năm 1927, khi mỹ thuật hiện đại đất nước này được hình thành và sau đó đã phát triển mạnh suốt hai thập niên. Có tranh của các họa sĩ thế hệ đầu tiên của mỹ thuật Cuba như Víctor Manuel García Valdés, Amelia Peláez, Carlos Enriquez, Leopoldo Romañach… và có cả tranh của bậc thầy nổi tiếng Wifredo Lam (1902-1982), người hoạt động mỹ thuật ở Paris cùng thời với những bậc danh họa như Picasso, Fernand Léger, Henri Matisse, Georges Braque, Joan Miró… “Những gì chúng tôi cố gắng thể hiện tại triển lãm là trình bày toàn cảnh tiến trình của nền mỹ thuật Cuba và cách mà nó biến đổi. Đó là một cuộc khảo sát ngoạn mục khởi đi từ thời Cuba còn là thuộc địa của Tây Ban Nha cho tới thời đương đại, qua đó mô tả các nghệ sĩ Cuba tham gia vào khung cảnh mỹ thuật thế giới ra sao”, ông Segundo Fernandez cho biết. Vị luật sư năng nổ trong giới hoạt động mỹ thuật tại Tallahassee còn giữ vai trò chủ tịch hội đồng cố vấn của Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật thuộc FSU.
Segundo Fernandez sinh năm 1950 ở Cuba nhưng lớn lên ở Miami sau khi gia đình ông sang Mỹ định cư vào năm 1960. Ông chuyển đến Tallahassee năm 1977, làm việc cho bang Florida với tư cách một luật sư về môi trường, sau đó mở văn phòng riêng năm 1983. Hành nghề tư pháp nhưng đam mê lớn nhất đời ông là mỹ thuật. Ông đã theo học ngành mỹ thuật, có bằng thạc sĩ về lịch sử mỹ thuật và đang làm luận án tiến sĩ. “Tôi đã ghiền xem bảo tàng từ năm mới lên ba. Cha mẹ tôi từng đưa chúng tôi đến New York để xem kịch ở Broadway và xem thi đấu thể thao ở sân vận động Yankee. Thế nhưng tôi chỉ muốn đến Bảo tàng MoMA”, vị luật sư yêu thích mỹ thuật nói. Cũng chính từ đam mê ấy, khi trưởng thành ông luôn quan tâm đến nền mỹ thuật ở quê nhà và dần dà trở thành nhà sưu tập tác phẩm của các nghệ sĩ Cuba. Segundo Fernandez hồi tưởng: “Tôi vẫn nhớ những bức tranh của một số họa sĩ đang tham dự triển lãm này lúc tranh của họ được treo ở nhà ông bà nội tôi, khi đó tôi còn là một đứa bé”.
Khi đứng ra vận động và tổ chức triển lãm “Mỹ thuật Cuba thế kỷ XX: đặc trưng văn hóa và tính tiên phong về mặt quốc tế”, một trong những mục tiêu mà luật sư – nhà sưu tập và nghiên cứu mỹ thuật Segundo Fernandez nhắm đến là: không những vinh danh nghệ thuật tạo hình Cuba vốn có truyền thống lâu đời mà còn đưa các tác giả Cuba đương đại đến với phong trào mỹ thuật quốc tế, sau nhiều thập niên đất nước Cuba bị cấm vận, các nghệ sĩ Cuba gần như bị tách khỏi dòng chảy mỹ thuật toàn cầu. Ông không giấu niềm tự hào: “Mỹ thuật Cuba thế kỷ XX đã đứng ở tuyến đầu của phong trào mỹ thuật tiên phong quốc tế. Đã có nhiều tác động qua lại giữa các nghệ sĩ sinh trưởng ở Cuba và các nghệ sĩ ở châu Âu cũng như Bắc Mỹ. Các nghệ sĩ Cuba đang học tập ở nước ngoài mang về quê nhà các ý tưởng mới, song họ cũng đem các ý tưởng mới đến châu Âu và Bắc Mỹ”.
Để có được cuộc biểu dương của mỹ thuật Cuba hôm nay, nhiều nhà vận động đã gặp không ít khó khăn. Người đóng góp lớn cho triển lãm là ông Ramón Cernuda, Giám đốc điều hành Trung tâm Mỹ thuật Cernuda Arte ở Coral Gables, Florida. Vào thập niên 1980, khoảng 200 tác phẩm của các nghệ sĩ tạo hình Cuba trong bộ sưu tập Cernuda Arte bị FBI tịch thu vì cho rằng vi phạm luật cấm vận Cuba. Sau đó, ông Ramón Cernuda đã kiện vụ việc ra tòa và đã thắng kiện khi các quan tòa tại South Florida ra phán quyết, khẳng định các tác phẩm hội họa và điêu khắc không phải là các sản phẩm thương mại bị cấm nhập vào Mỹ theo luật cấm vận. Rất nhiều tranh trong sưu tập của Cernuda Arte đã được trưng bày trong triển lãm “Mỹ thuật Cuba thế kỷ XX: đặc trưng văn hóa và tính tiên phong về mặt quốc tế”.
- Lê Bản