Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN 2016 tổ chức tại Hà Nội vào giữa tuần qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là sân chơi đầu tiên và vẫn là sân chơi quan trọng nhất của Việt Nam. Sân chơi này đã mở rộng và gắn kết với nhau một cách chặt chẽ hơn trở thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Tuy Việt Nam thuộc nhóm trung bình nhưng là quốc gia có nhiều cơ hội chín muồi cho đầu tư và phát triển kinh doanh. Điều quan trọng hơn là có sự mong muốn và chuẩn bị khá kỹ càng để đón nhận đầu tư quy mô lớn và tầm cỡ chiến lược.
“Ở vị trí trung bình chúng tôi hiểu rằng cần thu hẹp nhanh khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và các nước thuộc nhóm trên. Để làm được điều này Việt Nam đang theo đuổi định hướng chiến lược là phát triển với tốc độ nhanh hơn, bền vững hơn và tận dụng tối đa các cơ hội quá trình hợp tác mang lại, ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, giải quyết tốt vấn đề công bằng xã hội, đói nghèo và việc làm. Việt Nam cũng đang nỗ lực cải cách để trở thành điểm đến số 1 để làm ăn của các nhà đầu tư trong khu vực Đông Nam Á và thế giới”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định triển vọng phát triển của Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi, đó là sự ổn định về chính trị, an ninh, không có những vấn đề xung đột về sắc tộc, tôn giáo hay vấn đề an ninh khủng bố, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tiêu chuẩn của hội nhập quốc tế, ổn định kinh tế vĩ mô cũng luôn là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Việt Nam cũng là thị trường lớn với hơn 92 triệu dân cùng sự phát triển mạnh của tầng lớp trung lưu cung cấp nguồn lao động trẻ, dồi dào có chất lượng và chi phí cạnh tranh, có sự kết nối chặt chẽ với thị trường trên 600 triệu dân của ASEAN và trên thế giới, nhiều tiến trình cải cách đổi mới đang diễn ra mạnh mẽ như tái cơ cấu, thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại.
Hiện Việt Nam đang thực hiện một loạt chính sách, định hướng trong đó cơ cấu lại nền kinh tế, nỗ lực thay đổi mô hình tăng trưởng mới, động lực tăng trưởng gắn với tăng năng suất lao động.
Một là hoàn thiện thể chế thị trường của nền kinh tế.
Hai là cải cách mạnh mẽ với khu vực kinh tế nhà nước.
Ba là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
Bốn là tích cực đào tạo nguồn nhân lực cao và tận dụng cơ hội cơ cấu dân số vàng.
Năm là khuyến khích nước ngoài đầu tư gắn với lợi ích lâu dài của doanh nghiệp.
Hội nghị đã dành riêng một phiên để thảo luận về quan điểm bảo hộ thị trường nội địa trong bối cảnh khuynh hướng này đang nổi lên tại các nước lớn, nhất là sau khi ông Donald Trump trúng cử tổng thống Mỹ; cũng như sự ảnh hưởng tới Việt Nam trong trường hợp Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đổ vỡ.
Những thông tin tại cuộc gặp cho thấy số lượng doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng bởi TPP không nhiều bởi phần lớn đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Không có TPP, Việt Nam sẽ tìm kiếm thỏa thuận song phương, đa phương khác thay thế.
Một diễn biến liên quan là Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có chỉ đạo về tiến độ hoàn thành đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Theo văn bản của Văn phòng Chính phủ gửi các bộ ngành và đơn vị liên quan, để hoàn thiện đề án và dự thảo quyết định của Thủ tướng về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2016-2020, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trước ngày 15-12, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, đối chiếu với nội dung tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước nêu trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020 của Chính phủ để bổ sung thêm các đánh giá, nhận định; cụ thể hóa các nội dung về mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Báo cáo tại hội nghị của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước đầu tuần này, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, nếu tính cả số doanh nghiệp sắp xếp trong 10 tháng đầu năm 2016 là 60 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 48 doanh nghiệp, thì đến nay tổng số doanh nghiệp Nhà nước sắp xếp lại là 6.010 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 4.508 doanh nghiệp.
Sau 15 năm (từ 2001), từ chỗ cả nước có khoảng 6.000 doanh nghiệp Nhà nước, dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực, thì đến hết tháng10-2016, Việt Nam chỉ còn 718 doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động trong 19 ngành, lĩnh vực.
Trong dòng chảy cải cách kinh tế, thu hút các nhà đầu tư, Chính phủ vừa có ý kiến chính thức đối với đề án xây dựng đặc khu kinh tế tại ba tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang.
Theo đó Chính phủ thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình ba đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) theo định hướng: mỗi đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị, tạo động lực phát triển mới, bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước.
Chính phủ giao UBND các tỉnh nói trên phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các đề án đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; đề xuất cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng các dự án luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cho từng đơn vị.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn thiện báo cáo về các đề án, trong đó cập nhật, phân tích, đánh giá tổng thể kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này; đề xuất các nhóm cơ chế, chính sách kinh tế ưu đãi đặc thù áp dụng cho các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, xây dựng, trong nghị quyết nói trên, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương rà soát các quy hoạch liên quan đến công tác quản lý đô thị, nhất là tại các thành phố lớn, đề xuất giải pháp chấn chỉnh.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý quy hoạch đô thị, nhất là việc quy hoạch, cấp phép xây dựng các khu đô thị mới, khu chung cư cao tầng, báo cáo Chính phủ trong quý II-2017.
- Gia Minh