Rất đa dạng như xây kim tự tháp, nhân bản chó, mèo cho đến bỏ tiền đi du lịch lên sao Hỏa, tất cả đều tính bằng mức giá của năm 2019.
Nếu xây kim tự tháp Ai Cập cổ đại?
Kim tự tháp Giza vĩ đại (GPG) nằm trong danh sách những công trình cổ đại được nhiều người quan tâm. Nó vĩ đại và nổi tiếng đáng kinh ngạc, có hẳn một cầu thang lên thiên đàng, kiêm chức năng ăng-ten để liên lạc với nền văn minh ngoài hành tinh nào đó đã từng tạo dựng nên công trình này theo cách mà nhiều người suy đoán.
Đây cũng là một trong những công trình truyền cảm hứng cho cả sự kinh ngạc lẫn khâm phục trong nhiều thế kỷ qua. Đặc biệt là cách người xưa làm thế nào để xây dựng thành công công trình này khi nền văn minh của nhân loại còn sơ khai.
Theo tạp chí trực tuyến LiveScience, Kim tự tháp Giza vĩ đại dài 756 feet (230,5m, 4 cạnh), cao 480 feet (146,3m), được xây dựng từ 2,3 triệu tảng đá nặng 3 tấn. Truyền thuyết còn lưu lại rằng người cổ đại đã xây dựng nó trong 20 năm, nhưng giả thiết này có thể không đúng, bởi thực tế phải cần hàng ngàn người làm việc cả ngày lẫn đêm mới đặt được một khối đá, 5 phút/tảng nếu so với tiến độ nêu trên.
Cứ cho là 20 năm, nhưng công việc cụ thể được thực hiện ra sao vẫn chưa ai khẳng định được. Giả thuyết hiện tại cho rằng Kim tự tháp Giza được xây dựng từ trong ra. Trước tiên xây dựng một đường dốc xoắn ốc bên trong và sau đó nó được sử dụng để đặt tất cả các khối khổng lồ lên. Điều này vẫn chưa thỏa đáng bởi những khối đá cực kỳ lớn và nặng thì việc di chuyển ra sao. Nhiều giả thuyết cho rằng người xưa đã dùng tới xe trượt và dây thừng.
Ngày nay, nếu xây dựng công trình tương tự, người ta không cần tới 4.000 công nhân trong 20 năm. Chỉ cần khoảng 1.500 đến 2.000 với tiến độ không quá 5 năm, trong đó cần cẩu, máy bay trực thăng và máy móc chuyển động đặt trên mặt đất sẽ được sử dụng. Tổng chi phí ước khoảng 5 tỷ USD. Chắc chắn, dự án kiểu này sẽ tốn nhiều tiền, nếu so sánh nó với chi phí xây dựng lại Trung tâm Thương mại Thế giới. Tòa nhà hiện đại này đã mất 8 năm để xây dựng, tiêu tốn tới 4 tỷ USD.
Nếu nhân bản một con mèo?
Giống như con người, thú cưng dù đặc biệt đến đâu, quý đến mấy tuổi thọ cũng có hạn; việc kéo dài tuổi thọ tự nhiên là điều không thể. Nhưng người ta lại có thể thay thế, tạo ra sản phẩm mô phỏng bằng kỹ thuật nhân bản, nhưng nhân bản không có nghĩa nhận được cùng một con vật; vì vậy, người ta cho rằng nhân bản thú cưng nói chung và mèo nói riêng không phải là ý tưởng tốt bởi lẽ bản sao di truyền sẽ không có cùng một hành vi mặc dù bề ngoài giống hệt như tổ tiên của chúng, chưa kể một số vấn đề khác như đạo đức hay bệnh tật hoặc tuổi thọ mà người ta chưa có điều kiện để kiểm chứng. Giới khoa học cho hay, dù được nhân bản và có thể giống với bản gốc hơn so với anh chị em của nó, nhưng nó cũng chỉ tương tự như một cặp sinh đôi giống hệt nhau. Vì vậy, trước khi đầu tư để làm điều này, mọi người cần xem xét kỹ mọi khía cạnh.
Mèo, chính xác hơn là mèo nhà để phân biệt với các loài thuộc họ Mèo khác, là động vật có vú nhỏ và ăn thịt, sống chung với loài người, được nuôi để săn vật gây hại hoặc làm thú nuôi. Người ta tin rằng tổ tiên trung gian gần nhất trước khi được thuần hóa của chúng là mèo rừng châu Phi. Mèo có vẻ bề ngoài nhờ bộ lông, xù lông khi tức giận, còn khi quấn quýt bên người là muốn thể hiện tình cảm với chủ nhân. Qua hàng ngàn năm nhân giống chọn lọc, con người đã tạo ra thú cưng hoàn hảo, rất ít khi mắc bệnh, dù chỉ là một dị ứng nhỏ.
Nhờ khoa học phát triển con người ngày nay có thể muốn bất kỳ giống mèo nào, thông qua dịch vụ nhân bản của một công ty sinh học ViaGen, có trụ sở tại Texas (Mỹ). Bên cạnh các vấn đề về đạo đức, trở ngại lớn mà hầu hết khách hàng gặp phải là chi phí. Nếu nhờ ViaGen, theo như quảng cáo, chất lượng sản phẩm sẽ “sao y bản chính”, giá giao động từ 35.000-50.000 USD (tương đương 800 triệu đến trên 1,2 tỷ VNĐ).
