La Habana và Washington gần như cùng lúc bất ngờ tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao vốn bị cắt đứt hơn nửa thế kỷ qua. Hôm 17-12 với câu nói Somos todos Americanos (Chúng ta đều là người châu Mỹ), Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba.
Nhà Trắng đưa ra quyết định trên sau khi đã đạt được tự do cho một công dân Mỹ bị La Habana giam tù từ năm năm qua. Đổi lại phía Washington thả ba người Cuba bị kết án 15 năm tù về tội làm gián điệp. Hoa Kỳ cũng thông báo sẽ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận kinh tế. Từ nay, Cuba chấm dứt thời kỳ bị cô lập kinh tế của mình. Tuy nhiên như tuyên bố của Chủ tịch Raul Castro, Cuba sẵn sàng đàm phán với Mỹ bất cứ vấn đề gì nhưng khẳng định không thay đổi hệ thống chính trị.
Như vậy bức tường vô hình ngăn cách đôi bên đã được phá vỡ, chấm dứt một giai đoạn chiến tranh lạnh kéo dài hơn nửa thế kỷ nay giữa đảo quốc Cuba với quốc gia thù địch là Hoa Kỳ.
Ngay sau đó, Bộ Tài chính Mỹ thông báo trong vài tuần tới sẽ sửa đổi các lệnh trừng phạt tài chính đối với Cuba. Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ gỡ bỏ các hạn chế đối với Cuba trong các lĩnh vực như kiều hối, đi lại, hoạt động ngân hàng và Washington cũng sẽ xem xét mở đại sứ quán ở Havana trong vài tháng tới.
Đối thoại thay cho đối đầu
Bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba đặt dấu chấm hết cho một giai đoạn thù nghịch giữa hai quốc gia chỉ cách nhau có 150km giữa eo biển Florida. Từ năm 1960, Cuba quốc hữu hóa các doanh nghiệp của Mỹ mà không bồi thường. Đến năm 1962, Liên Xô cũ cho thiết lập hệ thống tên lửa tại Cuba gây ra cuộc khủng hoảng giữa hai cường quốc lúc bấy giờ là Hoa Kỳ và Liên Xô. Hậu quả là La Habana phải gánh chịu các lệnh trừng phạt về kinh tế của Mỹ.
Sự xích lại gần của đôi bên còn là một tín hiệu mới cho sự tiến triển chính trị tại khu vực châu Mỹ Latinh nơi đang có những biến đổi về xã hội và chính trị, chẳng hạn như tại Colombia, quân du kích FARC đang thương lượng với chính quyền về hội nhập chính trị.
Quyết định của Tổng thống Mỹ được dư luận quốc tế đánh giá là sáng suốt, can đảm và mang tính lịch sử.
Sáng suốt, bởi vì như chính ông Obama đã khẳng định: “Không thể cứ tiếp tục cùng một chính sách suốt hơn năm thập niên”. Tại sao trong khi toàn thế giới có nhiều thay đổi thì sự thù địch của Hoa Kỳ đối với Cuba vẫn bất di bất dịch và tỏ ra không có hiệu quả? Cụ thể là Fidel Castro đã tồn tại qua 11 đời Tổng thống Mỹ khác nhau trước khi chuyển giao quyền lực cho người em Raul.
Sau khi Liên Xô – nước cưu mang La Habana – sụp đổ, Cuba phải tiến hành một số cải cách. Rồi Venezuela của Hugo Chavez, vốn giàu nguồn lợi dầu lửa, đã cứu viện Cuba.
Quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng là can đảm. Vận động hành lang rất hiệu quả của những người Mỹ gốc Cuba, được nuôi dưỡng bằng mối oán hận sâu sắc của một thế hệ về cuộc cách mạng ở đảo quốc này, đã khiến nhiều đời Tổng thống Mỹ liên tiếp ngại ngần không muốn đụng vào hồ sơ cải thiện quan hệ với Cuba, ngoài một vài sửa đổi thực tế nho nhỏ.
