Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ dựa trên dân số loài chuột, cách đây 15.000 năm, loài người đã định cư một nơi đủ lâu để có tác động đến hệ động vật ở đấy. Làm sao biết được? Nhờ phân tích hóa thạch tại những khu vực cư ngụ cũ của loài người, đã cho thấy rằng sự hiện diện của loài chuột xám đông đúc hơn đồng loại ở hoang dã; đó là kết quả nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ.
Tuy phát hiện này có vẻ tầm thường nhưng thật ra rất quan trọng. Bởi vì cho đến nay người ta vẫn tin rằng những người thợ săn nhặt hái đầu tiên đã bỏ đi tập tính du mục và định cư cách đây 12.000 năm, vào thời phát triển ngành chăn nuôi và trồng trọt. Kết quả nghiên cứu này chứng minh rằng loài người đã định cư sớm hơn 3.000 năm, khi bắt đầu ngụ trong những căn nhà đá và bùn, biết trữ thức ăn. Đây là đánh dấu bước đầu của mối liên hệ người-chuột xám, còn gọi là chuột nhà, chủ yếu bị ngũ cốc lôi cuốn.
“Hiện nay nhờ mối liên hệ đó, loài chuột nhà đã chiếm ngự tất cả hành tinh. Chúng cũng tràn lan như người và trở thành một trong các loài có vú xâm lấn nhất” – tiến sĩ Thomas Cucchi tuyên bố với Đài BBC tại Bảo tàng Tự nhiên học Paris. Ông là chủ nhiệm của công trình nghiên cứu.
Để đi đến kết luận đó, nhóm nghiên cứu đã xem xét các thay đổi của dạng răng hàm đã hóa thạch của nhiều loài chuột cách đây 200.000 năm. Họ có thể tái tạo lại thời gian cho thấy 2 loài chuột đã tiến hóa tại một địa điểm trong thung lũng Jourdain trong những giai đoạn di chuyển của loài người.
- Xem thêm: Chuột ơi, xin cảm ơn!
Kế đó, các nhà nghiên cứu có thể xác định được rằng sự hiện diện của các nhóm người đã trực tiếp tác động đến kích thước của các quần thể chuột xám và chuột đồng. Thực tiễn là cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng số lượng của quần thể chuộc xám đã tăng mạnh so với đồng loại sống trong thiên nhiên trong khi nhóm người sống lâu hơn ở tại một địa điểm. Một môi trường thuận tiện cho loài chuột vì lúc ấy việc thuần hóa loài mèo chưa thịnh hành.
Cuộc nghiên cứu cũng giải thích rằng trong các thời kỳ khô hạn hoặc thiếu lương thực buộc những người săn bắt hay hái lượm thường dời chỗ, lúc ấy số lượng chuột nhà và chuột đồng cân bằng với nhau.
Ảnh hưởng đến hệ động vật và thực vật
“Công trình nghiên cứu này đưa ra bằng chứng đầu tiên rằng cách đây 15.000 năm, loài người sống tại một địa điểm đủ lâu để có ành hưởng đến hệ động vật địa phương; điều này gây ra sự hiện diện đông đúc của loài chuột nhà. Sự chiếm đóng thường trực của loài người đã có tác động rộng lớn đối với hệ sinh thái địa phương, sự thuần hóa loài vật và các xã hội loài người” – Fiona Marshall, giáo sư cổ sinh học tại Đại học Washington ở St Louis (Missouri), đồng tác giả của nghiên cứu, giải thích.
Khi định cư trong những ngôi nhà tạo nên một chỗ trú và sự tìếp cận thức ăn lâu bền cho các loài vật nhỏ, những cộng đồng dân cư đó đã mở đường cho sự hội sinh, bước đầu tiên trong việc thuần hóa trong đó các loải vật học cách hưởng lợi trong sự tương tác với con người, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh.
Ngoài ra, địa điểm được nghiên cứu có lẽ là một trong những bằng chứng cổ xưa nhất của sự thuần hóa loài chó: có một ngôi mộ chứa một bộ xương của một người đang ôm một con chó con.
- Xem thêm: Tản mạn về chuột