Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019, sau khi Quốc hội của sáu trong số 11 thành viên phê chuẩn thỏa thuận này.
Quốc hội Mexico đã phê chuẩn và Quốc hội Canada cũng có bước tiến trong vấn đề này – dẫn tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công kích Canada tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 hồi đầu tháng 6 năm nay. Rõ ràng, CPTPP đã trở thành một phần của “Kế hoạch B” đối với Mexico và Canada trong trường hợp ông Trump nhấn chìm Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Chính phủ Nhật Bản, Úc, New Zealand và Singapore cũng kỳ vọng Quốc hội các nước này sẽ thông qua CPTPP trong năm nay. Liệu sẽ có thêm các nước ký kết CPTPP nhanh chóng làm theo? Khi hiệp định nói trên được thực hiện, các bên ký kết khác sẽ đối mặt với sức ép ngày càng lớn để nhận được những ưu đãi về thương mại mà CPTPP đem lại. Nói một cách đơn giản, các bên này không thể đứng ngoài.
Chỉ có Malaysia lên tiếng lo ngại về hiệp định thương mại mới. Thủ tướng vừa đắc cử của Malaysia Mahathir Mohamad, người đang quay trở lại với kế hoạch xây dựng Cộng đồng Kinh tế Đông Á (EAEC) mà ông đưa ra trong những năm 80 của thế kỷ trước khi đang làm thủ tướng, đã gợi ý rằng cần xem xét lại CPTPP để các thành viên nghèo hơn có được những lợi ích đặc biệt giúp họ cạnh tranh.
Nền kinh tế Việt Nam nghèo nhất trong CPTPP biết rằng sự thành công của mình trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài phụ thuộc lớn vào các cải cách kinh tế mà thỏa thuận CPTPP yêu cầu. Malaysia có thể sẽ để mất đối tác thương mại và đầu tư vào tay Việt Nam nếu trì hoãn việc phê chuẩn hiệp định này. Trong bối cảnh đó, Malaysia có thể sẽ phải rút ra kết luận, mặc dù có phần bất đắc dĩ, rằng nước này cần thực hiện CPTPP cùng với 10 bên ký kết còn lại.
Vào đầu năm 2019, CPTPP sẽ mở cửa đón nhận các thành viên mới. Các nước này sẽ phải chấp nhận các điều khoản trong CPTPP hiện nay và sau đó đàm phán các cam kết tự do thương mại trong một tiến trình như khi gia nhập WTO.
Hiện có một danh sách ngày càng dài các nước đang cân nhắc tham gia khi CPTPP có hiệu lực. Mặc dù được gọi là một thỏa thuận xuyên Thái Bình Dương, nhưng CPTPP thực tế lại mở cửa đối với tất cả các nước và vùng lãnh thổ có hải quan riêng biệt. Colombia đã chính thức thông báo ý định gia nhập; Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Anh cũng quan tâm. Thực tế là Anh có thể tiến hành đàm phán gia nhập vào năm 2019 sau khi rời khỏi EU và chính phủ Anh đã nhờ New Zealand giúp đàm phán. Với việc mở rộng thành viên, CPTPP có thể nhanh chóng trở thành động lực cải cách thương mại quan trọng nhất của thế giới.
Trung Quốc hiện đã buôn bán với các nước thành viên CPTPP. Tổng cộng kim ngạch thương mại hàng hóa của 11 nước này với Trung Quốc đạt hơn 860 tỉ USD năm 2017 và chiếm gần 20% tổng kim ngạch thương mại của 11 nước ấy. Trung Quốc có kế hoạch hoặc đang tiến hành đàm phán các thỏa thuận thương mại với mỗi thành viên CPTPP, trừ Mexico, đồng thời cũng đang đàm phán nâng cấp các thỏa thuận đã được thực thi.
Liệu Trung Quốc sẽ có bước đi tiếp theo và xin tham gia CPTPP hay không? Trong vài năm tới, CPTPP sẽ có thêm thành viên mà không phải là Mỹ hay Trung Quốc. Nhưng đó có thể là một điều tốt. Do ông Trump phá vỡ các quy định trong WTO với các chính sách bảo hộ của mình và Trung Quốc lách các quy định của WTO bằng các sáng kiến công nghệ cao, các thành viên CPTPP cần tiếp tục phối hợp để củng cố hệ thống thương mại thế giới dựa trên các nguyên tắc.
– Theo Tạp chí châu Á toàn cầu- Hàn Quốc – tháng 7-2018