Bản thân ông Obama hồi năm 2008 cam kết sẽ thay đổi chính sách đối với Cuba, vậy mà đã phải đợi đến sáu năm sau mới thực hiện bằng chiến thuật nhảy vọt thay vì đi từng bước. Không những thế, ông sẽ còn phải lao vào cuộc chiến với Quốc hội để đạt được việc bỏ cấm vận và cuộc chiến này sẽ rất gay go.
Từ nay không còn kẻ thù quan trọng nhất, Cuba sẽ nhận ra rằng internet và Western Union là những vũ khí có uy lực còn mạnh mẽ hơn tất cả các hình thức cấm vận trên trái đất này.
Tòa thánh Vatican, cùng với Canada, đã đóng vai trò trung gian và hậu cần trong quá trình đàm phán kéo dài 18 tháng giữa Washington và Havana. Tổng cộng chín cuộc họp giữa hai bên đã diễn ra ở Canada và Tòa thánh Vatican.
Ở đây cần nhấn mạnh đến vai trò của giáo hội công giáo ở Cuba lẫn Vatican. Từ thời Giáo hoàng Gioan 23, ngài đã can thiệp vào cuộc khủng hoảng tên lửa giữa Kennedy và Khrouchtchev, cho đến Giáo hoàng Gioan Phaolo Đệ nhị năm 1998 và Benedicto 16 năm 2012 với những quan điểm hòa giải. Và nay đến lượt một vị Giáo hoàng khác người Achentina tham gia cho đến khi đạt được thỏa thuận cuối cùng là cái bắt tay thân thiện giữa hai cựu thù Mỹ và Cuba. Có thể nói, các vị giáo hoàng trên đây là những người đi kiến tạo hòa bình.
Cả thế giới hoan nghênh
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon ca ngợi việc Mỹ và Cuba tiến một bước quan trọng trên con đường bình thường hóa quan hệ và tuyên bố Liên Hiệp Quốc sẵn sàng hỗ trợ hai nước phát triển mối quan hệ mới.
Giáo hoàng Francis gửi lời chúc mừng “quyết định lịch sử” của hai nước nhằm vượt qua những khó khăn trong quá khứ vì lợi ích của nhân dân cả hai bên.
Còn Thủ tướng Stephen Harper thì phát biểu: “Canada luôn ủng hộ một tương lai cho Cuba”.
Hãng tin Reuters dẫn lời bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) nói rằng: “Hôm nay một bức tường nữa đã sụp đổ. Đây là chiến thắng của đối thoại trước đối đầu” và khẳng định EU muốn mở rộng quan hệ với Cuba nhằm thúc đẩy tiến bộ kinh tế – xã hội và đối thoại.
Nhiều nước châu Âu cũng bày tỏ ủng hộ động thái ngoại giao tích cực của Mỹ và Cuba, trong đó có Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo.
Tại châu Mỹ Latinh, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngợi khen ông Obama đã thực hiện bước đi quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và các lãnh đạo Argentina, Paraguay, Uruguay, Bolivia nhất loạt hoan nghênh và ủng hộ quan hệ tương lai giữa Mỹ và Cuba.
Tổng thư ký Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ Jose Miguel Insulza tuyên bố quyết định của ông Obama đã xóa bỏ điều gây chia rẽ lớn nhất trong quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ Latinh và xem đây là khởi đầu cho kết thúc chiến tranh lạnh ở châu Mỹ.
Các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh cũng hối thúc Quốc hội Mỹ bãi bỏ lệnh bao vây phong tỏa Cuba, góp phần làm dịu sự chia rẽ giữa các nước châu Mỹ trong nhiều thập niên qua.
Các nỗ lực chống đối
Trong khi đại bộ phận người dân Cuba đổ ra đường ăn mừng sự kiện tan băng trong quan hệ với Mỹ, ca ngợi quyết định của Chủ tịch Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama thì một khảo sát mới đây của báo New York Times cho thấy cứ mười người thì có sáu người ủng hộ cải thiện quan hệ với Cuba.
Quốc hội Mỹ cũng đang chia rẽ về chính sách mới của Tổng thống Obama với Cuba, với những người ủng hộ và những người phản đối ở cả hai đảng.
