Bất cứ ai trong cuộc đời cũng ít nhất một vài lần nghe câu nhắn nhủ từ người khác “đi coi chừng té”, có thể là từ người thân như cha mẹ, anh, chị…, cũng có thể là người ngoài như bạn bè, cả người không quen.
Người mẹ trông con nhỏ, mối quan tâm của mẹ khi con tập đi là làm sao cho con khỏi té, luôn bên cạnh con để đỡ lúc con loạng choạng. Người ốm dậy tập đi, người trông bệnh lò dò theo từng bước để giúp đỡ, luôn nhắc nhở coi chừng té, nếu có biểu hiện (muốn) té phải tựa vào một cái gì đó ngay…
Ngày xưa mẹ theo sau con, canh cho con khỏi té. Mẹ già, con lại theo mẹ, canh hay nhắc nhở mẹ đừng để bị ngã. Có những tình huống không đỡ được, vì đâu phải lúc nào cũng có điều kiện bên cạnh nhau.
Nhà có người già nhưng nhiều lúc con cái chủ quan, nhất là khi người già vẫn còn khỏe, đi lại, hoạt động bình thường. Một buổi chiều, hàng xóm ngang nhà phát hiện bà mẹ đang nằm dưới đất, ngoài sân. Cổng khóa nhưng cửa nhà bên trong mở.
- Xem thêm: Những ngăn kéo cuộc đời
Kêu cổng mãi trong nhà không ai lên tiếng. Hàng xóm hoảng quá, có người nhanh trí chạy đến nhà bà con cách đó khoảng nửa cây số báo tin. Gia đình người bà con vội đến, gọi điện thoại cho con trai và con dâu, không ai nghe máy.
Cuối cùng mọi người phải leo rào, đỡ bà cụ lên nhà. Vào nhà mới hay là cả con trai lẫn con dâu khi ấy đang ngồi trước máy tính và đeo tai nghe, người nghe nhạc, người coi phim! Cũng may kỳ ấy bà cụ chỉ bị gãy chân, tuy băng bột và phải ngồi một chỗ cả tháng, vẫn còn đỡ hơn bà cụ cạnh nhà chỉ té mà chấn thương sọ não, sống thực vật cả năm mới “đi”.
Không ai dám mạnh miệng vỗ ngực xưng tên cả đời mình không bị… té. Cách này cách khác, nhỏ cũng như trưởng thành hay lên hàng lão thì nguy cơ té vẫn hiện hữu và câu nhắc “coi chừng té” luôn không thừa.
Vấp ngã trong cuộc đời là việc chẳng ai mong muốn. Có khi chủ động, lúc lại bị động. Có những chướng ngại vô hình và cũng có những chướng ngại hiện hữu khiến vấp ngã. Quan trọng là ngã rồi biết tự đứng lên được hay phải có người bên cạnh đỡ dậy. Nếu có sự chăm sóc tốt của người thân, hậu quả của việc ngã có thể khắc phục nhanh chóng. Tất nhiên không loại trừ trường hợp bất khả kháng, đành bó tay!
Con người luôn biết có thể bị té ngã bất cứ lúc nào. Có khi có người bên cạnh nhắc nhở nhưng thường chủ quan ít khi chú ý hay lường trước mình sẽ bị ngã nếu cứ phăm phăm tiến tới. Nếu ai cũng ý tứ thì làm sao vẽ được bức tranh đa dạng sắc màu như vốn nó đã có ngàn năm nay?
Từ chuyện thật cho đến chuyện ảo thời hiện đại. Chẳng ai lường được những hành động tưởng chừng như vô hại là gõ bàn phím lại có thể làm cho mình té! Một câu đùa ác ý, một lời thách thức, một quan điểm cho dù để chế độ bạn bè và bạn bè toàn “phe ta” thì vẫn có thể bị rò rỉ ra bên ngoài làm bằng chứng khiến mình phải té.
Biết là vậy, nhưng đã vào cuộc chơi, mấy ai đủ tỉnh táo để không phạm sai lầm? Nhiều khi chỉ là phút bốc đồng không kiềm chế, tai nạn xảy ra. Ít có bà mẹ nào biết hay nghĩ được để khuyên con cái rằng, ảo cũng phải “coi chừng té”.
- Xem thêm: Quyết tâm và ý chí
Buổi sáng thức dậy, bà mẹ cảm thấy hơi bị choáng nhẹ. Phải ngồi dậy từ từ, làm động tác massage đầu một lúc lâu mới dám bước xuống giường, đôi khi vẫn còn loạng choạng. Bà mẹ biết tự cảnh giác phải vịn vào tay vịn cầu thang để không bị ngã. Vậy mà có hôm vì vội hay lơ đãng không bám vào tay vịn cầu thang là bị ngã lăn đùng. Có cẩn thận đến mức độ nào vẫn có lúc chủ quan hay quên!
Vậy đấy, có người luôn biết, nghĩ được điều gì có thể sẽ xảy đến và thậm chí rất cẩn thận, dè chừng từng bước nhưng vẫn bị vấp té. Té đau, đứng dậy rút kinh nghiệm, nhưng có cái té, mãi mãi không còn cơ hội làm lại.
Thành thử, câu khuyên bảo không ai dạy ai, nói với nhau “coi chừng té” không bao giờ là lạc hậu hay cũ rích khiến gây bực mình cả. Biết khuyên (người khác) hay biết nghe (người khác) khuyên là vậy, bởi đời người chẳng ai thoát khỏi một lần vấp té!