Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết vào năm ngoái, năm nay Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) vừa công bố Sách Trắng năm 2016 đánh giá về môi trường kinh doanh cũng như mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu trong việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng khung pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh. Trong bối cảnh Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) hợp tác ngày càng sâu rộng, Sách Trắng năm 2016 được đánh giá là công cụ hiệu quả để chính phủ, doanh nghiệp tham vấn và hưởng lợi từ EVFTA.
Kỳ vọng những bước tiến mới trong thương mại và đầu tư
Tại lễ công bố Sách Trắng 2016, một nội dung được đặc biệt quan tâm là việc triển khai EVFTA, nhằm mang lại lợi ích cho cả hai bên. Phát biểu trong buổi lễ công bố tại TP.HCM, ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, quan hệ đối tác giữa Việt Nam và EU hiện nay đã được mở rộng toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Ông cũng đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam khi có những bước phát triển ấn tượng. Năm 2015, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN, chỉ sau Singapore. Kim ngạch thương mại giữa hai bên đã tăng hơn 10 lần trong vòng năm năm, từ 4 tỉ USD năm 2011 lên 41 tỉ USD năm 2015. Ông nhấn mạnh, EVFTA sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam tiếp cận thị trường 500 triệu dân đầy tiềm năng của EU cũng như hoàn thiện pháp lý, môi trường kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư và xã hội.
Theo Sách Trắng năm 2016, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ước tính GDP của Việt Nam có thể tăng trên 15% và giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể tăng gần 35%. Hơn nữa, khi 99% các dòng thuế được gỡ bỏ, Việt Nam sẽ tự do hóa 65% thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng có xuất xứ EU khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực và dần tự do hóa phần thuế còn lại trong 10 năm kế tiếp. Trong khi đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được gỡ bỏ thuế dần trong bảy năm. Người tiêu dùng sẽ được sử dụng các sản phẩm từ EU đa dạng hơn với mức giá phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, Sách Trắng 2016 cho biết thêm, tính đến cuối năm 2014, EU đứng thứ năm trong số các đối tác FDI hàng đầu của Việt Nam. Các nhà đầu tư đến từ 23 trong số 28 quốc gia thành viên EU đã đầu tư vào Việt Nam 19,1 tỉ USD với 1.566 dự án.
Tuy nhiên, làm thế nào để EVFTA có thể trở thành động lực cho sự thay đổi? Làm thế nào để đảm bảo việc thực thi hiệp định mang lại lợi ích cho cả hai là vấn đề mà cả Việt Nam và EU cùng quan tâm. Vì thế, trong ấn bản Sách Trắng năm 2016, Eurocham đã đưa ra nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp nước này cũng như cam kết của EU trong việc hỗ trợ Việt Nam giải quyết những thách thức nhằm tránh cú sốc do doanh nghiệp Việt khi hiệp định chính thức có hiệu lực năm 2018.
Kiến nghị từ phía Eurocham
Các vấn đề và kiến nghị chính được Sách Trắng 2016 đưa ra gồm: việc nâng cao đời sống nhân dân, đề xuất gia tăng lựa chọn cho người tiêu dùng, yêu cầu hành chính, thực thi khuôn khổ pháp lý và vấn đề tiếp cận thị trường. Cụ thể là: đầu tư trực tiếp nước ngoài, quản trị doanh nghiệp, năng lượng, tăng trưởng xanh, phát triển nguồn nhân lực, quyền sở hữu trí tuệ, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, đối tác công – tư, thuế, vận tải, hậu cần… Sách Trắng lần này cũng tiếp tục là những tập hợp và trình bày một số quan ngại cũng như kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam trên các lĩnh vực quan trọng của môi trường thương mại, đầu tư tại Việt Nam như đầu tư trực tiếp nước ngoài, vận tải – hậu cần, sở hữu trí tuệ… hay cụ thể của từng ngành như dược phẩm, công nghiệp ôtô, xe máy, nông nghiệp thực phẩm…
Trong Sách Trắng 2016, các thành viên Eurocham đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện khung pháp lý và tăng cường sức cạnh tranh của Việt Nam như ban hành Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư sửa đổi và các văn bản pháp luật tạo điều kiện cho việc hợp tác công – tư… Tuy nhiên, để việc thực thi EVFTA được diễn ra đúng lộ trình và doanh nghiệp Việt Nam thực sự được hưởng lợi, Eurocham kiến nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thuế, đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng vận chuyển giao thông… Đây sẽ là động lực cho nền kinh tế và tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh nếu muốn sản phẩm có thể tiếp cận thị trường chuẩn mực như EU.
Về vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh, bà Nicola Collony, Chủ tịch Eurocham nhận xét: “Hiện nay, Việt Nam đã giảm được 400 giờ thực hiện thủ tục thuế như khai thuế, hóa đơn hoàn thuế… đều được thực hiện online, điều này có lợi không chỉ với doanh nghiệp châu Âu mà cả doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp khó khăn khi làm việc với hệ thống hành chính của Việt Nam. Việc khai báo thuế, thủ tục thông quan, thủ tục đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép, và các thủ tục hành chính khác thường bị trì hoãn, kết quả xử lý hồ sơ không thể lường trước được”.
Về cơ sở hạ tầng, trong Sách Trắng 2016, Eurocham kiến nghị việc cho phép các công ty châu Âu tham gia vào các dự án hạ tầng ở Việt Nam. Trong khi quy định dự thầu ở châu Âu là khá chặt chẽ thì tại Việt Nam lại chưa có một quy trình rõ ràng. Về vận tải, bà Nicola Collony nhấn mạnh, hoạt động kinh doanh đa quốc gia yêu cầu rất lớn về hạ tầng và giao thông. Hiện nay, chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM nhưng 70% giao dịch lại thực hiện ở các tỉnh thành khác. Vì vậy, bà kiến nghị Việt Nam tập trung cải thiện vấn đề này nếu muốn thu hút đầu tư.
Eurocham cho biết, 1.500 cuốn Sách Trắng 2016 sẽ được chuyển đến các ban, ngành của Việt Nam để doanh nghiệp tiếp cận và cập nhật kiến thức về EVFTA, từ đó đưa ra những kiến nghị sát sao hơn. Eurocham cũng vừa ký thỏa thuận hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thông qua những khóa đào tạo, học hỏi kinh nghiệm… Thị trường châu Âu với 500 triệu dân rõ ràng đang rộng cửa, Việt Nam có tận dụng được hay không khi khoảng thời gian chuẩn bị từ nay đến năm 2018 là rất ít? Câu trả lời nằm ở sự nỗ lực của doanh nghiệp và Chính phủ.
Mộc Lan (DNSGCT)