Thượng nghị sĩ tiểu bang Florida Marco Rubio nói trên kênh CNN rằng ông sẽ ngăn chặn việc bổ nhiệm bất cứ đại sứ Mỹ nào tại Cuba. Các dân biểu khác chống Castro cũng nói Hạ viện sẽ không tài trợ cho bất cứ quan hệ nào với Cuba.
Điều đáng chú ý là trong khi người gốc Cuba sống ở Mỹ tỏ ra ủng hộ bình thường hóa quan hệ thì một số các vị dân cử gốc Cuba ở Washington lại chống đối.
Hai thượng nghị sĩ đang đóng vai trò quan trọng trong Ủy ban đối ngoại của Thượng viện là ông Robert Menendez theo đảng Dân chủ từ bang New Jersey và ông Marco Rubio theo Cộng hòa từ Florida đều phản đối kịch liệt thông báo của Tổng thống Obama.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, theo đảng Cộng hòa, nói ông sẽ ủng hộ dự luật không cung cấp tài chính cho các thay đổi về chính sách, trong đó có việc lập sứ quán.
Các phát biểu như trên cho thấy phe cứng rắn vẫn còn ảnh hưởng lớn trong việc ngăn cản tiến trình cải thiện quan hệ hai bên.
Con đường còn nhiều chông gai
Mỹ và Cuba kết thúc hơn nửa thế kỷ chiến tranh lạnh, nhưng con đường bình thường hóa chỉ mới bắt đầu. Các tù nhân bị giam giữ quá lâu đã được trả tự do, các bài diễn văn nồng ấm đã được đọc lên, các địa điểm đặt tòa đại sứ đã được bàn đến. Một số biện pháp kinh tế cũng đã được loan báo, dãn bớt gọng kềm và đem lại cho người dân Cuba một số hứa hẹn tương lai tươi sáng hơn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Với Chủ tịch Raul Castro, ông cần phải dành cho đồng bào mình thêm nhiều quyền cá nhân và tập thể.
Còn Tổng thống Barack Obama cần phải thuyết phục Quốc hội Mỹ, nhất là phe Cộng hòa, rằng nên dỡ bỏ cấm vận, đưa Cuba ra khỏi danh sách kẻ thù của Hoa Kỳ là điều có lợi trong tình hình hiện nay.
Sắp tới Hoa Kỳ sẽ thiết lập đại sứ quán ở Cuba, mở cửa lĩnh vực ngân hàng và cho phép người Cuba ở Mỹ gửi kiều hối về nhà nhiều hơn. Tuy nhiên chỉ có Quốc hội mới có quyền dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận và trong tình hình phe Cộng hòa đang kiểm soát cả hai viện thì vẫn còn những phản đối gay gắt và sẽ khó có thay đổi sớm. Một số nhà bất đồng chính kiến Cuba tại Mỹ cũng có những quan ngại tương tự.
Mặc dù vậy, ông Obama hy vọng vẫn nhận được ủng hộ tại Hạ viện về các chính sách đối với Cuba trong thời gian tới.
Xem ra từ tuyên bố đến thiết lập quan hệ bình thường giữa Mỹ và Cuba vẫn còn không ít chông gai.
• 1959: Fidel Castro và lực lượng du kích của ông lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista do Mỹ hậu thuẫn
• 1960-1961: Cuba quốc hữu hóa các doanh nghiệp Mỹ mà không bồi thường, Mỹ cắt quan hệ ngoại giao, cấm vận thương mại
• 1961: Chiến dịch Vịnh con Heo của người Cuba lưu vong xâm nhập nước này, có CIA hậu thuẫn, thất bại
• 1962: Liên Xô chuyển tên lửa đạn đạo tới Cuba
• 2008: Raul Castro trở thành chủ tịch nước Cuba
• 2009: Alan Gross, một nhà hoạt động từ thiện Mỹ, bị Cuba bắt
• 12-2013: Barack Obama và Raul Castro bắt tay tại lễ tang Nelson Mandela
• 17-12-2014: Alan Gross và sau đó là điệp viên Mỹ Trujillo được Cuba thả. Mỹ cũng thả một số điệp viên Cuba