Nhân bản một con chó?
Kỹ thuật nhân bản được đề cập lần đầu vào đầu thế kỷ 20, tuy là một kỹ thuật sinh vật nhưng khá mới mẻ nên các nhà sinh học cũng chưa chắc đã hiểu hết về nó bởi vì sự phân công khoa học kỹ thuật ngày càng kỹ lưỡng, người cùng ngành cũng sẽ có cảm giác khác ngành như anh em cùng cha khác mẹ. Kỹ thuật nhân bản chính thức trở thành sự kiện hot vào đầu năm 1997, sau khi cừu Dolly được nhân bản ra đời. Từ đó, nhân bản đã trở thành chủ đề hấp dẫn với dư luận.
Thực ra, nhân bản không xa lạ với con người. Trong cuộc sống hằng ngày con người vẫn thường phải dùng đến phương pháp sinh vật sinh sản vô tính này. Ví dụ, khi xuân về, muôn hoa đua nở, người thích trồng hoa sẽ thử nghiệm giâm cành thực vật. Sinh sản vô tính ở động vật bậc thấp thường phổ biến hơn. Sinh sản phân tách ở vi khuẩn, ấu trùng là tách dọc hoặc tách ngang cơ thể của chính bản thân chúng, sau đó thoát khỏi cơ thể để trở thành cá thể độc lập và đây cũng được gọi là nhân bản… Nhưng sự ra đời của cừu Dolly đã thực sự thay đổi nhận thức này của con người, nó đã mở ra một kỷ nguyên mới ở động vật bậc cao, kể cả ở con người.
Sau hơn một thế kỷ tranh luận, vấn đề tồn tại lớn nhất của nhân bản vẫn là đạo đức, trong đó có cả khía cạnh mà một số người xem là “can thiệp vào lĩnh vực quyền lực không dành cho con người”. Riêng nhóm người yêu thú cưng thì xem nhẹ hơn, đơn giản nó là cách để giúp họ giữ lại thú cưng trước khi robot được thay thế.
Cuối tháng 5.2008, công ty BioArts International đã công bố dịch vụ nhân bản chó thương mại có giới hạn thông qua một chương trình có tên Best Friends Again hợp tác với một công ty Sooam Biotech của Hàn Quốc với sản phẩm cuối là chó nhân bản Missy. Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm khác như chó nhân bản Snuppy của các nhà khoa học Hàn Quốc hay 5 bản sao của một con chó có tên Booger của một phụ nữ ở California, Mỹ.
- Xem thêm: Mê cung như sao Hỏa trên trái đất
Sooam Biotech tiếp tục phát triển các kỹ thuật độc quyền để nhân bản chó dựa trên giấy phép từ công ty con Start Licensing của ViaGen (sở hữu bằng sáng chế gốc để nhân bản cừu Dolly. Sooam đã tạo ra những chú chó nhân bản vô tính cho những khách hàng có chó đã chết, tính phí 100.000 USD/một lần, Theo báo cáo thì năm 2015 Sooam Biotech đã nhân bản 700 con và sẽ sản xuất 500 phôi nhân bản của nhiều loài trong năm 2016.
Du hành lên sao Hỏa?
Nếu bạn có tiềm năng kinh tế và ưa khám phá thì có thể đăng ký du hành xuyên vũ trụ lên sao Hỏa. Nhưng nó thực sự tốn bao nhiêu tiền, câu hỏi này không ai có thể trả lời chính xác, ngoại trừ tỷ phú Nam Phi Elon Musk. Elon Musk, 48 tuổi, là nhà phát minh, doanh nhân, người được biết đến với tư cách người sáng lập SpaceX và đồng sáng lập Tesla Motors và PayPal.
Ngoài kinh doanh, Musk còn phác thảo ra một hệ thống giao thông siêu tốc độ được gọi là Hyperloop, ông cũng lên kế hoạch để thiết kế nên một loại máy bay phản lực chạy bằng điện có thể cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng, máy bay phản lực điện Musk. Musk đã tuyên bố mục tiêu của SpaceX, Tesla và SolarCity là thay đổi thế giới và nhân loại, giảm sự nóng lên toàn cầu thông qua việc sản xuất và tiêu thụ năng lượng bền vững, cũng như giảm nguy cơ về sự tuyệt chủng của loài người bằng cách thiết lập nên một thuộc địa của con người trên sao Hỏa.
Theo International Business Times, năm 2016, Musk đã tuyên bố trước Đại hội hàng không vũ trụ quốc tế rằng chi phí chuyến thăm lên sao Hỏa trọn gói và đầy đủ ban đầu ước khoảng 10 tỷ USD. Nhưng sau đó sẽ giảm xuống gần bằng tiền mua một ngôi nhà trung bình ở Mỹ (khoảng 200.000 USD), đặc biệt là tái sử dụng tàu vũ trụ. Theo Space News, nếu NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) đưa người lên sao Hỏa thì mức giá cũng cao tương tự. Chuyến đầu lên sao Hỏa vào khoảng 120,6 tỷ USD. Mức này chỉ là “khái toán”, chưa kể chi phí phát sinh; vả lại NASA và các nhà thầu của NASA không thực sự giỏi về du lịch không gian hoặc có thể họ không có đủ tiền.